Đề thi môn Ngoại ngữ vừa sức học sinh với một số chủ đề khá gần gũi

GD&TĐ - Đề thi môn Ngoại ngữ - môn thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 được đánh giá là tương đối “dễ thở” với HS, đồng thời vẫn có tính phân loại.

Đề thi môn Ngoại ngữ vừa sức học sinh với một số chủ đề khá gần gũi

Chiều 28/6, thí sinh hoàn thành môn thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 - môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Dự kiến điểm trung bình Tiếng Anh tăng

Cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh.
Cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh.

Cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Ban Mai, Hà Nội nhận định:

Cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh bám khá sát với đề thi minh họa năm 2024 của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là năm cuối sử dụng cấu trúc đề thi hiện tại trước khi chuyển sang cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực phù hợp với CTGDPT 2018 được Bộ GD&ĐT công bố vào cuối tháng 12 năm 2023.

Phần ngữ âm: 2 câu phát âm trong đó 1 câu về phụ âm và 1 câu kiểm tra về nguyên âm và giữ nguyên cấu trúc 2 câu kiểm tra về trọng âm của từ có 2 âm tiết và 3 âm tiết

Phần câu hỏi ngữ pháp và từ vựng tập trung chủ yếu vào các kiến thức như thì của động từ, mạo từ, so sánh, danh động từ và động từ nguyên mẫu, cụm từ cố định, …

Hai câu hỏi giao tiếp tập trung vào các nội dung hội thoại quen thuộc, bao gồm việc đáp lại một ý kiến và một lời mời. Thay vì dùng 'Would you like...' như đề minh hoạ, đề thi thay bằng 'Let's...'

Các câu hỏi trong dạng bài tìm lỗi sai tập trung vào lỗi về thì của động từ, tính từ sở hữu và các từ vựng dễ gây nhầm lẫn.

Các câu hỏi về từ đồng nghĩa, trái nghĩa trong đề nằm ở mức thông hiểu và vận dụng tuy nhiên các từ vựng được kiểm tra năm nay đều là từ phổ biến, trong đó câu về thành ngữ 'make no bones about sth' (nghĩa là không ngần ngại, không giấu giếm) là câu khó hơn cả. Học sinh có thể dựa vào văn cảnh của câu hỏi để xác định được nghĩa của thành ngữ và lựa chọn đáp án.

Phần đọc hiểu vẫn bám sát cấu trúc 3 bài đọc gồm bài đọc điền từ vào chỗ trống, bài đọc hiểu ngắn và bài đọc hiểu dài. Trong đó: Bài điền từ tập trung vào các kiến thức ngữ pháp như lượng từ/từ hạn định, liên từ, đại từ quan hệ và kiến thức về từ vựng. Hai bài đọc hiểu trong đề có chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh. Nội dung các câu hỏi liên quan đến hỏi tiêu đề, từ gần nghĩa, hỏi thông tin chi tiết và những câu hỏi suy luận khác…

Phần viết: kiến thức kiểm tra vào câu điều kiện loại 2 thay vì câu điều kiện loại 3 như đề kinh hoạ và đảo ngữ (phần kết hợp câu) và kiến thức liên quan bao gồm chuyển đổi thì, câu tường thuật và động từ khuyết thiếu là trọng tâm ngữ pháp cần sử dụng để làm 3 câu tìm câu đồng nghĩa.

Nhìn chung, tỉ lệ câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm hơn 60% đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp, trong khi tỉ lệ câu hỏi khó hơn để lấy điểm cao xét điểm vào các trường Đại học chiếm khoảng 12%. Để đạt điểm cao, học sinh cần chinh phục được các câu hỏi liên quan tới từ vựng và thành ngữ trong phần đọc hiểu và từ vựng ngữ pháp.

Dự kiến điểm trung bình môn Tiếng Anh sẽ cao hơn năm trước, điểm số phổ biến dao động từ 5-6 điểm.

Hiếu Nguyễn

report

Chủ đề gần gũi trong bài thi Tiếng Anh

Đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT năm nay giữ ổn định về cấu trúc so với đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố và các năm trước, vừa sức học sinh với một số chủ đề khá gần gũi, liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề gần gũi với giới trẻ.

Cô Bùi Lệ Hương, giáo viên Tiếng Anh Trường THCS-THPT Phenikaa, nhận định đề thi năm nay tương đối “dễ thở” với học sinh, đồng thời vẫn có tính phân loại. Format của đề giữ nguyên, gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 60 phút.

