Đề nghị luận gần gũi, quen thuộc
Đánh giá về đề thi Ngữ văn năm nay, cô giáo Phạm Thị Hồng Huế - Giáo viên Ngữ văn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Đề thi chính thức môn Ngữ văn gồm hai phần là Trắc nghiệm (2 điểm) và Tự luận (8 điểm).
Phần trắc nghiệm với bốn câu hỏi, lấy ngữ liệu từ đoạn trích trong tác “Làng” của nhà văn Kim Lân. Với cấu trúc trên, đề thi kiểm tra được các kiến thức đọc hiểu về Văn học, Tiếng Việt, Tập làm văn.
Phần tự luận, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội khá gần gũi, quen thuộc nên có thể đánh giá được khả năng lập luận và hiểu biết thực tế của học sinh. Đồng thời, còn giáo dục cho học sinh ý thức tự lập trong cuộc sống.
Câu viết bài văn nghị luận văn học, yêu cầu cảm nhận một đoạn thơ trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Đây là một bài thơ hay có thể đánh giá được năng lực cảm nhận văn học của học sinh, giáo dục học sinh tình yêu quê hương đất nước và những tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống.
“Đề Ngữ văn năm 2023 đã bám sát chương trình, đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng. Mức độ kiểm tra các đơn vị kiến thức và kĩ năng của học sinh khá toàn diện. Đề đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng. Học sinh nắm chắc kiến thức có thể tự tin, làm bài tốt. Bên cạnh đó, Đề thi vừa đánh giá được kiến thức, kĩ năng cơ bản, trọng tâm vừa phân loại được đối tượng học sinh”, cô Phạm Thị Hồng Huế cho biết thêm.
Đề Ngữ văn thi vào lớp 10 năm học 2023-2024 ở Vĩnh Phúc |
Cấu trúc đề thi ổn định
Nhận định về đề Ngữ văn, cô Đỗ Thị Thu Lan – Giáo viên Trường THCS Vĩnh Yên cho rằng: Cấu trúc đề thi được giữ ổn định như mọi năm với các mức độ kiểm tra khá toàn diện các đơn vị kiến thức, kĩ năng của thí sinh.
Về kiến thức, Đề thi đã bám sát vào chương trình học, đề ra trọng tâm, vừa sức với học sinh, cho phép các em có sự tự tin nhất định để có thể làm bài thi tốt nhất.
Nhận xét đối với từng phần trong đề thi, cô Thu Lan cho biết, Phần trắc nghiệm: Các câu hỏi ra đúng thứ tự mức tư duy. Các câu hỏi nhận biết và thông hiểu xoay quanh kiến thức phần văn bản, phần Tiếng Việt. Kiến thức đơn giản, rõ ràng.
Ở Phần tự luận, đối với câu hỏi nghị luận xã hội: Vấn đề nghị luận rất thực tế trong xã hội, đó là “Sự cần thiết phải có tính tự lập”, đề khơi gợi suy nghĩ, ý kiến từ những nhận thức sâu sắc đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Với độ tuổi của học sinh lớp 9, nhân cách và lối sống đang được hình thành thì vấn đề nghị luận đã tạo ra "đất diễn" khá tốt để các em nói lên suy nghĩ riêng của mình. Đây cũng là câu hỏi phục vụ cho yêu cầu phân hoá của đề thi.
Về nghị luận văn học, Đề yêu cầu trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của tình đồng chí trong đoạn hai bài thơ “Đồng chí”. Đối với câu hỏi này, học sinh sẽ thể hiện được khả năng cảm nhận văn chương, cảm nhận được vẻ đẹp của con người và tình cảm của họ trong thời kháng chiến. Câu nghị luận văn học này cũng đánh giá được sức viết của các em.
Đánh giá về mức độ khó, dễ của đề Ngữ văn năm nay ở Vĩnh Phúc, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Lập Thạch (huyện Lập Thạch) nêu ý kiến: Đề thi cơ bản, vừa sức với học sinh. Độ khó, dễ tương đương năm học 2022 -2023. Cấu trúc đề quen thuộc so với đề thi thử của Phòng GD, học sinh dễ nhận dạng. Với đề này, điểm trung bình học sinh có thể đạt được là trên 7,0.
Theo lịch, chiều nay thí sinh sẽ làm bài thi Tổ hợp (Tiếng Anh, Lịch sử, Sinh học) với thời gian 90 phút. Sáng 11/6, thí sinh làm bài thi Toán với thời gian 120 phút.
Với thí sinh đăng ký dự thi vào THPT Chuyên Vĩnh Phúc sẽ làm thêm bài thi môn chuyên trong ngày 12/6.
Sáng 10/6, ông Trịnh Văn Mừng – Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: Vĩnh Phúc có 1 thí sinh bị gãy chân trước kỳ thi ở Hội đồng thi THPT Tam Dương 2. Hội đồng thi đã bố trí xếp phòng thi tại tầng 1 để tạo thuận lợi cho thí sinh di chuyển. Tuy nhiên do sức khỏe không đảm bảo nên em đã phải dừng thi và về điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Dương.
Ngoài ra, có 1 thí sinh bị gãy ngón tay cái bàn tay phải hôm qua cũng có phương án dự phòng hỗ trợ chép bài thi. 1 thí sinh ở Hội đồng thi THPT Lê Xoay gãy cánh tay phải được hỗ trợ chép bài thi môn Toán, Ngữ văn.