Đề phòng các dịch bệnh mùa đông xuân

GD&TĐ - Thời tiết lạnh, không khí nồm ẩm mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn sinh sôi nảy nở, gây ra nhiều dịch bệnh truyền nhiễm.

Cúm mùa là dịch bệnh dễ gặp nhất vào mùa đông xuân. Ảnh minh họa
Cúm mùa là dịch bệnh dễ gặp nhất vào mùa đông xuân. Ảnh minh họa

Vì vậy, việc đẩy mạnh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân luôn cần được quan tâm đúng mức trước khi chúng bùng phát thành đại dịch.

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

Cúm mùa

Cúm mùa là một bệnh có tỷ lệ người mắc rất cao, dễ gặp nhất vào mùa đông – xuân và lúc thời tiết ẩm. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến: Cúm A, Cúm B, Cúm A/H1N1 (ít gặp hơn),.. Cúm có thể lây qua đường hô hấp khi giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra bên ngoài không khí do hắt hơi, ho, xì mũi,…

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Sởi, rubella

Bệnh sởi và bệnh rubella là 2 căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh chủ yếu lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh hoặc qua các con đường tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt chúng có nguy cơ lây lan và dễ dàng trở thành đại dịch, nhất là ở các trẻ em chưa được tiêm phòng vắc – xin sởi, rubella.

Triệu chứng báo hiệu của bệnh thường là sốt, phát ban và viêm đường hô hấp. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não… dễ dẫn đến tử vong.

Nếu không được thăm khám kịp thời, sởi có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng nặng

Nếu không được thăm khám kịp thời, sởi có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng nặng

Quai bị

Bệnh quai bị do vi rút gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi. Bệnh quai bị rất dễ lây qua đường hô hấp khi nước bọt của người nhiễm bệnh phát tán ra ngoài không khí khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Bệnh thường lành tính, tự khỏi trong 1-2 tuần nhưng đôi khi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng trên cơ quan sinh dục.

Thủy đậu

Thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Biểu hiện của bệnh gồm mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước mũi, nhức đầu, đau họng, nổi ban ngứa ở mặt, cổ rồi nhanh chóng lan ra toàn thân.

Bệnh thủy đậu nếu không được điều trị đúng, khi nhiễm trùng có thể biến chứng giảm tiểu cầu, viêm cơ tim, liệt thần kinh mặt, viêm tủy,…

Sốt xuất huyết

Thời điểm đông xuân thường thường có những đợt không khí lạnh kèm mưa phùn, nồm, khiến môi trường ẩm ướt, muỗi có điều kiện sinh sôi và phát triển. Sốt xuất huyết cũng từ đó mà sinh ra.

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người bình thường. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh phải kể đến tình trạng tràn dịch màng phổi, chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hóa,… có thể gây ra tử vong.

Những đợt không khí lạnh kèm mưa phùn trong mùa đông xuân khiến sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ bùng phát

Những đợt không khí lạnh kèm mưa phùn trong mùa đông xuân khiến sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ bùng phát

Tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy cấp là một trong những căn bệnh dễ bùng phát thành đại dịch bệnh tại Việt Nam, nhất là trong thời tiết lạnh ẩm mùa đông xuân. Theo đó, đối tượng thường mắc bệnh là trẻ em có sức đề kháng kém.

Người mắc bệnh tiêu chảy cấp thường có các triệu chứng như: nôn mửa, đi ngoài nhiều lần, mất nước, các triệu chứng này có thể dẫn đến trụy mạch, thậm chí là tử vong nếu không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh bằng một số biện pháp như sau:

  • Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc – xin phòng bệnh theo đúng lịch, nhất là các đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …)
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, nếu cần thiết phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý có đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước súc miệng và nước muối sinh lý. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.