Các đơn vị kiến thức được kiểm tra bám sát chương trình Tiếng Anh THPT. Cấu trúc đề thi và số lượng câu trong mỗi phần không thay đổi, không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, hay câu hỏi cực khó. Để đạt được từ 7 điểm trở lên, các em học sinh chỉ cần nắm chắc các chuyên đề ngữ pháp và từ vựng trong sách giáo khoa. Ngoài ra thì các chủ đề từ vựng - đọc hiểu vẫn vào các chủ đề quen thuộc với học sinh.

Khoảng 70% câu hỏi trong đề thi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi ở mức nhận biết – thông hiểu bao gồm các câu hỏi ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai…, là các kiến thức quen thuộc, nằm trong chương trình học trong SGK.

Câu hỏi về cụm từ cố định và cụm động từ đều là các cụm thông dụng nên học sinh không cần phải học những cụm quá khó, quá lạ để làm tốt phần này. Độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào dạng câu hỏi: từ cùng trường nghĩa (câu 6 và 15, mã đề 408), thành ngữ (câu 8 và 17, mã đề 408), và dạng bài đọc hiểu, đòi hỏi học sinh cần có vốn từ phong phú và khả năng tư duy.

Chủ đề của các bài đọc đều là về những đề tài khá gần gũi với học sinh, bao gồm đoạn văn về cách nuôi dạy trẻ, trò chơi điện tử, và nghiên cứu về tính cách của những người đam mê âm nhạc. Các câu hỏi đọc hiểu yêu cầu tư duy cao vẫn là câu hỏi về tiêu đề của đoạn văn (câu 31 và 36 , mã đề 408), câu hỏi suy luận (câu 42, mã đề 408), và xác định từ đồng nghĩa (câu 37, mã đề 408). Mặc dù vậy, các câu hỏi này không yêu cầu tư duy suy luận quá khó, học sinh có thể dựa vào thông tin trong bài đọc kết hợp sử dụng các phương pháp loại trừ vẫn có thể chọn được phương án đúng.

Hiếu Nguyễn

report

Đề Tiếng Anh bám sát đề tham khảo

Giáo viên Hệ thống Hocmai nhận định, năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản bám sát cấu trúc đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố vào tháng 3 năm 2024, tương tự với đề tốt nghiệp THPT năm 2023; đề vẫn có các câu hỏi để phân loại thí sinh và phù hợp với yêu cầu cho mục tiêu xét tuyển Đại học.

Về cấu trúc và phạm vi kiến thức: Đề thi kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng đọc – đây đều là các dạng bài quen thuộc với thí sinh trong quá trình ôn luyện. Phạm vi kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 12 và quen thuộc với thí sinh.

Về độ khó của đề thi:

Khoảng 75% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng và đọc hiểu.

+ Các câu hỏi mức 7+ như: phát âm, trọng âm, các câu hỏi ngữ pháp so sánh, câu hỏi đuôi, mạo từ, loại từ, rút gọn mệnh đề trạng ngữ, giới từ, đại từ, thì động từ, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian, từ nối, danh động từ và động từ nguyên thể, câu giao tiếp, từ đồng nghĩa-trái nghĩa, câu đồng nghĩa, nối câu, phrasal verbs, collocation, câu hỏi đại từ và thông tin chi tiết trong bài đọc hiểu, từ dễ gây nhầm lẫn.

+ Các câu hỏi mức 8+ như: từ cùng trường nghĩa, từ vựng trong bài đọc điền từ, tìm từ đồng nghĩa trong bài đọc hiểu

+ Các câu hỏi mức 9+ như: từ vựng nâng cao, thành ngữ, câu hỏi main idea/ best title, câu hỏi suy luận trong bài đọc hiểu vì đây là các câu hỏi yêu cầu thí sinh cần có vốn từ phong phú và hiểu nhiều lớp nghĩa của từ và tư duy suy luận cao từ thông tin có trong bài đọc.

Ví dụ: câu hỏi về thành ngữ câu 6 mã 408; câu hỏi từ vựng nâng cao câu 8 mã 408. Câu hỏi về main idea/ best title như câu 36 mã 408; câu hỏi suy luận trong bài đọc hiểu như câu 41, 42 mã 408. Tuy nhiên, các câu hỏi này không phải là các câu có yêu cầu quá khó, thí sinh có thể dựa vào thông tin trong bài đọc kết hợp sử dụng các phương pháp loại trừ để chọn được phương án có khả năng đúng nhất.

