Những nghiên cứu về tác hại của sóng wi-fi đến thai nhi và trẻ nhỏ
Trong những năm gần đây, việc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử trở nên khá phổ biến với mức độ thường xuyên và liên tục hơn. Với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng wi-fi, trẻ có thể tha hồ truy cập vào các trang mạng và tiếp cận thông tin một cách khá nhanh. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ đã chủ quan và xem thường tác hại sóng wi-fi đối với chính em bé trong bụng, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy câu hỏi đặt ra là sóng wi-fi thực sự có tác hại như thế nào, nó có ảnh hưởng gì tới sức khỏe thai nhi và trẻ nhỏ?
Sóng Wi-fi trở nên phổ biến, xâm nhập vào từng ngóc nghách của mỗi gia đình thông qua các thiết bị điện tử và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ
Năm 2014, một nghiên cứu khoa học về tác hại của sóng wi-fi tới thai nhi và trẻ nhỏ đã được công bố trên tạp chí Microscopy and Ultrastructure. Kết quả cho thấy, trẻ em chính là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi tia sóng bức xạ nhiều nhất do các mô não của trẻ khá nhiều, vỏ hộp sọ còn mỏng nên rất dễ bị nhiễm sóng điện tử. Chính vì cấu trúc và những chức năng thần kinh của bé vẫn còn chưa hoàn thiện nên việc tiếp xúc với sóng Wi-fi trong một thời gian dài có thể làm cản trở quá trình tăng trưởng và phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Ngoài ra, bức xạ vi sóng từ các thiết bị điện tử không dây hiện được xếp vào loại nhóm nguy cơ gây ung thư cao cùng nhóm với nguyên tố chì và thuốc trừ sâu. Tác hại của sóng Wi-fi đối với não trẻ em từ lần đầu tiếp xúc cho đến khi hình thành khối u có thể kéo dài đến hàng thập kỉ. Thế nhưng hiện nay sóng wi-fi lại trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và xâm nhập vào từng ngóc nghách của mỗi gia đình, vốn được xem là "tế bào" của xã hội. Từ điện thoại, máy tính bảng cho đến phần cứng chơi game trên máy tính, hay các loại đồ chơi thông minh phần lớn đều dựa trên công nghệ wi-Fi. Việc để trẻ tiếp xúc lâu dài với tia sóng này có thể gây ra nguy cơ tiềm ẩn về lâu dài.
Mô phỏng khả năng hấp thụ tia sóng bức xạ của não trẻ cao hơn gấp 10 lần so với não người trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thai nhi cũng có nguy cơ cao hơn khi tiếp xúc với bức xạ vi sóng. Những phát hiện này dựa trên một vài nghiên cứu trên động vật được thực hiện trong các phòng thí nghiệm. Bức xạ tần số vô tuyến không nhiệt từ wi-Fi có thể phá vỡ sự phát triển tế bào bình thường, đặc biệt là sự phát triển của thai nhi. Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng phụ nữ mang thai cũng nên tránh để điện thoại thông minh trong túi quần, túi áo để không gây ảnh hưởng tới em bé trong bụng.
Tiến sĩ Martin Blank đến từ Khoa Sinh học và Tế bào thuộc Đại học Colombia (Mỹ), đã cùng một nhóm các nhà khoa học khác từ khắp nơi trên thế giới thực hiện nghiên cứu những mối nguy hiểm liên quan đến việc sử dụng các thiết bị phát ra điện từ như điện thoại di động và sóng wi-fi. Theo ông bản chất của một chiếc điện thoại di động có nối mạng chính là thiết bị phát sóng bức xạ hai chiều. Nhưng các nhà sản xuất đã cố gắng và thành công trong việc nói giảm nói tránh và gọi đó là nguồn năng lượng tần số vô tuyến. Và nếu như chúng ta biết rằng thứ mà mọi người đang dùng hàng ngày chính là thiết bị phát sóng hai chiều và đang để rất gần với não bộ và các cơ quan nội tạng trong cơ thể thì sẽ không còn nhiều bậc cha mẹ nào dám để cho trẻ dùng thiết bị điện tử nhiều đến như vậy nữa.
Cách bố mẹ cần làm để hạn chế tác hại của sóng wi-fi đến trẻ
Cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tác hại của sóng Wi-fi tới trẻ nhỏ trước khi hậu quả xảy ra
Theo các chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới, để hạn chế thấp nhất các tác hại tiềm ẩn của sóng wi-fi đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, ngay từ bây giờ cha mẹ hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Thay vì sử dụng thiết bị phát sóng wi-fi không dây, hãy lắp đặt mạng Internet có dây.
- Không cho trẻ dưới 2 tuổi dùng thiết bị điện tử có sóng wi-fi, với trẻ lớn hơn kiểm soát thời lượng sử dụng hợp lý.
- Tắt thiết bị wi-fi trước khi đi ngủ hoặc khi không sử dụng.
- Tắt nguồn điện thoại khi không thực sự cần thiết phải dùng đến, bởi ngay cả khi cha mẹ và bé không thực hiện cuộc gọi hay gửi tin nhắn thì tia sóng vẫn liên tục phát ra trừ khi tắt máy.
- Hạn chế hoặc loại bỏ các thiết bị không dây khác có trong gia đình.
- Tránh để điện thoại dưới gối ngủ của trẻ, hoặc để các thiết bị trong túi quần áo sát người trẻ.
- Cài đặt thiết bị phát sóng wi-fi cách xa phòng ngủ của trẻ.
- Đối với mẹ bầu, hãy để điện thoại chứa sóng xa phần bụng. Thay vì để điện thoại trong người, hãy bỏ và túi xách hoặc ví để tránh gây ảnh hưởng tới thai nhi.
Hạn chế cho trẻ dùng các thiết bị điện tử và tiếp xúc với tia sóng chính là biện pháp cha mẹ cần thực hiện ngay lúc này
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng thai nhi và trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ bị hấp thụ bức xạ vi sóng hơn so với người lớn, nhưng vẫn chưa làm rõ hết các tác động của sóng wi-fi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ. Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng nhận định hiệu ứng của sóng điện tử tới trẻ nhỏ là chưa rõ ràng và cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu với lập luận và bằng chứng thuyết phục hơn nữa trước khi đưa ra kết luận rõ ràng. WHO cũng đưa ra cảnh báo chung nên để điện thoại và máy tính cách xa cơ thể trẻ ít nhất 20cm trong khi sử dụng. Tất cả những việc làm này sẽ giúp hạn chế phần nào tác động của sóng wi-fi tới sự phát triển của trẻ.