Công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Bộ GD&ĐT công bố 18 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết cho tổ chức Kỳ thi, đồng thời giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động ôn tập, dạy và học, ngay từ đầu năm học Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, chuẩn bị từ sớm, từ xa các công việc, nhiệm vụ về công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi, trong đó có việc xây dựng đề tham khảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Xác định đây là công việc rất quan trọng để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh yên tâm chuẩn bị cho Kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề thi tham khảo và triển khai các bước thực hiện xây dựng đề thi tham khảo trên tinh thần khoa học, chặt chẽ và trách nhiệm.
Nhằm đảm bảo tính khách quan, toàn diện, sát với chương trình, sát với quá trình tổ chức dạy và học, Bộ GD&ĐT đã mời thành phần tham gia xây dựng đề thi là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, các chủ biên đã tham gia xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục thường xuyên, các tác giả biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những người đã tham gia các đợt tập huấn về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi do Bộ GD&ĐT tổ chức...
Đề thi tham khảo bảo đảm đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT công bố, đồng thời bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chủ yếu là lớp 12.
So với những năm trước, năm nay đề thi tham khảo được công bố sớm hơn gần 5 tháng; qua đó, giúp nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong quá trình dạy, học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi để đạt nhiều mục tiêu đề ra như phương án Bộ GD&ĐT đã công bố.
Đề tham khảo cơ bản nhận được đánh giá tích cực từ phía các nhà giáo. Môn Tiếng Anh, có ý kiến đánh giá đây là một format đề thi hay và thách thức khi không còn việc làm bài theo mẹo mà cần phải học đúng – hiểu thật; vận dụng các kiến thức đầu vào về ngữ pháp nền tảng và từ vựng để xử lý bài thi dưới áp lực về thời gian và độ khó của các dạng bài.
Với đề Toán, nhìn chung bám sát đúng yêu cầu mục tiêu lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng đảm bảo sự phân hóa nhằm phân loại thí sinh.
Đề Ngữ văn, phần đọc hiểu tuy phạm vi kiến thức giữ nguyên, nhưng có thể thấy được sự thay đổi từ kiểm tra ghi nhớ kiến thức sang đánh giá kĩ năng của học sinh. Phần Viết sử dụng ngữ liệu, liên kết các câu hỏi ở phần Đọc hiểu là một lợi thế trong phòng thi,giúp thí sinh có nhiều thời gian hơn cho phần Viết…
Đề tham khảo một số môn như Hóa học, Vật lí, Sinh học được nhận định xuất hiện nhiều câu hỏi ứng dụng thực tiễn, giảm yếu tố tính toán, bám sát tinh thần của Chương trình GDPT 2018…
Công bố dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT
Thông tin giáo dục thu hút nhiều sự quan tâm trong tuần qua là việc Bộ GD&ĐT chính thức công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.
Theo dự thảo, tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp trường THCS có số học sinh đăng kí vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì được thực hiện tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hoặc chương trình xóa mù chữ của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học hướng dẫn việc tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Về tuyển sinh THPT, có 3 phương thức gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Về thời gian thi, dự thảo Quy chế quy định Ngữ văn là 120 phút; Toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi tuyển sinh lớp 10 THPT nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Dự thảo Quy chế cũng Quy định khung một số yêu cầu về việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và công bố kết quả, điểm chuẩn, chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên… để bảo đảm chất lượng, an toàn trong tổ chức kỳ thi tại các địa phương.
Trước khi công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT lấy ý kiến rộng rãi xã hội, Bộ GD&ĐT đã gửi lấy ý kiến của 63 Sở GD&ĐT và các trường THPT trong cả nước về một số nội dung của Quy chế.
Theo đó, tính đến ngày 7/10/2024 đã có 63 Sở GD&ĐT gửi ý kiến góp ý các nội dung về tuyển sinh THCS và THPT; đã lấy ý kiến của 8.898 cơ sở giáo dục trung học tại 63 tỉnh/thành phố, trong đó có 8.267 ý kiến đồng ý với các nội dung dự thảo chiếm 92.9%; có 631 ý kiến có đề nghị bổ sung.
Có 60/63 Sở GD&ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.
5 năm phối hợp tăng cường giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên
Ngày 18/10, tại Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai, thực hiện Chương trình phối hợp số 415 giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2019-2024.
Trong 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các hoạt động về giáo dục an toàn giao thông trong trường học; đưa công tác giáo dục an toàn giao thông là một trong những tiêu chí bình xét, đánh giá thi đua hàng năm của ngành.
Các cơ sở giáo dục đã chủ động tăng cường công tác giáo dục pháp luật ngoại khóa về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, đa dạng, phù hợp từng lứa tuổi từ mầm non đến giáo dục phổ thông, đảm bảo tối thiểu ít nhất 5 tiết/1 học kỳ đối với học sinh lớp đầu cấp và 3 tiết/1 học kỳ đối với các lớp khác.
Bộ GD&ĐT đã triển khai rà soát, đánh giá nội dung, thời lượng giáo dục an toàn giao thông trong chương trình chính khóa của tất cả các cấp học để tiến hành sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức pháp luật về an toàn giao thông của các cơ sở giáo dục, hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên vẫn còn gặp một số hạn chế như ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của học sinh, sinh viên có chuyển biến nhưng tính tự giác chưa cao, thời lượng giảng dạy về an toàn giao thông trong chương trình chính khóa còn hạn hẹp, phương pháp giảng dạy còn cứng nhắc chưa tạo ra hứng thú cho học sinh, sinh viên, giáo viên dạy an toàn giao thông đều là giáo viên kiêm nhiệm…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi lưu ý việc đổi mới đồng bộ hình thức giảng dạy trong các nhà trường và vai trò của người đứng đầu trong công tác triển khai giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng lưu ý, những cách làm, mô hình phối hợp hay tại các địa phương cần được báo cáo, chia sẻ và lựa chọn để nhân rộng thành mô hình phổ biến. Trong khi làm, khi triển khai việc phân công trách nhiệm, công việc cần phải rõ ràng, cụ thể.
Để công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên được triển khai hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội. Đặc biệt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cần được xây dựng vững chắc; các chế tài xử lý phải có tính răn đe, quyết liệt, đầy đủ.
Nhân dịp này, 15 cá nhân và 18 tập thể có thành tích trong 5 năm triển khai Chương trình phối hợp số 415 giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2019-2024 đã được nhận Bằng khen Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.