Dự kiến, phổ điểm năm nay có thể sẽ rơi vào khoảng 5,5-6,5; số điểm 9+ sẽ nhiều và tập trung ở nhóm học sinh khối D hoặc chọn Tiếng Anh là môn xét tuyển Đại học.

Hiếu Nguyễn

report

Đề tiếng Anh phù hợp xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học

Theo cô Lê Thị Tâm – giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), đề tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bám sát đề thi minh hoạ của Bộ GD&ĐT, không đánh đố học sinh, có mức độ phân hoá rõ ràng cho từng nhóm đối tượng thí sinh.

Cô Lê Thị Tâm – giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Cô Lê Thị Tâm – giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Khoảng 75% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng và đọc hiểu. Đề phù hợp để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó, kiến thức trong đề bám sát chương trình sách giáo khoa, đặc biệt là từ vựng trong sách giáo khoa chương trình lớp….để có nền tảng từ vựng tốt.

Những thí sinh muốn đạt được điểm 9, điểm 10 là phải có năng lực tiếng Anh tốt. Thí sinh không chỉ nắm chắc kiến thức ngữ pháp mà từ vựng, các thuật ngữ trong tiếng Anh cũng rất chắc để có thể dành được điểm cao. Bản thân là tôi và nhiều đồng nghiệp đánh giá cao đề năm nay.

Ngô Chuyên

report

Đề thi Tiếng Anh sát với đề minh họa của Bộ GD&ĐT

Thầy giáo Tô Quốc Khánh.

Thầy giáo Tô Quốc Khánh.

Thầy Tô Quốc Khánh, Giáo viên Tiếng Anh (Trường THPT Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang), chia sẻ: Đề thi môn Tiếng Anh năm nay bám sát đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT. Về độ khó của đề thi thì câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, chiếm đa số khoảng 69%. Phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.

Ở mã đề 423, độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng (câu 10, câu 14) và các câu trong bài Đọc hiểu. Đồng nghĩa, suy luận (câu 49, câu 50) của bài đọc hiểu. Câu câu 1 Phrasal verb, câu giao tiếp, câu đồng nghĩa, trái nghĩa cho nhẹ nhàng. Câu hỏi ngữ pháp, tìm lỗi sai xuất hiện nhiều trong CT12 và các đề ôn tập của giáo viên. Các bài đọc hiểu thì thí sinh có thể vận dụng các kỹ thuật làm bài mà giáo viên đã hướng dẫn.

Thành Nhơn

report

Đề có nhiều câu phân loại hay

Cô Bùi Thị Thu Thuỷ, giáo viên Trường THPT Quan Sơn, Thanh Hóa nhận định: Cấu trúc đề thi tiếng Anh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giữ được tính ổn định với 4 cấp độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phù hợp với các mục tiêu của Kỳ thi. Nội dung kiến thức cơ bản bám sát chương trình học lớp 12 và bám sát cấu trúc đề minh họa môn Tiếng Anh của Bộ GD&ĐT.

Nội dung ngữ pháp dàn trải, chủ yếu các câu hỏi ngữ pháp rơi vào chương trình Tiếng Anh 12. Trong đó, các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu vẫn rơi vào phần ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp quen thuộc (So sánh nhất, Câu hỏi đuôi, Thì của động từ,...). Các câu hỏi giao tiếp rất thực tiễn. Nội dung bài đọc cũng không có nhiều từ vựng quá khó, chủ đề của bài đọc gần gũi với các chủ đề đã học trong chương trình Tiếng Anh 12.

Tuy nhiên, đề thi vẫn có nhiều câu phân hóa hay. Đạt điểm 9 và điểm 10 chủ yếu rơi vào phần câu hỏi từ vựng và bài đọc hiểu.

Hiếu Nguyễn

report

Đề thi bao quát các chủ điểm ngữ pháp, từ vựng

Nhóm giáo viên Trường THCS – THPT Newton đánh giá: Đề thi tốt nghiệp 2024 môn Tiếng Anh (mã đề 423) bám sát cấu trúc của đề minh họa từ Bộ GD&ĐT.

Giống như đề minh họa, 70% số câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.

