Để những cuốn sách trong thư viện không nằm im lìm trên giá sách

Để những cuốn sách trong thư viện không nằm im lìm trên giá sách

Tuy nhiên, nhiều thư viện trường học hiện nay luôn trong tình cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Trong bối cảnh chung đó, trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An đã có những cách làm khoa học, sáng tạo, phù hợp để thư viện thực hiện đúng chức năng, để những cuốn sách không mãi nằm im trên giá sách.

Do tính chất là thư viện của trường THPT đã đạt Chuẩn quốc gia, đạt Chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 nên thư viện được xây dựng tương đối khang trang, số lượng đầu sách khá phong phú. Hiện nay thư viện có trên 10.000 đầu sách với các chủng loại như sách nghiệp vụ, SGK, sách tham khảo, sách kĩ năng sống, sách khoa học, sách văn học...

Số lượng sách trên do ngân sách nhà trường đầu tư, do giáo viên, phụ huynh, cựu học sinh góp tặng. Nhưng nếu chỉ như thế thì thư viện cũng chỉ đủ làm tròn các tiêu chí. Làm thế nào để thư viện thực sự phát huy hiệu quả ? Đứng trước câu hỏi không phải dễ tìm câu trả lời đó, trong những năm học gần đây, lãnh đạo nhà trường đã có những kế hoạch, cách làm phù hợp để thư viện luôn được giáo viên, học sinh tìm đến.

Thứ nhất, tăng cường tuyên tuyền, giới thiệu về sách, về thư viện. Một vấn đề được đặt ra là phải làm sao để bạn đọc, nhất là học sinh biết đến thư viện, đến sách nhiều hơn. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nên nhà trường luôn luôn có sự chỉ đạo sát sao với công tác này. Trong các dịp “Ngày hội đọc sách Việt Nam”, “Tuần lễ học tập suốt đời”... thư viện đều có chương trình sinh hoạt trước cờ.

Với nội dung chương trình sáng tạo, ấn tượng, thư viện đã làm cho học sinh toàn trường biết nhiều hơn đến giá trị của sách, phương pháp đọc sách. Bên cạnh đó, thủ thư luôn giới thiệu sách các đầu sách mới tại bảng thông báo của thư viện và đặc biệt là khai thác hiệu quả các trang mạng xã hội để giới thiệu những bài viết hay, những cuốn sách có giá trị đến bạn đọc. Với cách làm như thế, thư viện vừa giới thiệu sách, vừa hướng dẫn phương pháp đọc sách, vừa góp phần xây dựng văn hóa đọc cho học sinh.

Thứ hai, cán bộ thư viện phải là cầu nối giữa bạn đọc với sách. Một thực tế dễ nhận thấy là rất nhiều người thờ ơ với thư viện do chính thủ thư. Nhiều cán bộ thư viện chưa thành thục nghiệp vụ, chưa xem việc phục vụ bạn đọc là nhiệm vụ của mình nên có thái độ nhiều khi không đúng mực.

Dần dần, học sinh thậm chí cả giáo viên ngại lên thư viện. Nhưng khi đến với trường THPT Quỳnh Lưu 2, bạn đọc sẽ thấy một cán bộ thư viện luôn nhiệt tình và chuyên sâu về nghiệp vụ. Xác định rõ trách nhiệm của mình nên cô Hồ Thanh Thu – cán bộ thư viện có cách làm việc khá khoa học. Đó là luôn nghiên cứu nhu cầu, hứng thú đọc của giáo viên, học sinh; tạo bảng màu quy ước cho các loại sách để bạn đọc dễ dàng tìm thấy; hướng dẫn cho giáo viên, học sinh rất chu đáo như sách đó ở vị trí nào...

Thứ ba, mở rộng hình thức phục vụ bạn đọc. Thư viện luôn tổ chức phục vụ cho giáo viên và học sinh tại thư viện trong các ngày làm việc. Nhưng có một cách làm khá hay nữa là cho học sinh được mượn sách về nhà. Với việc học 2 buổi/ngày, giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học là 5- 10 phút cũng không đủ thời gian để các em đọc được nhiều thông tin khi lên thư viện.

Hơn nữa, trường đóng trên địa bàn nông thôn, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việ bỏ tiền ra mua sách của học sinh còn khá khiêm tốn. Nên việc đề ra nội quy cho học sinh được mượn sách với điều kiện (có thẻ thư viện, mượn – trả trong một khoảng thời gian nhất đinh, đặt cọc tiền – cuối năm học sẽ trả lại) đã thực sự làm cho học sinh và phụ huynh hài lòng. Từ khi thực hiện quy định này, lượng học sinh đến với thư viện thực sự đông đảo và tất nhiên, lượng sách đến với mỗi học sinh tăng lên theo cấp số cộng, số nhân.

Thứ tư, xây dựng phòng đọc “đẹp”. Đến với sách là đến với văn hóa nên những yếu tố xung quanh nó cũng phải có sự phù hợp. Ở đây, chúng tôi thấy phòng đọc thư viện “đẹp” từ không gian đến “đẹp” trong cách hành xử của những người đến thư viện. Phòng đọc, dù không quá rộng rãi như thư viện của huyện, tỉnh hay của các trường chuyên nghiệp nhưng chúng tôi thấy một phòng đọc được trang trí ấn tượng, đủ ánh sáng, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp. Đồng thời, khi đến thư viện, học sinh không nói chuyện ồn ào, đọc xong xếp sách, báo, tài liệu gọn gàng...

Thứ năm, tài liệu phải được bổ sung thường xuyên, liên tục. Tri thức luôn mới nên sách phải luôn được cập nhật để đáp ứng như cầu của giáo viên và học sinh. Đây là việc không hề dễ dàng đối với ngân sách của một trường học, lại là trường học đóng ở địa bàn nông thôn.

Chia sẻ về vấn đề này, NGƯT Vũ Ngoc Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngoài việc cân đối ngân sách để bổ sung các đầu báo, sách mới cho thư viện hàng tháng, hàng năm thì lãnh đạo trường luôn cố gắng để tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhất là phụ huynh, cựu học sinh và những người quan tâm đến sự phát triển của nhà trường.

Vì thế, lượng sách ở thư viện mỗi năm đều tăng lên. Chúng tôi hi vọng, các đầu sách hay tiếp tục được bổ sung, để thư viện thực sự góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao nếp sống văn hóa cho các thành viên trong nhà trường”. Bên canh đó, hiện nay thư viện đang thực hiện tốt phong trào “Góp 1 cuốn sách hay để được đọc nhiều cuốn sách hay hơn“.

Có thể thấy, với những cách làm khá phù hợp, thiết thực nên trong những năm học gần đây thư viện trường THPT Quỳnh Lưu 2 đã khoác lên mình một màu áo mới. Ngoài việc phục vụ giảng dạy cho giáo viên, thư viện đã và đang thực sự góp phần nâng cao chất lượng học tập, tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