Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Kim chỉ nam trong dạy học, ôn tập

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã công bố 18 đề tham khảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, sử dụng từ năm 2025.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú

Đề tham khảo được công bố sớm hơn thông lệ là điều kiện thuận lợi, giúp các nhà trường, giáo viên kịp thời điều chỉnh công tác dạy học và ôn tập, từ đó chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới.

Giảm tính hàn lâm

Trong số 18 đề tham khảo, lần đầu tiên xuất hiện là môn Tin học và Công nghệ. Với đề Công nghệ - Công nghiệp, thầy Trang Minh Thiên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) đánh giá cao bởi không chỉ kiểm tra lý thuyết mà cả khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế, giúp học sinh phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo.
Các câu hỏi được thiết kế để chuẩn bị cho học sinh những kiến thức nền tảng cần thiết, khuyến khích phát triển tư duy kỹ thuật, khả năng phân tích, điều này rất quan trọng cho việc học tập và nghiên cứu ở bậc đại học. Đặc biệt, câu trắc nghiệm đúng sai, thông qua các bối cảnh có ý nghĩa về công nghệ và vận dụng kiến thức thực tiễn vào cuộc sống giúp học sinh tư duy mạnh mẽ hơn về môn học.

Phân tích đề tham khảo môn Toán, ThS Nguyễn Thị Hoài Thu - Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) khẳng định có nhiều thay đổi theo hướng thực tế hơn, không còn câu hỏi tính toán phức tạp. Các ý hỏi ở cấp độ vận dụng tập trung vào bài toán ứng dụng thực tế, liên môn.
Từ đó, để ôn thi hiệu quả, cả giáo viên và học sinh đều phải thay đổi. Giáo viên cần tìm những phương pháp mới, thay đổi cách dạy truyền thống, không còn dạy phân dạng các bài toán, mà bám sát lý thuyết nhiều hơn. Học sinh đổi cách học, thay vì tính toán những bài toán phức tạp, thì chú trọng học để hiểu chắc lý thuyết, nắm vững toàn diện kiến thức nền tảng; đồng thời tiếp cận thường xuyên những bài toán liên quan đến thực tế từ dễ tới khó.

Cô Nguyễn Thị Hương Giang - giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) cho biết, ngay sau khi có đề tham khảo, Tổ Ngữ văn của trường đã họp, bàn luận, đưa ra những nhận định ban đầu. Theo đó, đề bảo đảm đúng các tiêu chí về lựa chọn ngữ liệu, ma trận câu hỏi; phù hợp với trình độ, nhận thức của học sinh. Sự thay đổi nội dung ở phần viết góp phần quan trọng giúp giảm tải áp lực cho các thí sinh đầu tiên tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

“Phân tích đề tham khảo, chúng tôi nhận thấy nhiều đổi mới về yêu cầu của từng phần, phân hóa được đối tượng khá, giỏi, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Cũng cần nói thêm, năm nay, Bộ GD&ĐT công bố sớm đề tham khảo, tạo lợi thế cho quá trình dạy học, ôn tập. Song, thầy trò lưu ý, đây chỉ là đề tham khảo, số lượng ngữ liệu trong đề thi chính thức có thể tăng lên. Do đó, cần quan tâm rèn luyện kỹ năng đọc nhanh, đọc chính xác để đảm bảo hiệu quả làm bài”, cô Nguyễn Thị Hương Giang cho hay.

Với đề tham khảo môn Vật lý, các thầy cô Trường THPT Trần Quang Khải nhận định: Câu hỏi lý thuyết đưa yêu cầu về định nghĩa, định luật, hiện tượng vật lý… Điều này phù hợp với định hướng mới, khuyến khích học sinh hiểu sâu về bản chất thay vì chỉ áp dụng công thức đơn thuần.
Câu hỏi về thí nghiệm, ứng dụng là điểm mới với yêu cầu phân tích thí nghiệm hoặc các ứng dụng thực tế của vật lý. Điều này giúp đánh giá kỹ năng thực hành và khả năng liên hệ kiến thức với đời sống của thí sinh. Để làm tốt đề này, học sinh không chỉ vững kiến thức hàn lâm mà năng lực giải quyết vấn đề trong các tình huống thực tế cũng phải tốt.