Đề thi Tiếng Anh bao quát các chủ điểm ngữ pháp, từ vựng được học trong chương trình sách giáo khoa lớp 10 -12

Câu hỏi về thành ngữ, từ vựng và sửa lỗi sai được coi là cơ hội để học sinh có thể lấy điểm cao, cụ thể là ở các câu hỏi như câu 10, 14, 26. Học sinh cần có vốn từ vựng phong phú mới có thể chinh phục được những câu hỏi này để đạt điểm 9 - 10.

Đề thi không có tính đánh đố, học sinh với học lực trung bình có thể đạt điểm từ 5 đến 6 nếu ôn tập theo đúng định hướng của đề minh họa từ Bộ GD&ĐT.

Hiếu Nguyễn

report

Đề tiếng Anh gây ấn tượng với GV và HS

Chia sẻ về đề thi tiếng Anh, cô Lã Thị Hiền, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Hoàng Diệu (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Đề thi có 50 câu, đề khá bám sát với với đề minh hoạ của Bộ GD&DĐT.

Đề thi môn Ngoại ngữ vừa sức học sinh với một số chủ đề khá gần gũi ảnh 8

Theo cô Hiền, đề thi tiếng Anh năm nay có tính chất phân loại thí sinh khá cao. Trong đó, phần học sinh có thể làm khá dễ 30 câu/50 câu; đối với những câu này học sinh có thể làm tốt để kiếm điểm trung bình.

Riêng phần vận dụng và vận dụng cao chiếm số lượng 15/50 câu, chủ yếu rơi vào phần đọc hiểu chiếm đa số. Còn lại 3 câu rơi vào phần tìm lỗi sai và chọn câu đồng nghĩa (cấu trúc đảo ngữ). Nhìn chung đề tiếng Anh năm nay không quá khó, đề hay, gây ấn tượng với giáo viên và học sinh.

Xuân Lương

report

Đề thi Tiếng Anh có tính phân hóa theo trình độ học sinh

Cô Nguyễn thị Mỹ Dung cùng những học trò của mình.

Cô Nguyễn thị Mỹ Dung cùng những học trò của mình.

Cô Nguyễn thị Mỹ Dung, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và ôn tập cho học sinh trên địa bàn tỉnh Cà Mau thi tốt nghiệp nhận xét:

Đề Tiếng Anh năm nay rất bám đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT, có tính phân hoá theo trình độ học sinh trung bình, khá, và giỏi.

Những học sinh có học lực trung bình được giáo viên luyện tập thường xuyên theo cấu trúc đề minh hoạ có thể đạt điểm 4-6; học sinh khá có thể đạt từ điểm 7; những em giỏi có thể đạt điểm 8-9.

Ở mức từ 9 trở lên các em phải có sự đầu tư nghiêm túc, có kỹ năng tốt về đọc hiểu, kỹ năng phán đoán từ qua ngữ cảnh. Đồng thời có kiến thức từ vựng rộng để làm các câu về từ trái nghĩa (thành ngữ), nhận diện lỗi sai về cách sử dụng từ, …

“Đề thi năm nay, câu khó rơi vào câu nhận diện lỗi về cách sử dụng từ, câu tìm từ trái nghĩa (thành ngữ), câu hỏi suy luận trong bài đọc hiểu, câu thành ngữ trong phần từ vựng và tìm từ đồng nghĩa trong đoạn văn đọc hiểu. Đó là những câu phân hoá, dành cho những em giỏi muốn đạt từ 9 trở lên”, cô Mỹ Dung nhận xét.

Cũng theo cô Dung, so với các đề thi năm trước thì đề thi năm nay tương đối “dễ thở” hơn đối với thí sinh, các từ, các câu không mới, các dạng câu hỏi cũng khá quen thuộc. Cấu trúc tổng quan đề thi vừa sức với học sinh.

Quách Mến

report

Đề thi tiếng Anh: Phổ điểm tương đương so với năm 2023

Đánh giá về đề thi tiếng Anh, cô Trương Thị Bích Liên, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Vị Thanh (Hậu Giang) có thâm niên 24 năm, cho biết: Đề thi được đánh giá có sự khác biệt, phổ điểm tương đương so với năm 2023.

Cô Trương Thị Bích Liên, giáo viên tiếng Anh tại Hậu Giang.

Cô Trương Thị Bích Liên, giáo viên tiếng Anh tại Hậu Giang.

Đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024 giữ cấu trúc tương đối giống với đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT công bố trước đó.

Nhìn chung, nội dung kiến thức xuất hiện trong đề thi bao quát tất cả cấu trúc ngữ pháp học sinh đã được học ở bậc THPT. Tuy nhiên, đề thi có sự phân hóa rõ rệt ở các nhóm học sinh (trung bình - khá - giỏi). Phổ điểm năm nay thí sinh có thể đạt chủ yếu là tầm 4 - 5 điểm.

