Nhận định về đề thi, cô Đình Thị Thủy, giáo viên Phenikaa School cho biết: Đề đảm bảo cấu trúc, ma trận như công bố của Sở GD&ĐT (60 - 70% câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu, 30 - 40% câu hỏi mức độ vận dụng, vận dụng cao).
Đề thi cũng đảm bảo sự kế thừa, tiếp nối cấu trúc đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội những năm gần đây với 2 phần.
Phần I (6.5 điểm): Kiểm tra kiến thức, năng lực văn học với 4 câu. Trong đó 3 câu hỏi ngắn ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Câu 4 yêu cầu viết đoạn văn dài 15 câu, câu này kiểm tra kết hợp các mức độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng của học sinh.
Phần II. (3.5): Kiểm tra kiến thức, kỹ năng đọc hiểu, tư duy về vấn đề đời sống xã hội với 3 câu hỏi (1/3 câu ở mức độ nhận biết; 2/3 câu ở mức độ thông hiểu và vận dụng).
Về nội dung phần kiểm tra kiến thức văn học (6,5 điểm), đề lấy ngữ liệu từ bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
Cụ thể, câu 1 ở mức độ nhận biết, học sinh không khó để nhận ra thể thơ tự do và liên hệ được bài thơ có cùng thể loại.
Câu 2 ở mức độ thông hiểu, khai thác năng lực hiểu về ngôn ngữ thơ ca và nghệ thuật biểu đạt trong thơ ca: xây dựng hình ảnh, đặc biệt là biện pháp sóng đôi để thể hiện giá trị nội dung, cảm xúc.
Học sinh chỉ ra được hình ảnh sóng đôi: Quê hương anh - Làng tôi; nước mặn đồng chua - đất cày lên sỏi đá và phân tích được giá trị biểu đạt (tạo tính nhịp điệu, tạo sự cân xứng, hài hòa giữa các câu thơ, nhấn mạnh hoàn cảnh sống, tình yêu quê hương của người lính và sự thấu hiểu đồng cảm của người lính với đồng đội của mình, thể hiện).
Câu 3 ở mức độ thông hiểu, học sinh cần khai thác được giá trị của tình đồng chí, của tình tri âm tri kỷ, ở sự chung “chung khát vọng, lý tưởng; chung hoàn cảnh, chung sự thấu hiểu và yêu thương”.
Câu 4 không làm khó học sinh với yêu cầu viết đoạn văn để làm rõ hình ảnh người lính. Học sinh cần nêu được các ý: giản dị, gần gũi, là những người lính xuất thân từ thôn quê nghèo khó; kiên cường, dũng cảm, đối diện với những gian khó của điều kiện thời tiết khắc nghiệt nơi chiến trường để thực hiện lý tưởng cao đẹp: bảo vệ tổ quốc; thấu hiểu và đồng cam cộng khổ cùng đồng đội, trân trọng những gắn bó yêu thương, những nhọc nhằn mà mình cùng đồng đội trải qua... Tất cả toát lên vẻ đẹp của người chiến sĩ thời đại: chủ động, ngang tàng mà lãng mạn, quả cảm...
Học sinh cần chú ý khai thác các yếu tố nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp của hình tượng người lính, cũng như vậy, các em cần tỉnh táo viết đoạn văn theo kiểu đoạn quy nạp, tức là các em cần để luận điểm ở cuối đoạn văn.
Cô Đình Thị Thủy. |
Phần II, ngữ liệu là đoạn hội thoại có ý nghĩa nhân sinh nhưng cũng gần gũi với những biểu hiện thực tế.
Câu 1 kiểm tra kiến thức tiếng Việt, phép liên kết dễ nhận thấy mà học sinh có thể trả lời là: phép lặp.
Câu 2, câu hỏi ở mức độ thông hiểu: “Có ích kỉ không nếu “chúng ta sống không để đáp ứng mong đợi của người khác?”. Học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân nhưng cần có chính kiến và tư duy biện chứng.
Ví dụ, các em có thể bảo vệ quan điểm sống là chính mình, trân quý khát vọng và tiếng nói cá nhân để cuộc sống có giá trị và hạnh phúc thực sự. Tuy nhiên, không lệ thuộc vào mong đợi của người khác nhưng nếu thờ ơ với tình cảm, sự yêu thương và mong đợi tốt đẹp của những người thân yêu thì đó là biểu hiện của sự ích kỷ.
Câu 3. Yêu cầu đề đánh thức nhu cầu được thể hiện quan điểm sống, quan điểm cá nhân, thể hiện được “tiếng nói của trái tim”, thể hiện cả phần “con người văn hóa” của mỗi học sinh.
Câu hỏi này tạo cơ hội cho các em nhìn nhận bản thân trong mối quan hệ với chính mình, với người thân yêu. Các em cần trình bày đoạn văn đúng cấu trúc, diễn đạt rõ ý, kết hợp yếu tố biểu cảm và tư duy hình ảnh để đoạn văn sinh động, hấp dẫn.
Có thể nói, đề thi văn 2024 -2025 của Sở GD&ĐT Hà Nội không quá thách thức với học sinh, hai phần nội dung của đề đã khơi gợi được những nhận thức quá khứ lịch sử, về vẻ đẹp của con người đối với đất nước, về những vấn đề nhân bản (mối quan hệ với chính bản thân, mối quan hệ của bản thân với những người xung quanh).
Tuy vậy, với phần kiểm tra kiến thức văn học sẽ khó khăn và bất ngờ với một số học sinh nếu các em học “tủ” với tư duy xem nhẹ bài Đồng chí (vì đề này đã ra năm 2021-2022).