Trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 13 thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức chiều 19/5 tại Hà Nội. Liên quan đến quy định về tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi hưu.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh việc điều chỉnh cần có tầm nhìn dài hạn và lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp. Đặc biệt, phương án phải không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn…
Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (đại diện cơ quan thẩm tra), Bộ luật Lao động hiện hành quy định người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm so với quy định. Nhưng lần sửa đổi này, đề nghị quy định người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm, tùy từng nhóm lao động. “Đây là chế định quan trọng liên quan đến lợi ích của người lao động” - ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi ghi nhận “quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”, cũng như dự liệu phản ứng của dư luận xã hội để có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đặc biệt là ý kiến của người lao động, người sử dụng lao động, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm lựa chọn được phương án phù hợp và tối ưu và có dự thảo văn bản quy định chi tiết để trình Quốc hội xem xét, đánh giá về tính khả thi của đề xuất này.