Đề thi Ngữ văn giàu cảm xúc
Mức độ hoàn thành bài khác nhau, nhưng nhiều thí sinh sau khi kết thúc bài thi Ngữ văn sáng 7/7 đều có đánh giá khá tích cực về đề thi. Nguyễn Thị Khánh Vân, thí sinh dự thi tại Điểm thi Trường THPT Lê Lợi (Đông Hà, Quảng Trị) nhận xét, câu hỏi về lẽ sống và sự cống hiến rất hay, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch không quản ngại gian khó, ngày đêm làm việc, lặng thầm cống hiến thanh xuân, sức khỏe.
Thí sinh Trần Phương Thảo, dự thi tại Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cống hiến là lẽ sống của tuổi trẻ; em từng đọc nhiều bài báo, đoạn văn về vấn đề này và tin sẽ đạt điểm cao trong bài thi. Điều Chính Khoa, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nhận xét đề thi khá hay về tình yêu đôi lứa nên các bạn cảm thụ tốt tác phẩm, làm bài không quá khó khăn.
Câu hỏi nghị luận xã hội cũng khá hay; phù hợp với ngữ liệu của phần đọc hiểu, nhưng cũng là thông điệp gửi đến học sinh trước ngưỡng cửa vào đời. “Làm phần này, em có liên hệ đến những y, bác sĩ, lực lượng công an, bộ đội, thanh niên tình nguyện ở tuyến đầu chống dịch Covid-19” - Điều Chính Khoa chia sẻ.
Đánh giá chung của giáo viên, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT; bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết, tuy nhiên vẫn có tính phân hóa.
Phần đọc hiểu bao gồm 4 câu hỏi trong đó có 2 câu hỏi nhận biết, một câu hỏi ở cấp độ thông hiểu và một câu vận dụng. Nét mới mẻ của phần này, theo nhà giáo Triệu Thị Huệ (nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM), là ngữ liệu được chọn. Nhà giáo Triệu Thị Huệ đánh giá, đó là ngữ liệu hay vì đã thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ, giàu chất văn và khơi gợi những nhận thức có tính giáo dục cao.
Thầy Trần Văn Toản - Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế) - cũng đánh giá cao ngữ liệu đọc hiểu và cho rằng, ngữ liệu có nội dung sâu sắc khi đi từ câu chuyện nước mà nghĩ về cuộc đời, con người, hành trình cuộc sống; đánh thức khát vọng đóng góp, cống hiến của bạn trẻ... Điều đó chứng tỏ Ban ra đề đã trăn trở, suy nghĩ làm sao văn không tách rời cuộc sống.
Với câu nghị luận xã hội về sự cần thiết phải biết sống cống hiến, cô Lê Hải Châu - Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) - nhận định có yếu tố thời sự. Học sinh có thể liên hệ với tình hình Covid-19, sự cống hiến và hi sinh thầm lặng của các y, bác sĩ, lực lượng chức năng... đang ngày đêm chiến đấu mang lại cuộc sống yên bình cho đất nước. Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, rơi vào bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh, có vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng khá rành mạch khi yêu cầu cảm nhận về đoạn thơ gồm 3 khổ. Học sinh khá giỏi muốn được điểm cao không chỉ cần làm trọn vẹn nội dung và nghệ thuật ở vế cảm nhận mà cần sâu hơn ở vế 2 - nhận xét vẻ nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
Đánh giá cao đề thi năm nay hơn năm trước, khi phân tích về câu nghị luận xã hội, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên), cho rằng: Vấn đề đặt ra không mới, nhưng giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, cần sự chung tay góp sức, cần sự cống hiến của mỗi người thì vấn đề đặt ra có ý nghĩa.
Đề Toán độ bao phủ kiến thức tốt
Với 90 phút làm bài, chiều 7/7, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021, đợt 1, trên cả nước đã hoàn thành bài thi môn Toán với 50 câu hỏi trắc nghiệm.
Học sinh Nguyễn Thị Tố Như, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) học khối A nhận định mức độ đề dễ hơn đề thi tham khảo. Từ câu 1 đến câu 35 ở mức độ nhận biết và thông hiểu; 15 câu cuối là câu phân hóa thí sinh. Đề cũng không có câu hỏi lạ hoặc đánh đố học sinh.
Thí sinh Nguyễn Khánh Thy (Điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) chia sẻ kiến thức trong đề Toán chủ yếu ở lớp 11 và 12. Mức độ khó của đề bắt đầu tăng dần từ câu 38, học sinh học cơ bản có khả năng đạt điểm trung bình. Tại Hà Nội, thí sinh Nguyễn Quốc Trường (Điểm thi Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) cho biết, đề Toán cấu trúc tương tự đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Độ khó tăng dần ở những câu cuối; các thí sinh khối A có thể hoàn thành bài thi với điểm trên 7…
Với mã đề 107, cô Nguyễn Thị Vĩnh Thuyên - Trường THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ nhận định: Đề phân hóa tốt, tạo điều kiện cho học sinh được xét công nhận tốt nghiệp dễ dàng và các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - thì đánh giá đề thi vừa sức với phần đông thí sinh chịu khó ôn tập và có nền kiến thức khá, có độ bao phủ kiến thức rất tốt.
Nhận định mã đề 119, cô Trịnh Ánh Ngọc, Trường THPT Ban Mai, Hà Nội cho rằng, đề thi không nhiều thay đổi về cấu trúc, độ khó so với đề minh họa và đề thi năm 2020. Cụ thể: Đề bao gồm 50 câu hỏi; trong đó có 38 câu mức độ nhận biết, thông hiểu; 7 câu hỏi mức độ vận dụng và 5 câu hỏi mức độ vận dụng cao.
Nhìn chung, đề thi bám sát với đề minh họa, số lượng câu hỏi nhận biết, thông hiểu là không thay đổi. Kiến thức của đề nằm trong chương trình lớp 12. Chương trình lớp 11 có các câu liên quan đến cấp số cộng, xác suất, phép đếm, góc và khoảng cách. Đặc biệt, đề thi không có sự xuất hiện các câu hỏi về lượng giác, bài toán vận tốc, bài toán lãi suất, phương trình tiếp tuyến và khoảng cách giữa hai đường chéo nhau - đều là những câu hỏi thường gây khó khăn cho các thí sinh.