Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy Onassis: Nửa đời bất hạnh

GD&TĐ - Jacqueline Kennedy là đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, nổi tiếng xinh đẹp và giỏi giang nhưng lại gặp bất hạnh khi chứng kiến tận mắt cảnh người chồng tổng thống của mình bị hạ sát.

Tổng thống Kennedy và Jackie Kennedy (hàng ghế sau) ít phút trước vụ ám sát.
Tổng thống Kennedy và Jackie Kennedy (hàng ghế sau) ít phút trước vụ ám sát.

Phóng viên ảnh xinh đẹp

Sau khi tốt nghiệp tại ĐH George Washington, Jacqueline Lee Bouvier nhận công việc đầu tiên là phóng viên cho tờ Washington Times - Herald vào năm 1952.

Với tư cách là “phóng viên ảnh điều tra” của tờ báo, đệ nhất phu nhân tương lai đã đi lang thang khắp đường phố ở thủ đô nước Mỹ để hỏi ý kiến người dân về ​mọi thứ, từ tài chính cá nhân, đến chính trị và các mối quan hệ.

Trong số những người mà cô phỏng vấn lúc đó có Richard Nixon, người mà John F. Kennedy sau này sẽ đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960.

Từ bỏ hôn ước

Trước khi hẹn hò với Kennedy, Jacqueline đã suýt kết hôn với một người đàn ông khác. Vào tháng 1/1952, các trang xã hội của tờ Washington Times - Herald đăng tin việc đính hôn của cô (con của chủ ngân hàng ở Wall Street) với bác sĩ thú y tên là John Husted. Nhưng sau đó, Jacqueline, 22 tuổi, sớm bắt đầu có những ngờ vực về hôn nhân và bày tỏ sự dè dặt với việc sẽ trở thành một bà nội trợ.

Vào tháng 3/1952, cô đột ngột hủy bỏ hôn ước. Chỉ vài tháng sau, Jacqueline bắt đầu hẹn hò với Kennedy - khi đó đã là một thượng nghị sĩ. Hai người kết hôn vào tháng 9/1953, khi đó bà 24 tuổi.

Khởi xướng nhiều xu hướng thời trang

Jacqueline Kennedy là người khởi xướng cho nhiều xu hướng thời trang vào những năm 1960. Phụ nữ Mỹ háo hức tìm kiếm “vẻ đẹp Jackie” nổi tiếng, và các cửa hàng quần áo tranh nhau sản xuất những bộ váy sang trọng, giá cả phải chăng bắt chước theo bà.

Tuy nhiên, sự ám ảnh của bà đối với thời trang cao cấp Pháp đã bị chỉ trích trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960 và cả sau khi bà trở thành đệ nhất phu nhân.

Để giải quyết vấn đề này, bố chồng của bà, ông Joseph Kennedy đã giới thiệu cho bà gặp nhà thiết kế người Mỹ gốc Pháp, Oleg Cassini.

Oleg Cassini đã thiết kế hơn 300 bộ trang phục làm nên phong cách của Jackie, và sau này Cassini tự xưng là “Bộ trưởng thời trang của đệ nhất phu nhân”.

Thay đổi Nhà Trắng

Ngay sau khi Kennedy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1960, trở thành tổng thống thứ 35 của Mỹ, Jackie với thị hiếu thẩm mỹ tinh tế đã bắt tay vào sửa sang và trang trí lại Nhà Trắng.

Sau khi tiêu một khoản ngân sách 50.000 USD chỉ trong vài ngày, bà thành lập Ủy ban Mỹ thuật Nhà Trắng, vận động các nhà tài trợ tư nhân, tìm mua những món đồ nội thất có giá trị lịch sử từ các bảo tàng và các nhà sưu tập tư nhân. Bà đã sớm biến dinh thự của tổng thống thành một không gian trang nhã, được trang trí bằng những đồ cổ và đồ tạo tác từng thuộc sở hữu của các cựu tổng thống như George Washington và Abraham Lincoln. 

