(GD&TĐ) - Đề thi tốt nghiệp môn Văn năm 2012 không chỉ được các thí sinh đón nhận hào hứng, phấn khởi mà còn được nhiều giáo viên giảng dạy Văn đánh giá là phát huy được năng lực cảm thụ, sức sáng tạo của TS.
Chúng tôi xin giới thiệu 2 bài viết bày tỏ về quan điểm đó:
Với đề thi Văn, TS được cho là thỏa sức "phóng bút", ảnh gdtd.vn |
Đề thi tốt nghiệp môn Văn năm 2012 vẫn giữ nguyên cấu trúc như đề thi 3 năm trước với 3 câu hỏi có mức điểm phù hợp với yêu cầu về kiến thức và kĩ năng. Đề thi môn tốt nghiệp môn Văn năm 2012 được đánh giá là hay và đảm bảo trọng tâm kiến thức cũng như kĩ năng văn học của học sinh.
Câu 1 hỏi về hình ảnh “2 con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ” ở cuối tác phẩm “số phận con người” là ai?vì sao lại gọi là hai người côi cút? Hai hình ảnh hạt cát có ý nghĩa gì? Là một câu hỏi có các ý hỏi khá cụ thể, nhìn qua có vẻ rắc rối nhưng thực ra tương đối dễ. Thông qua câu hỏi này học sinh nhớ lại hai nhân vật Xô-cô-lốp và Va-ni-a với số phận đau khổ trong tác phẩm “Số phận con người” được giảng dạy trong chương trình HKII lớp 12. Câu hỏi này vừa kiểm tra kiến thức đọc hiểu của học sinh, đồng thời đòi hỏi khả năng tư duy, sáng tạo trong phẩn “ý nghĩa hai hạt cát?”
Đề thi năm nay tiếp tục kiểm tra, đánh giá học sinh về cả kiến thức lẫn kĩ năng. Kĩ năng nghị luận xã hội của học sinh được kiểm tra bằng việc trình bày suy nghĩ qua một bài văn ngắn về ý kiến “thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Câu hỏi này đề cập đến một vấn đề khá trọng tâm, tiêu biểu trong đời sống xã hội hiện nay. Đây là vấn đề nổi cộm, nhức nhối có thể đọng lại trong học sinh những suy nghĩ tích cực, rời xa những biểu hiện xấu về đạo đức sau khi viết xong đề văn này. Với câu hỏi nghị luận xã hội này, mỗi học sinh sẽ phát huy tư duy và lập luận trước vấn đề nêu ra. Mỗi học sinh sẽ có một cách viết khác nhau, tùy theo sự sáng tạo, khả năng diễn đạt của mình. Sự am hiểu kiến thức xã hội và khả năng đánh giá về tư tưởng, đạo lý của học trò.
Phần nghị luận văn học với bài văn phân tích khá quen thuộc như các đề văn trước đây là phân tích đoạn thơ trích trong bài thơ “Việt Bắc” (Tố Hữu) ở câu hỏi 3a và phân tích hình tượng con sông Đà trong tùy bút “người lái đò sông Đà” (Nguyễn Tuân). Có thể thấy phần dành riêng cho mỗi thí sinh là kiểu bài dễ, đã được rèn luyện nhuần nhuyễn ở phổ thông nên đa số học sinh làm được bài. Tuy nhiên ở câu 3a phần trích đoạn thơ “Ta đi ta nhớ những ngày………………Chày đêm nện cối đều đều suối xa” theo các em học sinh thì mặc dù dễ nhưng không hay lắm, vì đoạn trích này không phải là đoạn hay nhất trong bài thơ “Việt Bắc” củaTố Hữu.
Với cấu trúc cân đối gồm hai phần: phần dành cho tất cả thí sinh và phần dành riêng cho thí sinh tự chọn, đề thi đã phân loại được trình độ học sinh. Đồng thời với khung điểm rõ ràng 2-3-5 chia ở các câu đã giúp cho học sinh có sự phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Đề thi đã đáp ứng yêu cầu cấu trúc ôn
thi môn Ngữ Văn lớp 12 của Bộ GD-ĐT, có thể xem vừa sức với học sinh. Ở câu 1 có thể là hơi khó với học sinh Ban Tự nhiên, tuy nhiên vẫn có thể sử dụng kiến thức trong bài học để suy luận ra các vấn đề. Đề văn đã phát huy khả năng cảm thụ văn học, giúp cho học sinh làm bài khá tự tin và chắc chắn kết quả chung của môn Văn năm nay sẽ tương đối tốt.
