Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đều chung quan điểm như trên.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Đà Nẵng: Tôn trọng những giá trị cốt lõi
Trong nhiều năm qua chúng ta có nhiều học sinh xuất sắc, đạt các giải thưởng, thành tích cao trên đấu trường quốc tế. Và nhiều người gọi đó là nhân tài. Dần theo thời gian, những khuôn mặt xuất sắc đó cũng không còn xuất hiện. Qua đó, cho thấy xét ở phương diện phát hiện người giỏi, chúng ta đã làm tốt.
Để có được những thành tích cao ở các kỳ thi quốc tế như vậy, phải khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng của chúng ta cũng tốt, đặc biệt là thông qua cách làm ở các trường chuyên, lớp chọn… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra thế nào được gọi là nhân tài. Nếu người tài được hiểu là những người xuất sắc, giỏi giang vượt trội ở một hoặc một vài lĩnh vực nào đó, được phát hiện qua những kỳ thi, mang về những tấm huy chương, danh hiệu cho quốc gia thì cũng chưa đúng.
Để không phải bàn nhiều về chuyện nên hay không nên có trường chuyên, lớp chọn; chuyện “chảy máu chất xám”; không giữ được nhân tài… như thời gian vừa qua, chúng ta phải thay đổi nhiều thứ, từ quan niệm đến phát hiện, đào tạo, tuyển dụng, trọng dụng… Sâu xa vẫn xuất phát từ sự tôn trọng những giá trị con người. Khi xã hội tôn trọng trí thức, những giá trị tốt đẹp hơn tiền bạc, vật chất… thì chắc chắn sẽ có nhân tài thật theo đúng nghĩa, đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng xã hội tốt đẹp.
Nếu nói cần làm gì để tốt hơn, theo tôi có lẽ cần phải minh định về triết lý giáo dục trước; sau đó phân định rõ ràng các mục tiêu GD-ĐT. Giáo dục có nghĩa rộng, nhưng chung quy vẫn là giúp người học sống (tức tồn tại) và sống tốt hơn so với chính mình ngày hôm qua (tức phát triển); chứ không phải giáo dục để hơn người. Ngay từ nhỏ, nếu dạy cho người học hướng đến thi cử, thi đua về thành tích… thì thu về được những danh hiệu, thành tích cùng với những tính cách như tự hào khi chiến thắng, tự ti khi thua, trượt; hơn thua, đố kị… Những lý tưởng tốt đẹp hay những giá trị đích thực của xã hội dần phai mờ…
Muốn có nhân tài thật, trước hết cần quan tâm phát hiện, tuyển chọn đào tạo, trọng dụng đúng nghĩa bằng những chính sách cụ thể, nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng - một tài sản quý giá của quốc gia, chứ đừng cố vì thành tích. Có ý kiến cho rằng: Nên xem huy chương Olympic khoa học quốc tế của những học sinh giỏi như là thành tích xuất sắc chạy cự ly ngắn của các vận động viên. Có thể nói nhận định trên là phản ánh đúng thực tế và đó là vấn đề rất lớn cần phải được quan tâm thay đổi từ gốc rễ, mới có thể phát triển được nhân tài thật.
Trước hết, đây là vấn đề quốc gia rất cần minh định, thống nhất trong cả hệ thống. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” phải được xem là giá trị cốt lõi, tôn chỉ… lãnh đạo đất nước phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp. Giáo dục toàn diện đúng nghĩa bắt đầu từ mầm non đến THPT. Trong xã hội có người giàu, người nghèo, nhưng với người học thì nên bình đẳng. Ai cũng được học và học được. Vì tất cả người học là tương lai của đất nước. Lo cho thế hệ tương lai là lo cho tương lai của đất nước, chứ không chỉ là cho cá nhân, gia đình hay dòng họ, địa phương…
Những em có tố chất “nhân tài” cần phát hiện sớm, nuôi dưỡng, đào tạo để trọng dụng nhằm đóng góp cho xã hội, nhân loại. Họ được tôn trọng, giáo dục để trở thành hiền tài. Trường chuyên cần hiểu theo hướng là “giáo dục đặc biệt”. Chẳng hạn như các em có biệt tài, xuất sắc ở một hoặc một vài lĩnh vực nào đó, cần được đào tạo để phát huy hết các năng lực đặc biệt đó, nhưng cũng cần phải giáo dục để phát triển, biết sẻ chia, tôn trọng… Mặt khác, cũng có những em bị khiếm khuyết, cũng rất cần có phương pháp tiếp cận giáo dục riêng để cân bằng, thích ứng, hoà nhập và sống tốt hơn. Trong các trường hợp như vậy, thậm chí cần nhiều thầy dạy một em hoặc một nhóm nhỏ.
