Phát lộ nhiều hiện vật quý ở di tích đồi Đồng Dâu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Di chỉ đồi Đồng Dâu được điều tra thám sát lần đầu tiên vào tháng 12/1965 do nhà khảo cổ Nguyễn Hữu Vượng chủ trì.

Hố thám sát trong đợt khai quật khảo cổ tháng 1/2023 tại di tích đồi Đồng Dâu.
Hố thám sát trong đợt khai quật khảo cổ tháng 1/2023 tại di tích đồi Đồng Dâu.

Là 1 trong 3 di sản từ thời đại kim khí còn sót lại của Hà Nội, di tích đồi Đồng Dâu cần phải được kết hợp bảo tồn và nghiên cứu kỹ càng để phát huy các giá trị lịch sử.

Bảo tàng Hà Nội và Bộ môn Khảo cổ học Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) vừa báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích đồi Đồng Dâu - thuộc thôn Đoài, thị trấn Tây Đằng (Ba Vì).

Di tích này được khai quật theo Quyết định số 3241/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL cho phép tiến hành từ ngày 1/1 đến 15/2/2023 trên tổng diện tích 50m2.

Nơi cư trú của người Việt cổ

Mảnh vòng tay đá ngọc.

Mảnh vòng tay đá ngọc.

Theo Bảo tàng Hà Nội, hiện nay các di tích khảo cổ học thời đại kim khí trên địa bàn phần lớn đã biến mất bởi quá trình đô thị hóa. Một số di tích còn có thể nghiên cứu như Vườn Chuối, Gò Hện và đồi Đồng Dâu. Đó là những di sản từ thời đại kim khí quý giá còn sót lại. Bởi vậy, cần bảo tồn và nghiên cứu kỹ càng để phát huy các giá trị di sản.

Theo thông tin từ Bảo tàng Hà Nội, di tích đồi Đồng Dâu cách trung tâm thị trấn Tây Đằng 500m về phía Tây, nằm tại vị trí hữu ngạn sông Hồng, tả ngạn sông Tích. Đồi Đồng Dâu nối liền với chùa Cao, khu vực này trước đây là nơi Pháp đóng quân - hiện còn nhiều lô cốt sót lại. Thời kỳ đó, quân Pháp cho san bằng xung quanh.

Tuy là vùng đồi núi, nhưng khu vực đồi Đồng Dâu không cao lắm, có hình dạng mu rùa thoải về phía Nam. Giải thích về hiện tượng đồi nhỏ dạng mu rùa - bát úp quanh khu vực, người địa phương cho rằng, đây là đất mà Sơn Tinh đem chặn Thủy Tinh, nhưng trong quá trình vận chuyển thì sọt bị đứt nên đất rơi ra.

Di chỉ đồi Đồng Dâu được điều tra thám sát lần đầu tiên vào tháng 12/1965 do nhà khảo cổ Nguyễn Hữu Vượng chủ trì. Thời gian này, di chỉ có tên là Gò Dâu với hố thám sát ban đầu rộng 4m2. Sau đợt điều tra thám sát này, việc nghiên cứu di chỉ rơi vào quên lãng.

Đến năm 2003, di chỉ mới được tiếp tục với sự tham gia của các nhà khảo cổ: Lâm Mỹ Dung, Nguyễn Tiến Đông… phát hiện nhiều mảnh gốm kích thước lớn và một vài đồ đồng như tấm che ngực và rìu. Thời kỳ này, di chỉ thu hút nhóm “mộ tặc” chuyên săn lùng cổ vật nên một số vị trí bị đào xới.

Tháng 12/2005 và tháng 2/2008, Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) tiếp tục tiến hành khai quật và phát hiện khoảng 17 loại hiện vật bao gồm rìu, bôn, khuyên tai, hạt chuỗi, mũi khoan…

Lần khai quật này, giới chuyên gia đưa ra nhận định di chỉ đồi Đồng Dâu thuộc văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Thời gian cư trú ngắt quãng thành 2 giai đoạn tương ứng với 2 tầng văn hóa. Trong đó, di chỉ được sử dụng làm nơi cư trú của người Phùng Nguyên muộn và Gò Mun. Sau này, người Đông Sơn sử dụng nơi đây làm nghĩa địa.

