Để niềm vui trọn vẹn!

GD&TĐ - Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 15/11.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là kỳ họp cuối năm nên khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, trong đó Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2023.

Báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội cho biết, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn, nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19”.

Trong quý I và quý II, tốc độ tăng GDP lần lượt đạt 5,05% và 7,72%; đến quý III “vọt lên” 13,67%. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng kinh tế tăng 8,83% - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ và vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Với diễn biến này, tăng trưởng cả năm đạt 8% chắc chắn ở trong tầm tay.

Số liệu cũng cho thấy, chúng ta đang giữ được sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Bất chấp bão lạm phát đang “nhấn chìm” nhiều nước trên thế giới, bình quân 9 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù vậy, chặng đường phía trước có rất nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi. Đó là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, giá cả, thương mại và đầu tư, tạo áp lực lớn tới nền kinh tế nước ta, cả trong trước mắt và lâu dài.

Niềm vui cũng chưa trọn vẹn khi sự phục hồi chưa thực sự chắc chắn và những nút thắt nội tại của nền kinh tế chậm được gỡ bỏ. Doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao, thiếu hụt lao động cục bộ.

Nông dân khốn khó vì cơn bão giá phân bón, thức ăn chăn nuôi; nhiều bà con đã quyết định không tái đàn, tái vụ. Du lịch phục hồi nhanh nhưng không đồng đều giữa khách trong nước và khách quốc tế.

Đặc biệt, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo đang thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin…

Việc xây dựng quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023 cần được Quốc hội đặt trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thách thức lớn hơn thời cơ như vậy.

Cần duy trì sự thận trọng, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đặc biệt là nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế. Bởi vì chỉ như vậy, chúng ta mới tiến xa hơn trong lộ trình tăng trưởng bền vững và tất cả người dân đều được hưởng lợi từ tăng trưởng – đó mới là một niềm vui trọn vẹn!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