Phân môn Địa lý: Khoảng 15 câu cho phần kĩ năng
Thầy Nguyễn Văn Thới, Tổ trưởng Tổ Địa lý Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) nhận định: Đề thi tham khảo Địa lý vừa có kiến thức 12, vừa có kiến thức 11. Trong đó tập trung nhiều kiến thức ở chương trình 12 (32 câu – 8 điểm), còn lại kiến thức của chương trình 11 (8 câu – 2 điểm)
Về nội dung: Đề tham khảo dành nhiều câu hỏi cho phần kĩ năng – khoảng 15 câu (sử dụng Atlat, nhận dạng biểu đồ, nhận xét bảng số liệu, nhận xét biểu đồ). Đây là cách làm rất hay để cho học sinh tránh tình trạng học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc. Nếu ôn luyện tốt phần kiến thức này, học sinh sẽ có cơ hội rất cao đạt điểm bài thi Địa lý trên trung bình.
Ngoài ra, ở phần nội dung lý thuyết, đề tham khảo Địa lý cũng ra ở những phần kiến thức trọng tâm trong chương trình; tuy nhiên mức độ phân hóa hơn dành cho nhiều đối tượng học sinh.
Đối với học sinh trung bình, với đề tham khảo này các em có thể sẽ đạt được điểm 6-7, còn muốn đạt điểm 8, 9,10 thì đòi hỏi phải hiểu vấn đề, suy nghĩ và vận dụng các kiến thức để chọn ra nội dung đúng nhất.
Cách ôn tập mà nhóm chuyên môn của Trường THPT Phú Điền thực hiện cho học sinh như sau:
Thứ nhất: Hướng dẫn thật kĩ cho học sinh sử dụng Atlat Địa Lí Việt Nam (hướng dẫn từng trang Atlat thể hiện nội dung gì? Nội dung kiến thức nào sẽ sử dụng trang Atlat nào?...) và phần nhận dạng biểu đồ, nhận xét biểu đồ, bảng số liệu.
Thứ hai: Hệ thống lại nội dung kiến thức trọng tâm trong chương trình 12, 11 để khắc sâu cho học sinh.
Thứ ba: Đối với học sinh có năng lực trung bình, yếu, giáo viên giảng dạy phụ đạo các em vào buổi chiều nếu các em chưa nắm được nội dung lý thuyết hoặc các kĩ năng Địa lí. Ngoài ra cần phải phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh quản lý tốt việc học của các em nhất là các buổi phụ đạo.
Thứ tư: Cho học sinh tiến hành giải các đề trắc nghiệm, phân tích câu trả lời vì sao các em phải chọn câu đó mà không chọn câu khác để hình thành kĩ năng đọc, phân tích đề và chọn đáp án cho học sinh.
Lời khuyên đối với học sinh: Để đạt kết quả cao, trước tiên các em phải rèn luyện kĩ năng về Địa Lí thật tốt, lập kế hoạch để khắc sâu phần kiến thức trọng tâm. Cuối cùng, phải tập cho mình thói quen đọc và phân tích kĩ đề, đáp án trước khi chọn.
Phân môn Lịch sử: Phân hóa rõ hơn, độ khó tăng dần
Đánh giá đề thi tham khảo môn Lịch sử, cô Võ Thị Kiều, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) – nhận định:
Đề thi bao gồm nội dung kiến thức chương trình lớp 11 và lớp 12; phần Lịch sử thế giới (3 điểm), Lịch sử Việt Nam (7 điểm). Trong đó lớp 11 (2,0 điểm) có 8 câu (2 câu lịch sử thế giới và 6 câu lịch sử Việt Nam). Lớp 12 (8.0 điểm) có 32 câu (10 câu lịch sử thế giới và 22 câu lịch sử Việt Nam).
Mức độ đề theo các cấp độ: biết - hiểu - vận dụng thấp - vận dụng cao theo thang điểm 3-4-2-1. Qua đề cho thấy độ khó tăng dần, có sự phân hóa rõ rệt hơn đề thi năm 2017.
Nội dung theo từng giai đoạn của tiến trình lịch sử. Học sinh muốn đạt 5 – 6 điểm phải học chắc kiến thức cơ bản và học thật kĩ sách giáo khoa; mục tiêu đạt 7 – 8 điểm ngoài nắm vững kiến thức cơ bản còn phải hiểu rõ bản chất của sự kiện lịch sử; muốn đạt điểm 9 – 10 thì phải biết phân tích, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Biện pháp ôn thi đạt hiệu quả: Phân phối thời gian ôn tập cho hợp lí giữa kiến thức lớp 11 và lớp 12. Nắm vững kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kĩ năng sau đó mở rộng thêm kiến thức trong sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo khác. Ôn tập lí thuyết trước sau đó tiếp cận với các dạng bài tập trắc nghiệm từ dễ đến khó.