Để Telehealth trở thành cánh tay thứ 3 của bác sĩ

GD&TĐ - Khi hệ thống telehealth được ứng dụng rộng rãi vào việc khám chữa bệnh, khoảng cách địa lý giữa bệnh nhân vùng sâu, vùng xa và bệnh viện tuyến trung ương dần bị xoá nhoà.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Nhiều ca bệnh phức tạp được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc trong triển khai hệ thống để telehealth trở thành cánh tay thứ 3 của bác sĩ.

Nhiều ca bệnh được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều bệnh viện đầu ngành đều đã triển khai hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Kết quả triển khai cho thấy khám chữa bệnh từ xa đã trở thành hoạt động thường xuyên, phục vụ người bệnh ở tuyến dưới. Hiệu quả của khám chữa bệnh từ xa bước đầu đã thấy rõ, hệ thống telehealth được đánh giá là bước phát triển mới hướng tới sự đồng bộ, hoàn thiện hệ thống khám chữa và phòng bệnh.

Hiện nay, cả nước có 1.400 bệnh viện công lập và 275 bệnh viện ngoài công lập, 30 nghìn phòng khám đa khoa, 11.500 trạm y tế xã phường cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Chỉ hơn 45 ngày hệ thống đã cán đích kết nối với một nghìn điểm cầu giúp việc triển khai khám chữa bệnh từ xa và chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh từ các chuyên gia đầu ngành cho tuyến dưới.

Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba, Quảng Bình đã cứu sống kịp thời mẹ con sản phụ nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống nam bệnh nhân được phẫu thuật trong tình trạng tràn khí màng phổi tái phát do vỡ kén khí màng phổi nhờ sự chỉ đạo  trực tuyến của các chuyên gia ngoại khoa của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thông qua hệ thống telehealth. Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút nhờ khám chữa bệnh từ xa.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Hành lang pháp lý cho Telehealth

Đến nay, hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã kết nối 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh, hành lang pháp lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hơn bốn tháng triển khai khám chữa bệnh từ xa nhưng các bệnh viện chưa có nguồn thu, bảo hiểm y tế chưa có cơ sở để chi trả. Một trong những vướng mắc hiện nay là Luật khám chữa bệnh chưa sửa đổi nên chưa có hành lang pháp lý cho việc triển khai ký đơn khám chữa bệnh từ xa như thế nào. Khi có việc gì xảy ra, bác sĩ tuyến trên sẽ phải chịu trách nhiệm, vai trò bác sĩ của bệnh viện hạt nhân giảm đi.

TS.BS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai nhận định, khám chữa bệnh từ xa là hình thức tương đối mới mẻ nên cần phải có nền tảng về pháp lý, công nghệ và tài chính. Hiện tại, ngành y tế mới triển khai thí điểm, nhiều khâu cần được chuẩn hoá để trở thành hoạt động thường quy và chi phí.

Thực tế triển khai telethealth thời gian qua cho thấy các bệnh viện đang tham gia theo nhu cầu thực tiễn và quyết định từ Bộ Y tế. Khi đưa một chủ trương phù hợp thực tế, rất cần những điều kiện cần và đủ, đó chính là nhu cầu và cơ chế, chính sách. Các bệnh viện đang rất cần có một hành lang pháp lý để loại hình khám chữa bệnh từ xa hoạt động. Từ việc hợp thức hoá tên gọi trong các văn bản quy phạm đến các hướng dẫn về chuyên môn, cơ chế tài chính phù hợp.

Bên cạnh đó, người bệnh được bảo hiểm y tế thực hiện chi trả sẽ là một nhân tố quan trọng giúp dịch vụ này phổ biến. Thế nhưng, khám chữa bệnh từ xa hiện chưa có trong danh mục được chi trả bảo hiểm y tế và bệnh nhân sẽ phải tự chi trả 100% nếu bệnh viện thu. Dù nhiều bệnh viện đã khai trương dịch vụ khám chữa bệnh từ xa nhưng mới dừng ở mức hỗ trợ miễn phí, hoàn toàn không thu phí bệnh nhân hoặc tuyến dưới.

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương nhận định các bệnh viện tuyến dưới gặp khó khăn về mặt tài chính. Hy vọng trong thời gian tới, ngành y tế sẽ đưa khám chữa bệnh từ xa trở thành hoạt động thường quy và có chi phí. Như thế, các bệnh viện sẽ đầu tư để phát triển hệ thống rất có ý nghĩa này.

Yếu tố cuối cùng cần tháo gỡ để hệ thống khám chữa bệnh từ xa phát triển đó là thay đổi thói quen của người bệnh. Theo nhiều chuyên gia, đây là bài toán quan trọng và khó khăn nhất. Thói quen của người Việt Nam trong việc khám chữa bệnh vẫn là “chọn mặt gửi vàng”. Bởi vậy, các bệnh viện tuyến trung ương vẫn trong tình trạng quá tải, phải nằm ghép trong khi bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thì không có bệnh nhân để điều trị.

Do vậy, việc tuyên truyền để người dân hiểu và tin tưởng sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nguồn lực. Thông qua các hoạt động đào tạo từ chuyên gia đầu ngành của trung ương thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, bệnh viện, bác sĩ tuyến dưới phải chủ động nâng cao tay nghề, đầu tư thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng phục vụ. Đó là yếu tố quan trọng để giữ chân người bệnh, phát huy hiệu quả việc khám chữa bệnh từ xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