Đặc biệt trong đợt khai quật năm 2008, giới khảo cổ liên hệ di chỉ đồi Đồng Dâu với Đình Tràng - một di chỉ ở Đông Anh (Hà Nội) có niên điểm mở đầu giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên phát triển lên văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và kết thúc ở văn hóa Đông Sơn.

Đồng thời, di chỉ đồi Đồng Dâu cũng có mối liên hệ với di tích Gò Mun ở xã Việt Tiến (Lâm Thao - Phú Thọ) với các đặc điểm hoàn toàn trùng khớp về đồ gốm. Trong đó, gốm được làm bằng sét pha cát, gốm cứng với độ kết dính cao không thấm nước, nhiệt độ nung 800 - 900 độ C.

Xuất lộ nhiều di vật quý

Rìu/bôn đá thu được tại hố khai quật.

Rìu/bôn đá thu được tại hố khai quật.

Tháng 1/2023, để làm rõ thêm những tính chất của di tích ở các cuộc khai quật trước đây, Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với Bộ môn Khảo cổ học tiếp tục khai quật với diện tích là 25m2 (5m x 5m).

Theo báo cáo của bảo tàng, ở địa tầng dày từ 63 - 98cm bị xáo trộn cục bộ, hiện tượng xáo trộn diễn ra phổ biến trong hố khai quật. Cá biệt có một dấu vết gầu múc của máy xúc ăn sâu xuống sinh thổ.

Lớp thứ hai là đất cứng màu đen, bên trong lẫn nhiều sạn sỏi đỏ son - là lớp văn hóa của di tích. Trong lớp thu được nhiều di vật thuộc văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Gò Mun và một vài mảnh gốm mang yếu tố Đồng Đậu.

Ở khu vực phía Nam hố F1 xuất lộ di vật lẫn lộn giữa sành, gốm men hiện đại và các mảnh gốm thời đại kim khí. Dù diện tích khai quật hạn chế nhưng giới khảo cổ thu được lượng di vật khá đa dạng, gồm di vật đá, đồng và gốm.

Trong đó, di vật đá thu được các loại công cụ sản xuất như rìu, bôn, đục, bàn mài, đồ trang sức 2 mảnh vòng tay. Trong đó, một mảnh mặt cắt hình chữ nhật màu trắng, một mảnh mặt cắt chữ T bằng đá ngọc màu xanh. Nhóm di vật này thể hiện quy trình chế tác trực tiếp và tại chỗ.

Đồ đá tại di tích được chế tác từ những nguyên liệu đá quý, đá bán quý như Nephrite, Spilit, Bazan. Trong đó hầu hết các di vật đá được làm từ đá có chất lượng cao, rìa lưỡi sắc và cứng. Một số di vật đang chế tác dở. Đáng chú ý, đoàn khai quật tìm thấy những nguyên liệu đá cùng chất liệu với di vật thu được.

Về di vật gốm thu được có hai màu sắc chính là nâu đỏ và xám đen. Số lượng mảnh gốm thu được khá lớn, khoảng 5.000 mảnh. Gốm mang yếu tố Gò Mun, đó là các loại đồ gốm có miệng loe bẻ ngang có trang trí hoa văn trong lòng miệng.

Các mảnh gốm có hoa văn khuông nhạc hình sóng nước của văn hóa Đồng Đậu và những mảnh gốm mang phong cách Phùng Nguyên với những đồ án như hoa văn chữ S, hoa văn chấm dải trong khung khắc vạch, văn in cuống rạ, kiểu miệng thố và miệng đứng thành dày.

Dựa trên di vật có thể thấy niên đại tương đối của di tích nằm trong thời đại kim khí, niên đại sớm thuộc văn hóa Phùng Nguyên giai đoạn điển hình, phát triển qua giai đoạn Đồng Đậu muộn và Gò Mun. Khung niên đại tuyệt đối cách ngày nay khoảng 3.800 - 3.000 năm.

Theo Bảo tàng Hà Nội, di tích đồi Đồng Dâu là một trong những di tích khảo cổ học quan trọng ở Hà Nội, góp phần quan trọng chứng minh sự hiện diện, tụ cư và phát triển trong thời đại kim khí ở Hà Nội.

Đây là một di tích cư trú có thời gian cư trú dài với tầng văn hóa dày với nhiều giai đoạn phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Gò Mun và có mộ Đông Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.