Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) đã hoàn thành xuất sắc việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện của ngành Giáo dục, sự tác động nhiều mặt của các yếu tố khách quan. Tất cả, đòi hỏi sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp và đã để lại những dấu ấn nổi bật.
1. Đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3 lần thứ hai
Nhân dịp 70 năm thành lập (22/7/1951 - 22/7/2021), Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) đã tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng với sự tham dự của nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn và được nhà giáo, người lao động cả nước theo dõi trên các nền tảng số.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến dự, ghi nhận và chúc mừng thành tích của cán bộ đoàn viên Công đoàn ngành Giáo dục 70 năm qua và trao tặng Huân chương Độc lập hạng 3 lần thứ hai.
Đây là phần thưởng cao quý ghi nhận đóng góp của CĐGDVN nói chung, đội ngũ cán bộ, đoàn viên, nhà giáo người lao động (NGNLĐ) nói riêng trong quá trình đồng hành với ngành Giáo dục, suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.
2. Hỗ trợ nhà giáo trong quá trình đổi mới
Trước những yêu cầu mới đòi hỏi đội ngũ NGNLĐ phải có năng lực ứng đáp, CĐGDVN đã nhanh chóng triển khai nội dung thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”. Sau đó, Bộ GD&ĐT triển khai với nội hàm cụ thể: “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, trở thành phương châm hành động của đội ngũ đoàn viên, giáo viên cả nước.
CĐGDVN chủ động tổ chức hội thảo, tọa đàm, cuộc thi để giáo viên chia sẻ những kinh nghiệm tốt, việc làm sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, giúp giáo viên tự tin, sẵn sàng đối mặt và có giải pháp vượt qua thách thức, rào cản xuất hiện trong quá trình đổi mới.
Lần đầu tiên, “nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” được thành lập ở các trường đại học. Giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” tại địa phương được khởi xướng. Công đoàn trường học vào cuộc đồng hành với ngành Giáo dục, chia sẻ và hỗ trợ thầy cô bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
3. Lan tỏa phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc
Nhà giáo đang đối mặt với hàng loạt vấn đề như áp lực công việc, thu nhập, đời sống khó khăn, kỳ vọng phụ huynh, tác động mạng thông tin đa chiều cùng sự thay đổi nhanh chóng của một thế hệ học sinh, sinh viên... Làm cách nào để họ vượt qua, yên tâm cống hiến, cống hiến một cách sáng tạo?
Từ câu hỏi này, CĐGDVN ban hành và triển khai kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo” với mục đích giúp thầy cô biết cách quản trị cảm xúc, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, từ đó mang hạnh phúc đến với công việc.
Trường học hạnh phúc với tiêu chí “Yêu thương, an toàn, tôn trọng, được hiểu và có giá trị” được CĐGDVN triển khai, nhà giáo và nhà trường đón nhận, trở thành công cụ hữu hiệu để mỗi giáo viên biết cách tự chăm sóc tâm hồn, thể chất, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, biết tạo dựng nguồn năng lượng để yên tâm, tự tin cống hiến và vui vẻ tận hưởng cuộc sống.
4. Hỗ trợ giáo dục vùng sâu xa, khó khăn
Cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục vùng sâu, xa, khó khăn” trở thành thương hiệu của CĐGDVN nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nhiệm kỳ 15 đã đánh dấu bước đột phá, không chỉ với kết quả mà còn ở chiều sâu, tính giá trị và cách thức thực hiện. Mỗi đơn vị, nhà trường đều có cách truyền thông để nhà giáo hiểu rõ ý nghĩa, trách nhiệm, niềm tự hào khi tham gia đóng góp xây nên công trình hỗ trợ đời sống, sinh hoạt thầy cô và học sinh vùng khó khăn, hải đảo, rẻo cao, miền biên ải xa xôi của Tổ quốc.
Những căn nhà công vụ, công trình nước sạch, bếp ăn bán trú đưa vào sử dụng đã tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường, níu bước chân người gieo chữ giữ đất, làm rộn bước chân em thơ đến trường; viết nên câu chuyện đẹp nghĩa tình của nhà giáo với nhà giáo, sự sẻ chia của cộng đồng xã hội với nhà giáo, ngành Giáo dục.
5. Sáng tạo ứng phó dịch bệnh Covid-19
Công đoàn ngành Giáo dục có nhiều sáng tạo để vượt qua đại dịch Covid-19. Có thể kể đến: Cây gạo ATM của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân huy động từ doanh nghiệp cựu sinh viên. “Chuyến xe yêu thương” xuyên đêm thu mua, đóng gói của thầy cô vùng rau Lâm Đồng vận chuyển vào vùng dịch TPHCM.
Chương trình “Đồng hành cùng nhà giáo” trực tiếp nhiều số liên tục trên trang fanpage CĐGDVN nhằm hỗ trợ, hướng dẫn cách dạy học trực tuyến kịp thời. Khi hết dịch có chương trình “Và hoa sẽ nở” để nhà giáo giải tỏa nỗi niềm, san sẻ tâm tư, cảm xúc.
