Đề thi Ngữ văn khuyến khích tư duy phản biện của học sinh

GD&TĐ - Đề thi Ngữ văn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội khá hay, khuyến khích tư duy phản biện của học sinh.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Theo TS Nguyễn Thế Hưng - giáo viên Ngữ văn Trung tâm Edufly (Hà Nội), đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm nay của Hà Nội khá hay, có tính phân loại cao, khuyến khích tư duy phân tích và phản biện của học sinh.

Hình thức câu hỏi đa dạng, từ kiểm tra kiến thức cơ bản đến nâng cao. Đề thi yêu cầu học sinh không chỉ nắm vững kiến thức, mà còn biết áp dụng vào thực tế, thúc đẩy khả năng tự học và tự phản biện.

“Đây là đề thi cân bằng và có tính giáo dục cao” - TS Nguyễn Thế Hưng nhận xét và cho rằng, vấn đề nghị luận xã hội trong đề thi năm nay khá mới mẻ nhưng phù hợp với học sinh lớp 9.

TS Nguyễn Thế Hưng dự đoán, phổ điểm cơ bản dao động từ 6,5 – 8 điểm.

TS Nguyễn Thế Hưng. Ảnh: NVCC.

TS Nguyễn Thế Hưng. Ảnh: NVCC.

Với cấu trúc đề thi Ngữ văn năm nay, phổ điểm của học sinh tập trung chủ yếu từ 6,5-7,75 điểm, thầy Nguyễn Văn Khoa – giáo viên Ngữ văn Trung tâm Edufly (Hà Nội) dự đoán.

Đề thi gồm 2 phần. Phần I (6.5 điểm) đưa ra Ngữ liệu là bài thơ Đồng chí (tác giả: Chính Hữu) trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Các câu hỏi yêu cầu học sinh làm rõ: thể thơ, tên bài thơ khác cùng thể thơ trong chương trình; giá trị biểu đạt của từ ngữ; hình ảnh thơ sóng đôi;

Trong đó có yêu cầu viết đoạn văn khoảng 15 câu theo phép lập luận quy nạp, có sử dụng thành phần tình thái và thán từ chiếm trọng số điểm cao nhất (3.5 điểm) của phần I.

Các câu hỏi quen thuộc và không đánh đố học sinh. Các câu hỏi xoay quanh kiến thức cơ bản và kĩ năng nghị luận về một đoạn thơ. Vì thế, thí sinh nắm chắc nội dung này là có thể giải quyết được yêu cầu của đề thi.

Với Ngữ liệu là một bài thơ, đặc biệt phần viết đoạn là hai khổ thơ cuối bài thơ Đồng chí đã được thầy cô và học sinh ôn tập kĩ. Trong phần này, để phân biệt học sinh khá giỏi chủ yếu nằm ở các ý hỏi: Nghệ thuật của sự sóng đôi (Câu 2); giá trị biểu đạt của từ “đôi” (Câu 3) sự nhầm lẫn giữa thành phần tình thái và thán từ (câu 4)

Đến Phần II (3.5 điểm) kiểm tra phần đọc - hiểu văn bản ngoài chương trình. Các câu hỏi xoay quanh: phép liên kết, quan điểm cá nhân và kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội về cách ứng xử của bản thân đối với những mong đợi của người thân với chúng ta.

Thầy Nguyễn Văn Khoa.

Thầy Nguyễn Văn Khoa.

Mặc dù là những câu hỏi và kĩ năng quen thuộc nhưng theo thầy Nguyễn Văn Khoa, câu hỏi viết đoạn có thể là thử thách với học sinh lực học trung bình. Bởi trong phần này, học sinh không chỉ thành thục kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội, mà còn có những trải nghiệm trong cuộc sống.

Với dạng câu hỏi như vậy, học sinh cần phân tích được những biểu hiện về sự mong đợi của người thân đối với chúng ta. Đặc biệt học sinh cần phân biệt được cả những mặt tích cực và tiêu cực trong những mong đợi ấy như: về ngoại hình, học tập…, Từ đó có những ứng xử cho phù hợp.

Tuy đề hỏi cách ứng xử của bản thân nhưng học sinh cần đưa ra những cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức; chuẩn mực của xã hội. Học sinh sẽ dễ mất điểm ở phần viết đoạn văn nghị luận xã hội do có thể quá xa đà biểu hiện cái tôi cá nhân, suy nghĩ của bản thân; lập luận không chặt chẽ và đưa ra những dẫn chứng chưa phù hợp hoặc không tiêu biểu.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn năm nay của Sở GD&ĐT Hà Nội vừa sức với học sinh. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Văn Khoa, với dạng đề như vậy rất khó để chọn ra được học sinh thực sự có tố chất về môn Ngữ văn.

Đôi khi, học sinh chỉ cần học thuộc những kiến thức cơ bản và nội dung ôn tập của các tác phẩm đã đáp ứng được 70-80% yêu cầu của đề. Vì thế, cần đổi mới để bắt kịp với xu hướng chung khi học sinh lên THPT rất lúng túng với yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học (do cấp THCS chỉ yêu cầu viết đoạn văn).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.