Đề thi tham khảo môn Ngữ văn nhẹ nhàng, không gây khó cho thí sinh

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn nhẹ nhàng, không gây khó cho thí sinh

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, trong đó có môn Ngữ văn, Thạc sĩ Phan Thế Hoài, trường THPT Bình Hưng Hòa TP.HCM đã có nhận xét: 

Đề thi tham khảo có cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần đọc hiểu và làm văn. Trong đó, ngữ liệu phần đọc hiểu cho một văn bản nghị luận và yêu cầu thí sinh trả lời 4 câu hỏi nhỏ với các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp).

Để trả lời được 4 câu hỏi này, học sinh cần nắm vững một số yêu cầu như sau:

Thứ nhất, cần nhớ có 6 phương thức biểu đạt: Tự sự (trình bày diễn biến sự việc); miêu tả (tái hiện hình ảnh, trạng thái người hoặc vật, sự vật); biểu cảm (bày tỏ xúc cảm, tình cảm); nghị luận (nêu quan điểm đánh giá, bàn luận, suy ngẫm); thuyết minh (giới thiệu đặc điểm, tính chất đối tượng); hành chính công vụ (trình bày ý muốn, quyết định…thể hiện quyền hạn, trách nhiệm…trong quan hệ cộng đồng).

Và phải căn cứ vào mục đích cuối cùng của văn bản thì mới có thể xác định được phương thức biểu đạt chính.

Thứ hai, căn cứ vào câu hỏi thông hiểu (câu 2 và 3) để xem cần phải trả lời thế nào cho đúng yêu cầu. Đó là câu hỏi đề cập quan điểm của tác giả hay của ai? (câu 2 – cần trả lời ngắn gọn). Nội dung câu hỏi nói đến vấn đề gì? (câu 3 – triển khai từ 3 đến 5 câu).

Thứ ba, với câu hỏi ở dạng vận dụng thấp (câu 4) là một câu hỏi mở, học sinh cần rút ra cho bản thân một bài học phù hợp, có ý nghĩa (trả lời từ 5 – 7 câu). Phần trả lời phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mĩ tục của Việt Nam và không vi phạm pháp luật.

Phần làm văn, có câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Câu Nghị luận xã hội được tích hợp một vấn đề từ văn bản đọc hiểu.

Câu nghị luận xã hội, học sinh cần đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn và không xuống dòng) và trình bày đoạn văn theo một trong những cách: Diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành. Tốt nhất, học sinh nên trình bày đoạn văn bằng hình thức tổng-phân-hợp.

Để làm tốt câu hỏi này, học sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận: “Sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác”.

Biết cách lựa chọn một số thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được vấn đề cần nghị luận – nghĩa là tránh lạc đề.

Ngoài ra, học sinh chú ý chính tả, dùng từ, đặt câu và hành văn trôi chảy, sáng tạo, thể hiện được suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề cần nghị luận - thì mới có thể đạt điểm tuyệt đối.

Câu nghị luận văn học, yêu cầu cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong đoạn 1 bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng.

Nhiều học sinh băn khoăn không biết đề “phân tích” và “cảm nhận” khác nhau ở chỗ nào. Theo PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, “cảm nhận” theo nghĩa từ điển tiếng Việt là “nhận biết bằng cảm tính hoặc bằng giác quan”. Tuy nhiên trong dạy và học làm văn lâu nay, yêu cầu “cảm nhận”có khác.

“Cảm nhận” là một từ ghép gồm “cảm” và nhận. “Cảm” là cảm tưởng, cảm nghĩ - tức nêu những ấn tượng, cảm xúc, suy nghĩ của mình về đối tượng; còn “nhận” là nhận diện, nhận xét về đối tượng ấy.“Cảm nhận” là nêu cảm tưởng/cảm nghĩ và nhận xét của mình về một đối tượng nào đấy. Việc nêu “cảm nhận” cần có bằng chứng từ văn bản tác phẩm.

Như thế, với câu nghị luận văn học này, học sinh cần triển khai bố cục có 3 phần: Mở bài, giới thiệu tác giả Quang Dũng, hoàn cảnh sáng tác bài thơ Tây Tiến và khái quát nội dung đoạn thơ đã cho;

Thân bài, khái quát về nỗi nhớ (2 câu đầu), nỗi nhớ được khắc họa cụ thể (2 câu tiếp theo), nhớ địa hình Tây Bắc hiểm trở, những hi sinh gian khổ của đồng đội (8 câu tiếp theo) và tình quân dân ấm áp (2 câu còn lại);

Kết bài, khái quát nỗi nhớ của tác giả về con đường hành quân Tây Tiến và những nét nghệ thuật nổi bật qua đoạn thơ. Có thể phát biểu cảm nghĩ qua đoạn thơ – gợi nhắc từ quá khứ hướng tới hòa bình…

Từ đề thi tham khảo của Bộ, học sinh cần ôn tập kĩ những tác phẩm: Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh); Tây Tiến (Quang Dũng); Việt Bắc (Tố Hữu); Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm); Sóng (Xuân Quỳnh); Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân); Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường); Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

Nhìn chung, đề thi tham khảo khá nhẹ nhàng, không đánh đố học sinh và có thể phân hóa được điểm thi giúp các trường đại học, cao đẳng lấy điểm này xét tuyển vào các ngành đào tạo Ngữ văn (sư phạm Ngữ văn, tổng hợp Văn, báo chí…) hoặc tổ hợp xét tuyển có môn Ngữ văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.