“Tết sum vầy” trong bối cảnh dịch Covid-19 đã trao tặng hàng nghìn suất quà, lời yêu thương từ CĐGDVN tới các vùng miền cả nước như truyền thêm sức mạnh cho nhà giáo, HSSV không may bị thiệt thòi, tổn thương do dịch bệnh mang lại.
Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị thực hiện nghi thức khởi công công trình tôn tạo Khu tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ ngành GD-ĐT tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. |
6. Hoạt động công đoàn trong bối cảnh số hóa
Hơn 1 triệu lượt truy cập trong 1 tuần fanpage CĐGDVN là con số kỷ lục khi nói đến tính hiệu quả đổi mới cách tiếp cận, thu hút NGNLĐ đến với tổ chức CĐGDVN.
Mạnh dạn ứng dụng nền tảng số trong chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, phổ biến, động viên, tạo động lực cho nhà giáo được CĐGDVN tận dụng triệt để. Qua đó thể hiện sự năng động, đột phá của đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, thu hút sự tham gia, quan tâm, ủng hộ của đội ngũ NGNLĐ cả nước.
7. Giải thưởng 22/7 Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Năm 2022, lần đầu tiên, giải thưởng “22/7 Công đoàn Giáo dục Việt Nam” được trao tặng nhằm ghi nhận xứng đáng với cán bộ công đoàn trường học, cơ sở giáo dục có thành tích, cống hiến đặc biệt, tạo nên kết quả cho tổ chức công đoàn ngành Giáo dục.
Họ là những cá nhân luôn nỗ lực, sáng tạo ở mỗi nhiệm vụ được giao, có năng lực đặc biệt tập hợp thu hút đoàn viên, NGNLĐ. Họ là thành tố quan trọng khẳng định vị thế tổ chức công đoàn trong bối cảnh hiện nay. Giải thưởng được tổ chức 2 năm 1 lần vào dịp kỷ niệm ngày thành lập CĐGDVN 22/7.
8. Tri ân để giáo dục giá trị truyền thống
CĐGDVN đã chủ trì, tổ chức huy động tu sửa, cải tạo và nâng cấp 2 công trình truyền thống của ngành Giáo dục với sự tham góp của đội ngũ NGNLĐ cả nước với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Khu di tích Quốc gia Bộ Giáo dục tại xã Khuôn Trú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang được nâng cấp các hạng mục mang nhiều dấu ấn lịch sử; dòng chảy thời gian gần 100 năm bào mòn, che phủ vết tích những nhà giáo đặt nền móng đầu tiên của nền giáo dục cách mạng.
Khu tưởng niệm các liệt sĩ ngành Giáo dục nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Công trình hoàn thiện như trang sách thiêng liêng ghi tạc danh thơm các chiến sĩ là nhà giáo, học sinh, sinh viên gác bút nghiên lên đường ra trận, lặng lẽ hy sinh vì Tổ quốc.
9. Chương trình Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo
Lần đầu tiên, CĐGDVN đề xuất và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng ý tổ chức 1 chương trình với 2 phiên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với CBNGNLĐ cả nước. Đây là sự kiện lớn, được nhà giáo cả nước mong chờ, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
6.520 ý kiến, đóng góp, đề xuất và câu hỏi được NGNLĐ cả nước gửi về qua kênh của CĐGDVN và Bộ GD&ĐT tổng hợp thành các nhóm vấn đề lớn, Bộ trưởng trực tiếp trao đổi, làm rõ và trả lời. Hơn 400 điểm cầu với hơn 1 triệu NGNLĐ theo dõi trực tiếp với hàng chục câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng mỗi phiên là con số ấn tượng với những ai quan tâm tới ngành Giáo dục.
Hàng trăm bài báo, bản tin, bình luận, nhận định, phân tích lan tỏa các nội dung buổi gặp gỡ, giúp xã hội hiểu rõ hơn công cuộc đổi mới giáo dục. Những chia sẻ từ phía giáo viên tại chương trình cũng tạo động lực, truyền cảm hứng cho mỗi người, cùng nhau nhận diện rõ vị thế, trách nhiệm và nhân lên tình yêu nghề.
10. Lan tỏa điều tốt đẹp
Một cách làm mới, táo bạo được CĐGDVN thực hiện: Tổ chức cuộc thi cho HSSV kể những câu chuyện đẹp về thầy cô - những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” với góc nhìn vô tư, trong sáng, cách thể hiện hiện đại, qua 1 công cụ văn minh đó là các video clip được chính các em thể hiện. Qua 4 mùa giải, hàng trăm tấm gương nhà giáo đẹp đẽ, trí tuệ hiện lên sinh động, lan tỏa hình ảnh lung linh về thầy cô.
Chủ tịch CĐGDVN Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh: Trong bước chuyển của nhiệm kỳ, 10 dấu ấn được lựa chọn giới thiệu hôm nay tạo động lực lớn cho đội ngũ làm công tác công đoàn ngành Giáo dục. Và như một sự khẳng định: “Hãy mạnh dạn đột phá để có thể tạo nên thành công”.