'Đệ nhất' hành cung Cổ Bi

GD&TĐ - 'Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Sở', chính cái 'nhất' của vùng đất thiêng ấy đã hình thành một hành cung tráng lệ ở Cổ Bi.

Đình Bình Minh xây dựng trên nền hành cung Cổ Bi.
Đình Bình Minh xây dựng trên nền hành cung Cổ Bi.

Thế nhưng, thời thế biến loạn và cuộc binh đao đã vĩnh viễn chôn vùi những vàng son vào quá khứ.

Đất hiểm của bậc đế vương

Hành cung Cổ Bi - nay là đình Bình Minh, tọa lạc tại thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) nếu còn tồn tại, có lẽ sẽ trở thành một di tích với hệ thống thành luỹ và cung điện nguy nga, lộng lẫy bậc nhất Việt Nam. Thế nhưng lịch sử lại không có giá như, để cho người nay phải bồi hồi mường tượng câu chuyện xửa xưa gần 300 năm về trước.

Cổ Bi nằm giữa đồng bằng xứ Kinh Bắc, lại tiếp giáp Kinh đô Thăng Long, có sông Nghĩa Trị chảy qua, kề cận đường thiên lý phía Đông (Quốc lộ số 5 ngày nay), nên được coi là một trong ba nơi “hiểm” đối với Kinh đô Thăng Long.

Từ xa xưa đã có câu: “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Sở”. Vì thế, Cổ Bi từng được coi là đất của đế vương. Trong địa dư làng xưa kia có đến 99 gò đống thiêng, có sông Đuống sau lưng, sông Hồng trước mặt che chắn và sông Nghĩa Trụ vòng vo bao quanh, tạo cho Cổ Bi có vị thế đắc địa.

Chúa Trịnh Cương (1686 - 1729), nhà cải cách có nhiều dấu ấn trong công cuộc trung hưng đất nước đầu thế kỷ 18, trong một lần tuần du đã dừng nghỉ tại ngọn đồi ở làng Cổ Bi. Vốn là vùng đất cổ nằm trong “tam Cổ, ngũ Phù” nổi tiếng vùng Kinh Bắc.

Nơi đây không xa kinh thành, lại gần quê ngoại của chúa (mẹ chúa là bà Trương Thái Phi, quê ở thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, Hưng Yên). Đặc biệt là có vị trí chiến lược - án ngữ đường đi xứ Bắc và xứ Đông, thế đất cao ráo với 99 gò đồi hình trâu quỳ nhìn về một hướng, có thủy long che chở bao quanh. Chúa bèn cho dựng hành cung tại đây với ý định dời phủ đệ từ Thăng Long sang.

Sự kiện xây dựng này được sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rõ: “Tháng 11, Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái năm thứ 8 (1727) xây dựng hành cung Cổ Bi. Chúa Trịnh đi đến Như Kinh, ưa thích phong thủy ở Cổ Bi muốn xây dựng Kinh đô mới ở đó. Các tụng thần cũng xin cho dựng hành cung để chuẩn bị khi chúa đi tuần du. Chúa bèn lệnh cho quần thần chọn đất vẽ bản đồ dâng lên chúa xem. Công việc xây dựng trong một tháng thì xong”.

Sau khi hoàn thành, hành cung Cổ Bi được đặt tên là phủ Kim Thành. Tiếc rằng, tháng 7/1729, đê Cự Linh bị vỡ khiến hành cung Cổ Bi phủ Kim Thành đổ nát. Tháng 11 năm ấy, chúa Trịnh Cương đột ngột qua đời.

Sau khi lên ngôi, chúa Trịnh Giang cho dỡ hành cung lấy vật liệu xây dựng hai ngôi chùa là Quỳnh Lâm (thuộc Đông Triều, Quảng Ninh) và chùa Sùng Nghiêm (huyện Chí Linh, Hải Dương).

Năm 1755, chúa Trịnh Doanh cho dựng cung miếu tại hành cung Cổ Bi. Tuy nhiên 20 năm sau, khi lên ngôi vua Lê Chiêu Thống đã cho phá hủy cung điện của các chúa Trịnh. Hành cung Cổ Bi cũng không tránh khỏi sự trả thù của ông vua cuối cùng triều nhà Lê.

Cặp voi ở hành cung Cổ Bi với chiều cao 1,6m, chiều dài 2,2m, rộng 1,3m.

Cặp voi ở hành cung Cổ Bi với chiều cao 1,6m, chiều dài 2,2m, rộng 1,3m.

