Cụ thể, các đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước khi thực hiện cải cách tiền lương, xây dựng thang bảng lương mới thì xếp thang bảng lương của nhà giáo cao nhất và đảm bảo nhà giáo sống được bằng đồng lương của mình.
Đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Lao động hiện hành cần điều chỉnh một số nội dung về đối tượng trong danh mục nhóm lao động nặng nhọc, độc hại, theo đó đưa giáo viên mầm non vào nhóm đối tượng này để họ được nghỉ hưu ở tuổi 55.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và bổ sung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, xây nhà công vụ giáo viên, công trình vệ sinh, nước sạch, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có chế độ hỗ trợ học sinh và giáo viên ở các trường có loại hình bán trú.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương không thực hiện tinh giản biên chế giáo viên một cách cơ học để đảm bảo đủ tỷ lệ giáo viên đứng lớp nhằm thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Có chế độ đãi ngộ, giữ nguyên phụ cấp ưu đãi, thâm niên nghề cho viên chức tại các trường học được điều động về công tác tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT... để thu hút người giỏi về cơ quan quản lý giáo dục.
Có quy định rõ về chế độ lương hợp lý đối với nhà giáo, người lao động mới tuyển dụng và chính sách đặc thù đối với nhân viên kế toán, nhân viên văn thư, giáo vụ… tại các trường học để họ đảm bảo cuộc sống, bởi hiện nay thu nhập của những đối tượng này rất thấp.
Đề xuất Bộ GD&ĐT rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung kịp thời và đồng bộ các cơ chế chính sách liên quan tới cán bộ nhà giáo, người lao động. Tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo và đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội sớm thông qua để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo.
Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XVI với chủ đề: Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển. |
Tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách tiền lương mới, trong đó quan tâm đến thang, bảng lương đối với nhà giáo phải đảm bảo để họ sống được bằng đồng lương, đồng thời để thu hút và giữ chân giáo viên, giảng viên với nghề dạy học.
Có chế độ đối với nhân viên là cô nuôi ở các trường mầm non, trong đó đưa đối tượng này vào diện biên chế hoặc có cơ chế để hợp đồng dài hạn; có chính sách hỗ trợ làm thêm giờ, trực trưa cho giáo viên, nhân viên chăm sóc trẻ; tăng biên chế giáo viên mầm non để huy động tối đa trẻ ra lớp mẫu giáo.
Có chính sách ưu đãi hợp lý đối với nhân viên bảo vệ, thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư... trong các trường mầm non, phổ thông vì hiện nay đời sống rất khó khăn.
Các đại biểu cũng đề xuất Bộ GD&ĐT tiếp tục kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để giải quyết cho nữ giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở độ tuổi 55.
Quan tâm đề xuất, kiến nghị về xếp lương đối với viên chức, người lao động mới được tuyển dụng, sao cho họ có thu nhập về lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, tương xứng với vị trí việc làm và trình độ chuyên môn được đào tạo.
Các cán bộ, nhà giáo cũng đề xuất Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu với Chính phủ triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp cần chú trọng đến hạng mục nhà công vụ giáo viên, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo nhằm hỗ trợ nhà giáo, người lao động đảm bảo điều kiện công tác, thuận lợi hơn trong cuộc sống để yên tâm công tác, gắn bó với nghề.