Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhận được sự quan tâm rất lớn từ tăng lớp cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động.
Theo đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực…
Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì sẽ được lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động của Luật (trong đó có giáo viên) và toàn xã hội.
Bộ GD&ĐT sẽ có ý kiến và đề nghị các cử tri cũng có ý kiến về tuổi nghỉ hưu linh hoạt, đảm bảo phù hợp với tính chất nghề nghiệp, đặc tính giới để sau này có căn cứ giải quyết chế độ hưu trí đối với người lao động trong đó có giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học.