Tìm hình bóng hành cung xưa

Trên cơ sở các nguồn sử liệu ghi chép cùng với những di vật, linh vật hiện còn, trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn Hà Nội năm 2006, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khai quật thám sát tại vị trí được cho là trung tâm của hành cung Cổ Bi với hi vọng tìm lại được vết tích, cùng di vật liên quan đến hành cung vốn vang bóng một thời.

Tổng diện tích khai quật lên đến 160m2, chia làm 11 hố đã làm xuất lộ những dấu vết cư trú thuộc văn hóa Đông Sơn, vết tích kiến trúc thời Trần, vết tích kiến trúc thời Lê gia cố móng tường bao, đống đổ vật liệu kiến trúc và vệt gia cố dăm đá vôi, vết tích kiến trúc thời Nguyễn.

Cùng với những di vật là vật liệu kiến trúc và đồ gốm sứ, chủ yếu có niên đại thời Lê sơ, một số ít có niên đại thời Trần và Nguyễn. Ngoài ra, còn có 3 đồng tiền, các cục xỉ lò.

Kết quả khảo sát thực địa cùng tài liệu địa tầng và các vết tích kiến trúc xuất lộ cho thấy quy mô của hành cung tương đồng với những gì được sử cũ ghi chép và tương truyền đó là: Hành cung phân bố trên một mặt bằng rộng, bán kính khoảng 5km, có nhiều gò đống nổi lên cùng hệ thống sông ngòi che chắn, bao bọc.

Tuy nhiên, những đơn nguyên kiến trúc của hành cung mới chỉ dừng lại ở dạng “quy hoạch” hay ý tưởng mà chưa hiện thực hóa bằng việc xây dựng, hoặc có xây dựng cũng chưa đi đến hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nhận thức này có phần phù hợp với những gì mà sử liệu phản ánh.

Hành cung Cổ Bi trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn còn lưu lại nhiều dấu vết của những cổ vật điêu khắc giá trị cao, thể hiện tài nghệ của người xưa. Sáu linh thú đá Cổ Bi là những chứng tích sinh động về nghệ thuật tạo tác. Chúng gồm ba cặp đực - cái, tất cả bằng đá xanh nguyên khối quý hiếm.

Cặp kỳ lân ở hành cung Cổ Bi được đánh giá thuộc loại đẹp và độc đáo nhất trong các dáng điệu kỳ lân ở Việt Nam.

Cặp kỳ lân ở hành cung Cổ Bi được đánh giá thuộc loại đẹp và độc đáo nhất trong các dáng điệu kỳ lân ở Việt Nam.

Phía ngoài cổng cũ còn sót lại một cặp hổ ngồi chầu song song, dáng ngồi thẳng đứng, mình thon lẳn, ngực rỗng, mũi gồ cao, đầu nhỏ, mắt nhọn và hốc sâu, chiều cao 1,2m, chiều ngang 1m.

Các nét râu đều tỉa tinh tế, dáng điệu trông thuần dịu. Bốn con linh thú khác được nằm trên một quả đồi trước thềm chân chùa đã bị đốt cháy thời tiêu thổ kháng chiến. Cặp voi ở hành cung Cổ Bi thuộc vào loại lớn nhất Việt Nam với chiều cao 1,6m, chiều dài 2,2m, rộng 1,3m (không kể bệ đá bị lấp vùi).

Đầu voi chạm trổ thanh thoát, hai tai vừa phải, được nghệ nhân tuân thủ theo phong cách tả thực. Con đực cao hơn con cái về dáng đứng. Trên mình hai con voi đều không có bành và chúng đều được tạc ở tư thế quỳ. Tiếp đến lớp trong là hai kỳ lân ngồi chầu, chiều cao 1,6m, dài 2m, rộng 0,7m.

Nét chạm khắc sâu, hàm vuông vức, mũi nở to, trán dô cao ra phía trước, mắt trũng, phần bờm của kỳ lân chạy dài xuống cổ và thân tạo thành những dải, những vùng liên kết mượt mà, hoa mỹ. Thế ngồi của kỳ lân hùng dũng có tính cách điệu cao. Cặp kỳ lân này thuộc loại đẹp nhất, độc đáo nhất trong các dáng điệu kỳ lân ở Việt Nam.

Nỗ lực khôi phục hành cung bắt đầu từ năm 1998, các vị bô lão đã vận động quyên góp xây dựng đình trên nền đất hành cung. Đình khánh thành tháng 2/1999, thờ chúa Trịnh Cương làm Thành hoàng làng.

Năm 2005 và 2009 lại mở rộng đình thành 5 gian, xây thêm nghi môn, năm 2019 di tích tiếp tục được tu bổ nhằm đem lại một vẻ đẹp thuần Việt, tìm lại hình bóng và lưu giữ phần nào hồn cốt của hành cung đã mất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