Tuỳ triệu chứng hoặc trạng thái bệnh để có hướng xử lý.
Ngoài ra, người đang cách ly tại khu cách ly tập trung ở quận/ huyện bị bệnh không cần cấp cứu, sẽ có nhân viên y tế của trung tâm y tế quận huyện khám. Người cách ly ở các khu cách ly của thành phố sẽ có bác sĩ trực khám.
Đối với trường hợp cấp cứu, trung tâm 115 sẽ sơ, cấp cứu. Sau đó, vận chuyển người bệnh đến khoa cấp cứu của bệnh viện quận/ huyện trên cùng địa bàn. Khi người cách ly có các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, trung tâm y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV.
Nếu kết quả dương tính, người này sẽ được chuyển điều trị cách ly. Trường hợp có kết quả âm tính sẽ được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR và tiếp tục theo dõi, cách ly ở buồng riêng.
Trong trường hợp người sinh sống tại khu vực đang phong tỏa do Covid-19 có triệu chứng nghi ngờ, trung tâm cấp cứu 115 sẽ đưa bệnh nhân đến khám sàng lọc tại các bệnh viện quận/ huyện trên cùng địa bàn. Nếu người đó cần khám chuyên khoa, trung tâm y tế sẽ liên hệ bệnh viện quận/ huyện hoặc bệnh viện thành phố để được hỗ trợ.
Ngoài ra, đối với bệnh nhân có chỉ định chạy thận nhân tạo và đang sống trong nơi giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc khu vực cách ly y tế, trung tâm cấp cứu 115 sẽ vận chuyển họ đến nơi chạy thận nhân tạo định kỳ.
Người bệnh Covid-19 sẽ chạy thận nhân tạo tại bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Cũng theo HCDC, đối với thuyền viên tại các cảng hàng hải cần cấp cứu, trung tâm 115 sẽ vận chuyển họ về Bệnh viện Dã chiến Cần Giờ để được khám và điều trị.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), F0 là người có khả năng lây lan Covid-19 ra ngoài cộng đồng. Do đó, người này cần được đưa vào khu cách ly theo dõi và điều trị. Bệnh nhân không có triệu chứng phải cách ly để không lây ra người khác. Trong khi đó, bệnh nhân có triệu chứng cần được chữa trị.
Chuyên gia này cho rằng, đối với nhóm F1, có ba khả năng xảy ra: Chưa bị lây, bị lây nhưng chưa ủ bệnh, bị lây và đã phát bệnh. Do chưa thể biết những F1 này thuộc nhóm nào nên họ sẽ được yêu cầu phải cách ly tập trung.
Cũng theo chuyên gia này, mục tiêu duy nhất của cách ly là để người mắc bệnh không lây Covid-19 cho người khác. Một người có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào và cần được phát hiện sớm khi nào họ phát tán virus. Đồng thời, không để bệnh nhân lây lan ra ngoài cộng đồng.
“F0 khi được phát hiện không thể ở chung với F1. Tuy nhiên, không biết khi nào F1 sẽ trở thành F0”, bác sĩ Khanh cảnh báo.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, thời gian cách ly tập trung 14 ngày là đủ. Bởi, “khó có trường hợp ủ bệnh quá 14 ngày”. Trong khi đó, dù F1 đã âm tính ở ngày thứ 21 trong khu cách ly, nhưng nếu tiếp xúc với F0 vào ngày thứ 20, họ vẫn phải tính lại thời gian cách ly từ đầu. Theo bác sĩ Khanh, nếu không tuân thủ trong khu cách ly, nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn tồn tại.
Trong trường hợp khu cách ly quá đông và gây tình trạng lây nhiễm chéo, cần tách các F1, chuyển họ sang chỗ khác. Ngoài ra, giải pháp khác là mở thêm khu cách ly. Bên cạnh đó, có thể để một số F1 cách ly tại nhà. Với biện pháp này, chuyên gia cho biết, cần chia ra đâu là F1 có nguy cơ cao và nguy cơ thấp.
“Vai trò của cách ly là vô cùng quan trọng”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.