Hồng Hà
---------------------------------
Sáng nay, 02 tháng 6 năm 2012, gần một triệu thí sinh cả nước bước vào môn thi đầu tiên. Có lẽ không một cổng trường THPT được đặt Hội đồng thi nào phụ huynh không đứng đầy bên lề đường, hướng vào phía con em mình đang làm bài một cách hồi hộp và lo lắng. Khi tiếng trống báo giờ làm bài đã hết thì rất nhiều phụ huynh tràn vào cổng trường, ai cũng có câu hỏi đầu tiên là “đề thế nào? làm bài tốt không?”. Song nhìn nét mặt của các thí sinh thì ai cũng yên tâm. Các con phấn khởi, cười nói thoả mái. Tôi có hỏi bè bạn và đồng nghiệp có con thi ở nhiều trường khác nhau thuộc thành phố Hà Nội thì đều được câu trả lời, các con làm bài tốt, các vấn đề đều đã được thầy cô giảng dạy ôn tập khá kĩ.
Theo chúng tôi, đề thi năm nay có nhiều ưu điểm:
Một là bám sát chương trình lớp 12 THPT, lại vào những tác phẩm rất cơ bản, hay, toàn diện. Có thơ, có văn xuôi, cả hai bài đều vào loại đặc sắc trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 đến 1975.
Hai là vừa sức học sinh, không khó, không có gì bất ngờ mà cũng khá thú vị. Không bất ngờ bởi vì chắc các thầy cô đều đã ôn luyện cho các con. Các kiến thức đều rất cơ bản. Thú vị vì tuy là cơ bản song không hỏi theo những lối mòn. Ví dụ hỏi về Sô-lô-khốp và truyện “Số phận con người” không hỏi theo kiểu khái quát như trước đây mà hỏi vào một câu văn, một chi tiết cuối tác phẩm. Có học thuộc mà cũng có suy luận. Phải đọc văn bản và nắm vững văn bản mới năm được “hai con người” ấy là ai và vì sao nói họ “côi cút”. Phải suy luận mới trình bày được hình ảnh “hai hạt cát” có ý nghĩa gì? Câu 2 là câu nghị luận xã hội. Loại bài này học sinh đã được học và luyện tập. Nó cũng gần gũi với những vấn đề hay ra trong những năm gần đây nhưng cũng rất thời sự. Bởi lẽ, thói dối trá hiện nay nó lan rộng, xuất hiện ở mọi chỗ: trong cơ quan công quyền, trong gia đình xã hội, trong học đường v...v... Cho học sinh bàn luận về điều đó cũng chính là đánh động các em ngay trong lúc làm bài thi. Với câu 3: Câu 3b không có gì đặc biệt. Có lẽ khi dạy và ôn luyện tác phẩm “Người lái đò Sông Đà”, không một thầy cô nào không cho học sinh phân tích kĩ hình tượng sông Đà. Riêng câu 3a thì có lẽ sẽ có học sinh lúng túng. Bởi lẽ, có thể thầy cô chỉ phân tích qua đoạn này (khi dạy trên lớp) chứ không ra hẳn một đề văn như thế. Tất nhiên, chỉ lúng túng với những học sinh học theo kiểu “ăn liền”, với học sinh có ý thức tìm hiểu tác phẩm và nắm phương pháp phân tích tầi không có gì đáng ngại. Với cả câu 3a và 3b những học sinh giỏi đều có thể viết dài, viết sâu và phát huy được chất văn chương trong bài làm của mình. Với học sinh trung bình, tôi chắc các con cũng làm được.
Tôi cho rằng đề thi môn Ngữ văn năm nay tốt, rất đáng hoan nghênh.
Nguyễn Kim Rẫn