Để làm được những điều đó, không thể để gia đình, xã hội tự xoay xở, lo liệu… mà phải từ nhận thức đúng đắn, thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị. Những kỳ thi quốc tế chúng ta cần tham gia, cọ xát và tranh tài, để đo lường, định hướng phát triển giáo dục… chứ đừng vì tấm huy chương và quyết chiếm lĩnh bằng tất cả hoặc mọi giá. Qua các kỳ thi đó để phát hiện nhân tài, tiếp tục đào tạo, nuôi dưỡng, trọng dụng. Tôi tin rằng, nếu chúng ta minh định triết lý, kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện thì đất nước tất vững mạnh bền lâu - cần chấm dứt ngay tư duy xác lập mục tiêu “thành tích” bằng mọi giá theo kiểu “chạy cự ly ngắn”.
Ông Nguyễn Văn Định, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp: Cần chiến lược đặc biệt để sử dụng hiệu quả nhân tài
Khi tìm hiểu nghệ thuật dùng người thời xưa, chúng ta đều thấy rằng các nhà tư tưởng lớn hay các đấng minh quân rất coi trọng giáo dục và luôn xem hiền tài là nhân tố quyết định sự hưng thịnh của đất nước. Năm 1442, Thân Nhân Trung đã viết vào văn bia tại Văn miếu - Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hoàng đế Quang Trung với tài năng quân sự kiệt xuất vẫn luôn coi trọng giáo dục và đề cao việc đào tạo nhân tài. Tư tưởng tiến bộ đó được ghi trong Chiếu Lập học (năm 1788): “Dựng nước lấy dạy học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Câu chuyện về Tô Hiến Thành đã cương quyết tiến cử Trần Trung Tá là người có tài năng, đức độ gánh việc nước thay mình trước lúc lâm chung, nhất định không chọn người ngày đêm giúp đỡ ông chuyện cơm nước, thuốc thang… Đó chính là những bài học quý về công tác nhân sự, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng nhân tài… không chỉ cho hôm nay mà còn cho cả mai sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Bác Hồ đã phát hiện và đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo kiệt xuất để cùng dẫn dắt dân tộc đến với độc lập, tự do và đang giữ vai trò quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Tại Đột phá chiến lược thứ 2, Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: “…ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…”. Đây là lần đầu tiên vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, hiền tài đối với sự phát triển đất nước đã được Đảng ta đề cao như thế.
Tuy nhiên, có một điều đang làm chúng ta lo lắng là việc mất đi nhiều người tài giỏi (nhất là những người trẻ tuổi). Vậy làm thế nào để giữ chân được người tài? Tôi cho rằng, bên cạnh làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chung, cần có chiến lược đặc biệt để phát hiện đúng, bồi dưỡng phù hợp, sử dụng hiệu quả nhân tài, giữ được những người tuổi trẻ có tài phục vụ lâu dài cho đất nước.
Trước hết, cần có cơ chế tốt để tuyển chọn đúng người tài. Chúng ta đều biết rằng nhân tài có ở khắp nơi, trên nhiều lĩnh vực khác nhau và năng lực của mỗi người cũng rất khác, nên việc chọn được người có năng lực, tài năng thực sự không dễ. Chiếu Cầu hiền (năm 1434) của Vua Lê Thánh Tông khẳng định: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học”. Thông qua giáo dục, thi cử để tuyển người tài là một trong những phương pháp truyền thống hiệu quả. Và xin đề xuất ý tưởng này: “Chọn trong số đông sẽ chọn được người giỏi, lựa trên diện rộng sẽ lựa được người tài”.
Tiếp đó, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho công dân. Giáo dục lòng yêu nước là giải pháp quan trọng để giữ chân được người tài suốt đời phụng sự Tổ quốc.