Theo đánh giá của cô Liên, học sinh trung bình nếu cố gắng tập trung giải đề khả năng đạt khoảng 4 - 5 điểm. Học sinh khá được khoảng 6 - 8 điểm. Học sinh thực sự xuất sắc mới có thể đạt 9 -10 điểm. Tuy nhiên, số lượng điểm 9 -10 sẽ tương đối ít, nhất là điểm tuyệt đối - điểm 10 sẽ không có nhiều.

Thành Thật

report

Đề tiếng Anh không khó với học sinh Hà Nội

Nhận xét về đề thi môn tiếng Anh năm nay, cô Vũ Thị Mai Phương, giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) nhận định: Đề thi năm nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu bám sát nội dung chương trình kiến thức các em học sinh đang học, bám sát đề minh họa Bộ công bố cuối tháng 3/2024.

Đề thi có cấu trúc quen thuộc với 100% là câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút. Câu hỏi là các dạng bài quen thuộc như hoàn thành câu, từ đồng nghĩa - trái nghĩa, phát âm - trọng âm, tiếng Anh giao tiếp, hoàn thành đoạn văn, đọc hiểu, tìm lỗi sai và viết lại câu.

Các câu hỏi về cơ bản nằm trong chương trình học, không khó đối với học sinh Hà Nội khi các em đều phải trải qua kỳ thi vào lớp 10 khó khăn với môn Tiếng Anh bắt buộc. Tuy nhiên, vẫn có một số câu đánh lừa, nếu không đọc kĩ thì sẽ dễ nhầm.

Thí sinh trao đổi sau bài thi môn Tiếng Anh.

Thí sinh trao đổi sau bài thi môn Tiếng Anh.

Đề thi có 2 bài đọc hiểu, bài đầu ở mức vận dụng, còn bài tiếp theo phân hóa cao hơn. Cụ thể, bài đầu về chủ đề video game, học sinh có thể đọc và dễ dàng hiểu. Bài tiếp theo liên quan vấn đề rác thải nhựa, yêu cầu học sinh phải vốn từ vựng cao hơn. Đề thi cũng có từ 3 đến 4 câu học sinh sẽ dễ nhầm lẫn.

Cô Phương dự đoán, học sinh tại Hà Nội ở các trường tốp đầu sẽ đạt điểm cao môn tiếng Anh. Còn học sinh các huyện có thể đạt được mức trung bình để đỗ tốt nghiệp. Phổ điểm có thể tăng nhẹ so với năm ngoái nếu học sinh cẩn thận và thông minh trong phân tích đề thi.

Vân Anh

report

Đề Tiếng Anh có nhiều câu liên hệ thực tế

Thí sinh vui mừng sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Ảnh: Đình Tuệ.

Thí sinh vui mừng sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Ảnh: Đình Tuệ.

Cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang) nhận định, đề thi có cấu trúc tương tự đề minh họa 2024 với 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Điều này đảm bảo học sinh được phân loại rõ ràng, từ những học sinh có nền tảng kiến thức cơ bản đến những học sinh có khả năng suy luận và áp dụng kiến thức vào các tình huống phức tạp.

Cấu trúc này phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT, giúp đánh giá toàn diện khả năng của học sinh ở nhiều mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, mức độ phân hóa đề chính thức cao hơn đề minh họa, đặc biệt ở các câu hỏi từ vựng và đọc hiểu, có 4-5 câu vận dụng cao (câu khó) (câu 6, 8, 30, 37, 42 – mã đề 416) phân loại thí sinh rất tốt, dùng để xét tuyển đại học bằng môn Tiếng Anh.

Theo cô Liên, câu hỏi trong đề về phối thì quá khứ đơn và quá khứ tiếp diễn, câu hỏi đuôi, so sánh nhất, cấu trúc It’s + adjective + to Verb, mạo từ, câu bị động, cụm động từ… và một số câu từ vựng và câu đồng nghĩa là những câu học sinh có thể gỡ điểm, vừa sức với học sinh ở các vùng miền khác nhau.

Câu hỏi về giao tiếp có 2 câu, kiểm tra khả năng ứng xử và phản ứng trong các tình huống hội thoại thực tế. Các câu hỏi này giúp đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày của học sinh.

Đình Tuệ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