Đề ra giải pháp chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Ninh Bình đã có chỉ đạo cụ thể tới các trường THPT trên địa bàn về công tác ôn tập, kiểm tra, đánh giá chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Đề ra giải pháp chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

Nghiêm cấm cắt xén chương trình

Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn tổ chức dạy học theo kế hoạch giáo dục năm học đã được phê duyệt. Thực hiện chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch, phù hợp với hướng dẫn khung kế hoạch thời gian năm học 2017-2018 và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông.

Đặc biệt, nghiêm cấm cắt xén chương trình đã qui định. Chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại hướng dẫn nhiệm vụ năm học. Trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước.

Đối với môn ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

 Trong quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì, các giáo viên tăng cường rèn kĩ năng làm bài cho học sinh, nhất là kĩ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan các môn Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân.

Phân nhóm học sinh theo khả năng nhận thức

Các trường THPT ở Ninh Bình được yêu cầu thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh.

Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 11, lớp 12.

Quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức theo tinh thần Công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Tổ chức học sinh ôn tập tránh học vẹt, học tủ, tăng cường hướng dẫn học sinh tự học. Tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh có học lực yếu, kém và các thí sinh tự do có nhu cầu được ôn tập.

Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn.

Báo cáo với lãnh đạo nhà trường chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập; quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình.

Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Nhà trường cần hỗ trợ cho học sinh tự học như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ và giải đáp thắc mắc cho học sinh.

Tổ chức các chuyên đề ôn thi trong tháng 3/2018

Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết sẽ tổ chức hội nghị cho cán bộ quản lý để bàn về các giải pháp chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng thời, tổ chức các chuyên đề ôn thi theo từng môn thi để các tổ nhóm chuyên môn giáo viên đang giảng dạy lớp 11, lớp 12 trao đổi, thảo luận về xây dựng kế hoạch ôn thi THPT năm 2018; phân tích rút kinh nghiệm kế hoạch ôn tập, kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 để có thêm căn cứ xây dựng kể hoạch, nội dung ôn thi năm 2018.

Sở GD&ĐT cũng lưu ý phân tích đề thi tham khảo các môn thi kì thi THPT quốc gia năm 2018 của Bộ GD&ĐT, từ đó chia sẻ các giải pháp dạy học, hướng dẫn học sinh tự học, ôn tập, kiểm tra đánh giá cho phù hợp nhất với đối tượng học sinh của mình, cửa đơn vị.

Box: Trong quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì, các giáo viên tăng cường rèn kĩ năng làm bài cho học sinh, nhất là kĩ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan các môn Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân.

Việc tổ chức học thêm để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và các quy định của UBND tỉnh; đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học và ôn luyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.