kim-chi-nam-trong-day-hoc-on-tap-3163-6340.jpg
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Dạy học, ôn tập với đề tham khảo

Sau khi tiếp cận và phân tích đề tham khảo, thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài (Phú Thọ) bước đầu nhận thấy phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, hướng đến đánh giá năng lực và phẩm chất người học. Học sinh phải hiểu rõ kiến thức cơ bản để vận dụng làm bài. Cách dẫn và ra đề có nhiều điểm mới khác với trước đây.

Để học sinh tham gia kỳ thi đạt kết quả tốt, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các nhóm chuyên môn phân tích kỹ về cấu trúc, dạng hỏi, phạm vi nội dung của đề; từ đó điều chỉnh phương pháp, nội dụng dạy ôn thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp. Thầy cô được quán triệt quan điểm tránh dạy tủ, dạy mẹo làm câu trắc nghiệm; học sinh phải nắm được kiến thức lõi, kiến thức cơ bản để vận dụng khi làm bài.

“Nhà trường đồng thời chỉ đạo các nhóm chuyên môn ra đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ bám sát cấu trúc đề tham khảo. Bộ GD&ĐT ban hành đề sớm nên nhà trường đủ thời gian để điều chỉnh và thực hiện kế hoạch ôn tập, xác định phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả”, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Tại Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo thông tin, ngay khi có đề tham khảo, nhà trường tổ chức cho tổ nhóm chuyên môn nghiên cứu, thảo luận và điều chỉnh kế hoạch giảng dạy từng môn học.
Các nhóm chuyên môn xây dựng ngân hàng đề theo đề tham khảo. Dự kiến, mỗi tháng nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra theo đề tham khảo ít nhất một lần nhằm làm quen với cách làm bài của dạng đề mới. Đây là một trong những căn cứ để đánh giá chất lượng giảng dạy từng lớp, từ đó có sự điều chỉnh trong dạy học, ôn tập phù hợp, kịp thời.

Bảo đảm ôn tập hiệu quả nhất, theo cô Nguyễn Thị Hương Giang - Tổ Ngữ văn Trường THPT Trần Quang Khải đã bàn bạc, điều chỉnh kế hoạch dạy học Ngữ văn 12 chi tiết theo từng bài, phần, dựa trên định hướng về cấu trúc, nội dung đề tham khảo.

Giáo viên bám sát vào bảng đặc tả, xây dựng ma trận đề cho các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Cùng đó, từng thầy cô điều chỉnh kế hoạch dạy học của cá nhân, áp dụng trên lớp giảng dạy, định hướng, phân loại đối tượng, nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu của đổi mới kiểm tra, đánh giá của Bộ GD&ĐT.

“Trong thời gian tới, còn nhiều điều cần phải làm trong việc dạy và học Ngữ văn nhằm nâng cao chất lượng bộ môn. Còn thời điểm này, khi có đề tham khảo với định hướng cấu trúc, bảng đánh giá năng lực, cấp độ tư duy, giáo viên nắm trong tay kim chỉ nam để chủ động xây dựng kế hoạch, phương pháp dạy học cho học sinh một cách khoa học, hiệu quả nhất. Đây là bước đệm quan trọng giúp thầy trò làm quen, đáp ứng tốt cách thức kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018 từ năm 2025”, cô Nguyễn Thị Hương Giang cho hay.

Các trường phổ thông cần bảo đảm việc giảng dạy và ôn tập bám sát Chương trình GDPT 2018, giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản đến nâng cao và khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế. Một trong những giải pháp là tăng cường các hoạt động thực hành và dự án để học sinh có cơ hội rèn luyện. Cũng cần tổ chức các lớp ôn tập, giải đề tham khảo và tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và định hướng nghề nghiệp tương lai. - Thầy Trang Minh Thiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.