Cần có nhiều cơ chế đãi ngộ phù hợp cho những người giỏi, người có tài năng đặc biệt. Ngoài các chính sách tốt về tiền lương, còn quan tâm các đãi ngộ khác như môi trường làm việc, ưu tiên cơ cấu vào các lĩnh vực quan trọng, then chốt, lĩnh vực lãnh đạo, quản lý. Cơ cấu công việc cho người có năng lực tốt không cần ràng buộc nhiều về thành phần xuất thân, giới tính, tuổi tác…
Tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến học khuyến tài trong trường học để ngày càng có nhiều và không bỏ sót nhiều học sinh, sinh viên, học viên giỏi… làm nền tảng tốt nhất cho việc chọn lựa được hiền tài trong số đông. Tập trung đầu tư nhân lực thật tốt cho ngành Giáo dục để có các nhà giáo giỏi, tâm huyết cao. Đây sẽ là lực lượng đông đảo và quan trọng giúp Đảng và Nhà nước ta phát hiện sớm, bồi dưỡng phù hợp, sử dụng tốt nhất hiền tài… Trong bất kỳ thời đại lịch sử nào và với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, nhân tài vẫn luôn là tài sản vô giá. Làm thế nào để có được nhiều người tài giỏi, luôn hết lòng vì nước, vì dân là hồng phúc của dân tộc ta.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam: Tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà khoa học nữ
Trước hết, tôi hoan nghênh chủ trương tổ chức bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu trong các lĩnh vực. Nếu được học cùng nhau (theo lĩnh vực) thì việc dạy và học sẽ thuận lợi hơn, các em sẽ phải cố gắng vươn lên trong một lớp có nhiều người giỏi. Việc tuyển chọn bồi dưỡng học sinh giỏi của nước ta trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả rõ rệt, quá trình này đã có từ rất lâu, nhưng càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn, nên kết quả cũng tốt hơn.
Các em đoạt giải Olympic quốc tế có thể ví như những mầm, hạt khỏe mạnh trong khu vườn nhiều hạt. Để tiếp tục phát triển cần có môi trường và điều kiện thích hợp thì cây sẽ khỏe mạnh đơm hoa và cho những trái ngọt.
Kinh tế nước ta ngày càng phát triển, điều kiện, cơ sở vật chất cho khoa học cũng được cải thiện, giao lưu quốc tế ngày càng rộng mở. Nhờ vậy, nhiều các nhà khoa học Việt Nam được đi tham dự, mời đọc báo cáo ở các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; có nhiều công trình khoa học của các nhà khoa học Việt Nam được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, trong nhiều lĩnh vực. Số nhà khoa học Việt Nam được các giải thưởng quốc tế ngày càng nhiều hơn. Thông qua đó vị thế khoa học Việt Nam cũng được nâng cao trên trường quốc tế.
Để phát triển khoa học, ngoài những điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết trong nghiên cứu khoa học, còn cần môi trường khoa học lành mạnh; và hơn thế nữa, nhà khoa học cần nắm rõ đích đến trong các nghiên cứu của mình. Thực ra tất cả nghiên cứu, kể cả nghiên cứu cơ bản đều hướng tới mục đích tìm hiểu, cải tạo tự nhiên, phục vụ nâng cao đời sống, sức khỏe của con người, trong ngắn hạn hoặc lâu dài.
Một nhà khoa học chân chính cần có lòng yêu quê hương, đất nước. Ngày nay, trong quan hệ quốc tế mở rộng, không ra nước ngoài làm khoa học vẫn có thể phục vụ tốt cho đất nước ví dụ: Tham gia đào tạo nguồn nhân lực khoa học cho Việt Nam, tạo các dự án hợp tác giải quyết các vấn đề của Việt Nam.
Trong quá trình giảng dạy ở bậc đại học tôi thấy có khá nhiều nữ sinh viên giỏi, nhất là trong lĩnh vực sinh học, tuy nhiên sau khi lập gia đình nhiều em bị chững lại trên con đường khoa học. Vì vậy để có được nhiều nhà nữ khoa học giỏi đóng góp cho đất nước, cần sớm tạo cơ hội cho họ phát triển. Cải thiện tốt hơn nữa về điều kiện xã hội để giảm bớt khó khăn cho những gia đình cán bộ khoa học trẻ. Bản thân nữ khoa học nếu muốn phát triển về khoa học cần tận dụng có hiệu quả cao những cơ hội có được; có phương pháp làm việc khoa học, tổ chức gia đình phù hợp với nghề nghiệp của mình.