Mở trường học tại tòa bạch ốc

Xuất thân là một phóng viên, Jackie luôn cảnh giác, bảo vệ hai con của mình trước giới truyền thông trong thời gian ở Nhà Trắng. Bị báo chí soi mói và những lo ngại về an ninh gây khó khăn cho cô con gái nhỏ, Caroline, khi đi vào thành phố, bà đã biến phòng tắm nắng ở tầng ba của Nhà Trắng thành trường mẫu giáo và mời những đứa trẻ khác (một số là con của viên chức chính quyền) tham gia học.

Sau đó, địa điểm này phát triển thành một trường mẫu giáo hoạt động đầy đủ, với 10 HS và các GV chuyên nghiệp. 

Thông thạo nhiều ngoại ngữ

Jacqueline Kennedy Onassis (1929 – 1994).
Jacqueline Kennedy Onassis (1929 – 1994).

Thời còn là SV, Jacqueline Kennedy nghiên cứu nhiều nền văn hóa nước ngoài. Bà thông thạo tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Ý.

Khả năng ngôn ngữ của bà đã hỗ trợ một cách đắc lực cho sự nghiệp chính trị của chồng. Bà đã dịch sách tiếng Pháp về Đông Nam Á cho Kennedy, khi ông còn ở Thượng viện.

Bà từng khiến mọi người kinh ngạc khi nói tiếng Pháp lưu loát với cử tri ở Louisiana và tiếng Tây Ban Nha với người dân Texas. Trong chuyến thăm Pháp năm 1961, bà chinh phục công chúng nhờ khả năng nói tiếng địa phương. 

Từ chối thay bộ đồ đẫm máu

Vào ngày 22/11/1963, Jackie đang ngồi bên chồng trên một chiếc xe hơi mui trần chạy qua Dallas, bang Texas thì viên đạn của một kẻ ám sát đã giết chết ông. Bộ đồ len màu hồng mang tính biểu tượng của bà dính đầy máu, nhưng vị đệ nhất phu nhân đau khổ vẫn tiếp tục mặc bộ quần áo đó, ngay cả khi Lyndon Johnson tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới.

Khi phu nhân Bird Johnson hỏi bà có muốn một bộ trang phục mới không, Jackie từ chối, nói: “Ồ không, tôi muốn họ xem những gì họ đã làm với Jack”. Bộ đồ dính máu của bà hiện được giữ trong Kho lưu trữ quốc gia.

Thắng kiện Paparazzi

Sau cuộc tái hôn năm 1968 với tỷ phú Hy Lạp, Aristotle Onassis, “Jackie O” trở thành mục tiêu yêu thích của các tay săn ảnh.

Người đeo bám bà dai dẳng nhất là Ron Galella, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Anh ta đã dành nhiều năm theo dõi bà qua các đường phố của New York để có được những bức ảnh chân thực về cuộc sống hằng ngày của cựu đệ nhất phu nhân.

Năm 1973, Jacqueline Kennedy Onassis kiện tay săn ảnh này về tội quấy rối và xâm phạm quyền riêng tư. Một phiên tòa cấp cao, đã phán quyết Ron Galella phải giữ khoảng cách 7,5m với bà và 9m đối với các con của bà.

Galetta chẳng mấy để tâm đến án xử của tòa và thường mang theo thước đo dây trong khi bám đuôi bà để không phạm luật. Trò bám đuôi này chỉ chấm dứt vào những năm 1980, sau khi bà kiện nhiếp ảnh gia này ra tòa lần thứ 2.

Nhà biên tập sách tài ba

Jacqueline Kennedy Onassis đam mê văn chương ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi người chồng thứ hai Aristotle Onassis qua đời năm 1975, bà chuyển đến New York để theo đuổi nghề biên tập sách.

Cựu đệ nhất phu nhân khởi nghiệp tại Viking Press trước khi chuyển đến Doubleday, nơi bà làm biên tập viên cấp cao cho đến khi qua đời vào năm 1994 ở tuổi 64 vì bệnh ung thư hạch không Hodgkin non-Hodgkin lymphoma) và được chôn cất bên cạnh John F Kennedy.  

Theo History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.