Tâm lý phụ huynh muốn con được vào học trường công lập, mà phải là trường điểm, trường tốt khiến công cuộc chạy đua này còn căng thẳng, áp lực hơn cả thi đại học; đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Mới đây, sau buổi thi môn Toán vào lớp 10 tại Hà Nội, không ít thí sinh đã òa khóc sau khi bước ra khỏi cổng trường thi. Có phụ huynh thay vì an ủi, động viên, cũng không kìm được mà khóc theo con.
Chỉ sau đó một ngày, phụ huynh có con thi vào lớp 10 tại Quảng Bình vô cùng hoang mang khi biết thông tin đề thi môn Ngữ văn gần giống với đề kiểm tra học kỳ 2 lớp 9 năm học 2018 - 2019 của Phòng GD&ĐT TP Đồng Hới. Rồi cũng trong buổi thi môn này, 24 thí sinh ở 1 điểm thi phải làm lại bài khi đã quá nửa thời gian do giám thị coi thiký nhầm vào ô dành cho cán bộ chấm thi. Hai sự cố nghiêm trọng khiến lãnh đạo Sở GD&ĐT phải đưa ra phương án cho toàn bộ thí sinh thi lại môn Ngữ văn. Hậu quả của sự cố này, dù cách khắc phục thế nào, chắc chắn ai cũng biết và cuối cùng thí sinh là người chịu tác động nhiều nhất.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vốn thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương. Một đại biểu Quốc hội đã vô cùng trăn trở khi chia sẻ thực trạng diễn ra nhiều năm nay ở địa phương mình: Một huyện có 5 trường THPT, nhưng đa số thí sinh chỉ đua nhau vào trường trung tâm huyện; trong khi cạnh tranh khốc liệt vào trường này thì các trường khác trong huyện không tuyển đủ chỉ tiêu; trung tâm giáo dục thường xuyên không có học trò. Có trường hợp học sinh không thi đỗ trường trung tâm huyện thì tạm học trường điểm đầu vào thấp hơn rồi tìm cách chuyển trường. Câu chuyện này chắc chắn không phải là ngoại lệ của chỉ một tỉnh.
Sự không đồng đều về chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất giữa các trường trên cùng một địa bàn, tâm lý phụ huynh chỉ muốn con học trường điểm mà ít quan tâm đến thực lực của con mình có lẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến kỳ thi vào lớp 10 trở nên áp lực.
Trên thực tế, không ít địa phương tập trung nhiều hơn cả về nhân lực và vật lực cho những trường chuyên, trường điểm. Việc chỉ đầu tư những “con gà nòi” dẫn đến kết quả tất yếu là phải thi, phải cạnh tranh, vì ai cũng muốn con mình được học trường chất lượng nhất.
“Điều hòa” chất lượng giữa các trường phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, sự quyết liệt của lãnh đạo địa phương. Nếu tất cả các trường trên địa bàn đều được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như nhau; sắp xếp giáo viên một cách hợp lý, trường nào cũng có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng, chắc chắn việc chọn trường, chọn lớp sẽ giảm; áp lực của các kỳ thi đầu cấp, trong đó có tuyển sinh vào lớp 10 sẽ không còn.
Tuy nhiên, việc tăng số lượng trường lớp, kéo gần khoảng cách giữa các trường là việc không thể làm được trong ngày một, ngày hai. Khi chưa giải quyết được điều này, việc giảm áp lực từ kỳ thi sẽ trông cậy vào chính sách tuyển sinh khoa học và minh bạch của mỗi địa phương với những quy định hợp lý về phương thức, phân luồng tuyển sinh; sự đầu tư nghiêm túc cho đề thi; sự khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu trong quá trình tổ chức thi…