Góp phần nâng cao chất lượng dạy học
Theo thầy Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, trung bình mỗi năm toàn ngành GD-ĐT tỉnh Bình Định có khoảng 400 đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm được Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định công nhận cấp cơ sở. Những kết quả nghiên cứu của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý thật sự là những kinh nghiệm, sáng kiến, công trình khoa học quý giá đúc kết từ thực tiễn và được ứng dụng ngay trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng GD Bình Định.
Thầy Đào Đức Tuấn cho hay: Trong những năm gần đây, hoạt động NCKH ngày càng được nhiều cấp quản lý quan tâm, động viên, khuyến khích và ghi nhận công lao đóng góp của quý thầy cô. Ở nhiều cơ sở GD, cán bộ, giáo viên không chỉ xem hoạt động NCKH là một trong những điều kiện để xét các danh hiệu thi đua, mà trở thành phong trào viết sáng kiến, đúc kết kinh nghiệm diễn ra sôi nổi, trở thành nhu cầu chia sẻ, trao đổi giữa các thế hệ đồng nghiệp.
Nhiều sáng kiến không chỉ được phổ biến trong phạm vi một đơn vị, một địa phương mà đã lan tỏa rộng khắp toàn ngành, tạo ra những chuyển biến tích cực. Trong những năm qua, nhiều thầy cô giáo giỏi, có những sáng kiến kinh nghiệm hay cùng những thành tích tốt ở trong công tác dạy học và ở nhiều lĩnh vực khác, đã được vinh danh là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp toàn quốc. Đáng chú ý, trong 3 năm học gần đây, Bình Định có 6 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Tuy nhiên, theo thầy Đào Đức Tuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Định cũng nhận thấy vấn đề NCKH hiện nay còn nhiều hạn chế. Trước hết là tâm lý của nhiều giáo viên và nhiều đơn vị vẫn còn xem hoạt động viết sáng kiến, kinh nghiệm là phong trào thi đua trong nhà trường, phải đạt được chỉ tiêu năm học đề ra. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm họ viết ra. Mặt khác, một số giáo viên không mặn mà việc ứng dụng những đề xuất của đồng nghiệp, dẫn đến việc những sáng kiến, kinh nghiệm hay không được nhân rộng, đưa vào ứng dụng thực tiễn một cách hiệu quả.
Ngoài ra, nội dung và kết quả của các nghiên cứu cũng còn gặp phải một số hạn chế như về đối tượng nghiên cứu, hay về vấn đề nghiên cứu… còn đối tượng HS tiểu học, mầm non còn rất ít. Đối tượng giáo viên, cán bộ quản lý, các chính sách GD… thì hầu như không có. Về vấn đề nghiên cứu cũng chỉ tập trung vào việc nâng cao kết quả học tập các bộ môn văn hóa như: Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh… Gần đây có một số đề tài đề cập đến phát triển năng lực, phẩm chất của HS. Còn nhiều vấn đề quan trọng và rất cấp thiết như phát triển đội ngũ nhà giáo, năng lực dạy học tích cực của nhà giáo, năng lực quản lý nhà trường của cán bộ quản lý… thì hầu như chưa được đề cập nghiên cứu sâu có tính hệ thống.
Giải pháp nâng cao chất lượng
Nâng cao năng lực nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lý, bao gồm: Nhận thức về NCKH và nhận thức về tác dụng của NCKH. Xem đây là một phần trong quá trình phát triển chuyên môn của giáo viên, cán bộ quản lý trong thế kỉ XXI, chính vì vậy, đây cũng là một giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới GD hiện nay. Nâng cao năng lực nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lý là cách rất tốt để giáo viên, cán bộ quản lý xác định những vấn đề GD xuất hiện tại chính lớp học, trường học của mình và tìm giải pháp nhằm cải thiện thực trạng này.
Chia sẻ về giải pháp nâng cao hiệu quả NCKH trong trường học, thầy Lê Ngọc Vịnh - Phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định) - người có đề tài “Nghiên cứu áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột trong dạy học Hóa học” đã được triển khai ứng dụng trong toàn ngành, mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong dạy học, bày tỏ: Hiện nay, toàn ngành GD-ĐT đang quyết liệt, ra sức thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD, NCKH trong GD là hoạt động không thể thiếu được với mức độ yêu cầu ngày càng cao về chất khoa học. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả NCKH trong nhà trường, theo tôi cần phải thực hiện đổi mới cách quản lý. Những định hướng, chỉ đạo cụ thể sẽ giúp cho hoạt động NCKH ngày càng trở nên thiết thực và có tác dụng tốt hơn trong GD.
Theo thầy Lê Ngọc Vịnh, hoạt động NCKH xuất phát từ thực tiễn, bởi vậy, khi mỗi một giáo viên, cán bộ quản lý khi nhìn lại quá trình hoạt động của mình sẽ nhận thấy thực trạng có những yếu kém, từ thực tiễn này chính họ nghiên cứu tìm ra những cách giải mới để cải thiện thực trạng này tốt hơn. Kết quả từ hoạt động NCKH sẽ hỗ trợ thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học, giúp HS được phát triển tốt hơn, nhưng đồng thời cũng tạo cho giáo viên được phát triển năng lực chuyên môn, vấn đề được giải quyết ngay và góp phần phát triển nhà trường.
Khi thực hiện một đề tài nghiên cứu, người giáo viên cần xác định đối tượng và vấn đề nghiên cứu phải đáp ứng yêu cầu đổi mới GD, có phù hợp với các chủ trương, đường lối hay không, đặc biệt tính thời sự, tính cấp bách của vấn đề cần giải quyết. Ví dụ, đối tượng giáo viên: Nâng cao năng lực dạy học phương pháp Bàn tay nặn bột, năng lực NCKH, năng lực dạy học tích hợp, kỹ thuật dạy học tích hợp… Đối tượng HS: Phát triển năng lực cho HS như: Tự học, tự chủ, giao tiếp, khoa học; phát triển phẩm chất cho HS như: Trung thực, trách nhiệm, tự tin, chăm học… Theo đó, người giáo viên cần thực hiện NCKH đúng quy trình, phương pháp.