Để người nghèo không còn phải bán tivi

GD&TĐ -  Định hướng truyền thông giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì hỗ trợ từng hộ nghèo, công tác thông tin truyền thông cần được đẩy mạnh hơn việc hỗ trợ trên diện rộng cộng đồng.

Nội dung truyền thông giảm nghèo thông qua giới thiệu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm địa phương được đông đảo người dân quan tâm nghe, xem và tìm hiểu
Nội dung truyền thông giảm nghèo thông qua giới thiệu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm địa phương được đông đảo người dân quan tâm nghe, xem và tìm hiểu

Bán tivi để… giảm nghèo

Trao đổi tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nội dung thông tin và truyền thông thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mới đây, ông Nguyễn Minh Hiệu – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu cho biết: Triển khai công tác truyền thông giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, dự án vẫn chưa được triển khai sâu rộng đến các hộ nghèo.

Về nội dung hỗ trợ nghe, xem rất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhận được sự đồng thuận của xã hội. Tuy nhiên, khi được phát hỗ trợ tivi và radio, một số hộ nghèo do cuộc sống quá khó khăn, cũng như nhận thức chưa đầy đủ đã bán chiếc tivi được hỗ trợ… để giảm nghèo.

Theo báo cáo, hoạt động truyền thông về giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh Lai Châu gặp nhiều khó khăn do địa hình miền núi, không thuận lợi về giao thông và diễn biến khí hậu phức tạp. Quá trình triển khai phát thanh vẫn bị nhiều sự cố, hệ thống sóng FM có nhiều thời điểm không phát được. Hệ thống truyền thanh không dây qua thời gian sử dụng cũng đã bị hỏng hóc, xuống cấp...

Trên địa bàn tỉnh có 59 điểm bưu điện văn hóa xã, đến nay có 7 điểm tạm dừng hoạt động, nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp nên xuống cấp nhiều, mức chi trả cho người trực không cao nên không thu hút được người làm.

Chỉ tiêu viễn thông hạ tầng cũng đã được đầu tư, song vẫn còn thấp, mạng internet chủ yếu ở trung tâm thành phố và trung tâm huyện. Các vùng sâu, vùng xa không được đầu tư do khi đầu tư vào khu vực này doanh nghiệp không có lãi,…

Từ thực tế công tác giảm nghèo về thông tin tại địa phương, trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Minh Hiệu đề xuất giảm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chuyển sang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cộng đồng như: xây dựng hệ thống trạm BTS, triển khai internet về vùng sâu vùng xa,…

Đưa thông tin gần gũi với người dân

Trao đổi về công tác truyền thông giảm nghèo ở miền núi, Ông Vũ Hùng Dũng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai cho biết: Tại Lào Cai, công tác giảm nghèo về thông tin được quan tâm, chú trọng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng bộ trong quá trình thực hiện từ cấp tỉnh, huyện xuống đến cơ sở…

Các mục tiêu truyền thông giảm nghèo đã được thực hiện đảm bảo đúng theo yêu cầu đề ra. Trang bị phương tiện tác nghiệp cho thông tin cổ động, năm 2019 đã hỗ trợ được hơn 400 tivi, gần 985 radio. Năm 2020 hỗ trợ 860 tivi, 1240 radio. Kinh phí được tập trung vào đào tạo cho cán bộ sản xuất chương trình, làm tin bài, xây dựng chương phát thanh và vận hành hệ thống loa tại cơ sở.

Nhằm nâng cao chất lượng nội dung, tỉnh còn tổ chức các hội thi phát thanh cơ sở với nội dung xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng cho thấy những khó khăn bất cập như: Việc hỗ trợ nghe, xem đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nếu hỗ trợ tivi và radio ít quá có thể nảy sinh tỵ nạnh trong cộng đồng, hoặc các tiêu cực khác. Vì vậy, nên hướng tới hỗ trợ các phương tiện phục vụ rộng rãi, mang tính cộng đồng nhiều hơn như: bảng tin điện tử, trạm truyền thanh, chuyển đổi công nghệ phát thanh,…  

Bên cạnh đó, hệ thống loa truyền thông sau thời gian sử dụng bị hỏng hóc do sét đánh, hoặc do các nguyên nhân khác đến nay cũng rất cần được nâng cấp.

Về nội dung thông tin giảm nghèo, theo ông Dũng người dân thích nghe nhất là những sự kiện xã hội gần gũi với cuộc sống thường ngày. Vì vậy, cần có sự phối hợp “đặt hàng” sản xuất các chương trình phát thanh cho các huyện, xã có thể phát lại nhiều lần. Đồng thời, dịch sang tiếng dân tộc để phát về các vùng đồng bào dân tộc,… Như vậy, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin sẽ được triển khai hiệu quả hơn, góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững.

"Theo Bộ Thông tin và truyền thông, thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã hoàn thành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, thực hiện hỗ trợ 9.694 ti vi và 4.058 radio cho các hộ nghèo đạt 137,5% so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1722/QĐ-TTg (mục tiêu hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho khoảng 10 nghìn hộ nghèo đến hết năm 2020)."

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.