Nhưng mới đây trên mạng xã hội xuất hiện chia sẻ của một bà mẹ ở Hưng Yên về tự đỡ đẻ, không cắt rốn cho trẻ sơ sinh. Thông tin trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng, trong đó phần nhiều e ngại về sự nguy hiểm đối với sức khỏe hai mẹ con.
Cô đỡ đi tìm sản phụ
Xã Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) có hơn 1,2 ngàn hộ thì người Mông chiếm 92% là nơi cô đỡ Thào Thị Se sinh sống và “hành nghề” bà đỡ nhiều năm nay.
Trung bình mỗi năm, cô Se khám thai cho hàng trăm chị em. Đến gần ngày sinh, cô Se vận động sản phụ và người nhà đến trạm y tế để được nhân viên y tế chăm sóc.
Với người không có điều kiện đến trạm y tế, cô Se chủ động đến nhà theo dõi và hỗ trợ thai phụ trong suốt quá trình sinh nở, chăm sóc sức khỏe mẹ và bé sau sinh.
Cô Thào Thị Se cho biết: Năm 2017, em khám thai cho 182 ca, đỡ đẻ tại nhà 8 ca. Vận động 22 phụ nữ có thai đi khám định kỳ tại trạm y tế, chăm sóc sau đẻ cho 26 chị và phát hiện dấu hiệu nguy hiểm để chuyển tuyến kịp thời cho 3 ca (1 ca tiền sản giật, 1 ca ngôi ngang và 1 ca chuyển dạ sinh non).
Có được kết quả trên, hàng tháng cô Se đến từng hộ gia đình có phụ nữ mang thai để khám, vận động họ đến trạm y tế sinh nở, không đẻ ở nhà dễ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ngoài công việc của bà đỡ, cô Se còn kiêm luôn việc chăm sóc sản phụ sau sinh, theo dõi sức khỏe em bé, đồng thời vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cho trẻ tiêm chủng đầy đủ…
Công việc vất vả là vậy nhưng tiền phụ cấp các cô nhận được chỉ có 200.000 đồng/tháng. “Từ năm 2017, khoản hỗ trợ trên không còn nhưng không vì thế mà em bỏ việc. Nhiều khi gia đình không đồng ý nhưng do bà con cần mình, mình cũng nể bà con nên thuyết phục chồng cho đi”, cô Se tâm sự.
Quá nguy hiểm
Có thể nói, ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, khi cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế chưa thuận lợi, nhờ sự đồng hành của các cô đỡ thôn bản, nhiều sản phụ đã trải qua hành trình làm mẹ an toàn.
Những tưởng việc đẻ ở nhà chỉ tồn tại ở miền núi thì nay tại vùng thuận lợi cũng có phụ nữ thích vượt cạn một mình. Đó là thông tin chia sẻ của một bà mẹ được cho là ở Hưng Yên kể về quá trình sinh con tại nhà của mình theo cách “tự nhiên” nhất nên không cần sự hỗ trợ của cán bộ y tế. Em bé sinh ra cũng không được cắt rốn hay tiêm phòng…
Chưa biết thực hư câu chuyện trên thế nào nhưng sau khi biết thông tin, phần lớn cư dân mạng lẫn chuyên gia y tế đều lên tiếng phản đối việc làm trên.
Bộ Y tế coi đây là hành vi hết sức nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, sinh đẻ là quá trình sinh lý bình thường nhưng trong quá trình này luôn tiềm ẩn nguy cơ, tai biến như rách tầng sinh môn, nhiễm trùng, nặng hơn là vỡ tử cung, băng huyết, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong cả mẹ lẫn con.
Vì vậy, nhiều năm nay, Bộ Y tế luôn khuyến cáo phụ nữ cần được nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe ngay từ khi mang thai đến lúc sinh đẻ. Có như vậy, mẹ và bé mới trải qua thai kỳ an toàn.
Từ sự việc trên, Bộ Y tế cũng đề nghị sở y tế các địa phương quán triệt đến từng đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ… nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ. Thống kê của ngành Y tế cho thấy, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở nước ta dù có giảm nhưng vẫn đáng lo bởi sự khác biệt quá lớn giữa các vùng miền, nhóm dân tộc.