Để Tết… 'xanh'

GD&TĐ - Đối với người Singapore, Tết dường như bắt đầu từ Giáng sinh và kéo dài đến giữa tháng Giêng âm lịch.

Chỉ cần chuẩn bị lượng thức ăn cho khoảng 10% khách đến nhà chúc Tết là vừa đủ dùng. Ảnh: Getty Images
Chỉ cần chuẩn bị lượng thức ăn cho khoảng 10% khách đến nhà chúc Tết là vừa đủ dùng. Ảnh: Getty Images

Thế nên, chỉ riêng Tết năm ngoái, họ lãng phí 817 nghìn tấn thực phẩm, khiến Bộ Môi trường nước này phải đưa ra một loạt đề xuất hướng đến “Tết… xanh”.

Ít thịt

“Trong kỷ nguyên nóng lên toàn cầu, mâm cơm Tết đầy ú ụ thịt không còn là sự thiết đãi đầu xuân nên có nữa”, nhà báo Davina Tham lên tiếng. Theo Bộ Môi trường Quốc gia (National Environment Agency - NEA), Singapore đang quá lãng phí và gây hại lên sinh thái chỉ vì thói quen chuẩn bị quá nhiều thịt cho ngày Tết.

“Hãy ước lượng số khách đến nhà chúc Tết và chỉ mua sẵn lượng thịt đủ mời dưới 15% lượng khách là vừa đủ dùng”, NEA đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh giảm số lượng thịt, NEA còn đề xuất người dân nên chuyển đổi sang thịt chay, tức là các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật. Theo tính toán từ giới nghiên cứu, việc sản xuất thịt chay ít tác động xấu lên môi trường từ 10 – 100 lần so với thịt thật. Ví dụ thịt bò chay, nếu so với thịt bò thật, nó sử dụng ít nước hơn 87%, ít đất hơn 96%, giảm phát thải khí nhà kính hơn 89% và giảm ô nhiễm nước ngọt hơn 92%.

“Sản xuất thực phẩm là một trong các ngành nghề gây hại nghiêm trọng lên sức khỏe môi trường nhưng lại không thể bỏ đi được, chỉ có thể cố gắng hạn chế các tác động tiêu cực. Vì thế, xin đừng lãng phí thức ăn! Chỉ nội việc xử lý và phân hủy rác thực phẩm thôi cũng đang chiếm 1/8 tổng khí thải toàn cầu”, Tiến sĩ Jonathan Lowvan ví.

Nhiều yêu thương

Tết cũng là dịp người dân Singapore thể hiện tình yêu thương với thân nhân, bằng hữu bằng… vật chất. Đó là các món quà giá trị, được gói ghém đẹp đẽ và trao tay trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ chuyển phát.

Món quà đầu tiên và quan trọng nhất chính là quần áo mới. Trong thời đại mặt hàng trang phục quá đa dạng, nhiều món rẻ - đẹp, ít người lại để bản thân hay con cái, cha mẹ phải mặc đồ cũ đón xuân. Kết quả, chỉ tính riêng năm ngoái, rác may mặc của Singapore đã là 189 nghìn tấn.

Tiếp đến là quà báo hiếu, mừng xuân, phong bao lì xì… và món nào cũng cần túi, hộp, giấy gói đẹp cho thêm phần trang trọng. Nhưng cuối cùng, chỉ món quà được giữ gìn còn những gì bọc ngoài đều kết thúc ở bãi rác. Chỉ tính riêng rác bao lì xì, Singapore đã có đến gần 10 tấn/năm.

“Chúng ta không nhất thiết phải gói quà và, nếu cứ nhất định phải gói, bạn cũng có thể tận dụng túi, hộp, giấy bọc đã qua sử dụng để giảm lượng rác thải cho hành tinh”, Stephanie Dickson, nhà hoạt động vì môi trường, đề nghị.

Tặng quà là một cách thể hiện tình yêu thương, nhưng ý nghĩa của quà tặng không nằm ở trị giá vật chất. Thay vì quà cáp cao sang, bà Dickson đề xuất hãy chọn những món hữu ích, trong đó có cả các món mà bạn có sẵn nhưng không cần dùng đến và đồ cũ còn sử dụng tốt (bao gồm quần áo). Bằng việc tặng đi những món như thế này, bạn vừa thể hiện được sự quan tâm dành cho người nhận, vừa góp phần bảo vệ Trái đất.

Quà cáp cốt ở tình cảm. Ảnh: Cosmopolitan.com

Quà cáp cốt ở tình cảm. Ảnh: Cosmopolitan.com

Xuân “xanh - sạch”

Nỗi lo lớn nhất của Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS) mỗi khi Tết đến là in tiền mới, phục vụ nhu cầu mừng tuổi. Người dân Singapore muốn tiền mừng tuổi cho già, trẻ và thanh niên độc thân phải là tờ tiền mới tinh.

Phát hành tiền giấy mới gây tác động khủng khiếp lên sinh quyển. Theo Hội đồng Gia cư (Housing Board), nó phát thải lượng CO2 tương đương với 430 căn hộ 4 phòng và để cân bằng phát thải, Singapore phải trồng thêm 10 nghìn cây xanh.

“Xin hãy nhớ cho, tờ tiền 2 đô mới cũng chỉ có giá trị sử dụng bằng với tờ tiền 2 đô cũ”, MAS nhắc nhở. Vì tương lai “xanh”, họ quyết định ngừng phát hành tờ 2 dollar singapore vốn rất được ưa dùng. Thay vào đó, MAS khuyến khích người dân sử dụng tờ 2 đô “cũ nhưng nhìn vẫn mới” làm tiền lì xì, đặc biệt hy vọng mọi người sẽ chuyển sang lì xì “số”.

Đối với phong bao lì xì giấy dùng theo tiền giấy, MAS đề nghị nên chọn kiểu đơn giản nhất, vì những thiết kế phức tạp, in nhiều mực đỏ, vàng hay kim tuyến rất khó tái chế. Ngoài ra, mọi người cũng nên chọn bao lì xì màu xanh, in họa tiết cung hoàng đạo để tiện tái dụng nhiều năm.

Giống như MAS, NEA cũng mong xuân ngày càng “xanh - sạch” hơn. Những năm gần đây, người dân Singapore có lệ quyên góp đồ cũ sau dọn dẹp cuối năm. Họ thu gom các vật dụng, đồ đạc không dùng đến, chở tới các địa điểm tập kết của tổ chức thu nhận đồ quyên góp Salvation Army giúp phân loại, phân phát đến người cần.

Tuy nhiên, cuối năm ngoái, nhiều người quyên góp đồ cũ chỉ đơn giản là để tống khứ hết những thứ không cần trong nhà, bao gồm cả… rác. Kết quả, một số điểm thu nhận phải tạm đóng cửa. “Xin hãy có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc quyên góp đồ cũ”, Salvation Army nhắc nhở.

Theo Channelnewsasia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