Đề nghị giữ nguyên đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là nhạc sĩ

GD&TĐ - Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), trong đó nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là nhạc sĩ.

Toàn cảnh kỳ họp.
Toàn cảnh kỳ họp.

Nhạc sĩ gián tiếp quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo

Đại biểu (ĐB) Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến việc, dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi đối tượng được xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT).

Về vấn đề này, ĐB Ánh bày tỏ quan điểm nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT, nhưng vẫn giữ lại đối tượng là nhạc sĩ.

Theo ĐB Ánh, nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo, nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện.

Nhạc sĩ không phải nghệ sĩ biểu diễn nhưng phải khẳng định rằng, họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo…

“Nếu các nhạc sĩ đảm bảo được các tiêu chí, tiêu chuẩn số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác, đóng góp cho ngành văn hóa nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT” - vị ĐB Đoàn Hà Nội nêu quan điểm.

Từ những phân tích trên, ĐB Dương Minh Ánh một lần nữa đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như quy định hiện hành.

Nghệ sĩ cảm thấy rất áy náy khi bậc thầy của mình không được xét tặng NSND, NSƯT

ĐB Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu)
ĐB Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu)

Đồng quan điểm trên, ĐB Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc xét tặng và trao danh hiệu NDND, NSƯT cho văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật có đủ điều kiện là hình thức tôn vinh có tác dụng to lớn trong việc tạo động lực trong hoạt động nghệ thuật và cống hiến của các nghệ sĩ; tạo nên những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cao; có tác dụng bồi bổ tâm hồn, tình yêu quê hương đất nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Lấy dẫn chứng từ việc “Những người yêu văn hóa truyền thống của dân tộc, yêu ca vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương đều biết, soạn giả Viễn Châu là người có công lao to lớn sáng tạo ra thể loại tân cổ giao duyên từ những năm 1960, là người thầy phát hiện và đào tạo NSND Lệ Thủy khi bà mới 13 tuổi”.

ĐB Thu Đông bày tỏ trăn trở: “Thế nhưng, danh hiệu cao quí NSND (trước đó là danh hiệu NSƯT) không phải được trao cho soạn giả Viễn Châu - một nghệ sĩ sáng tác, mà là được xét trao cho Nghệ nhân đàn tranh Bảy Bá (tên gọi khác của ông) - một nghệ sĩ biểu diễn”.

Theo ĐB này, thời gian qua đã có một số nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đó là những nghệ sĩ biểu diễn, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của nước nhà. Tuy nhiên, khi được tặng những danh hiệu cao quý này của Nhà nước, một số nghệ sĩ cảm thấy rất áy náy, niềm vui không trọn vẹn.

“Đó là vì sao các bậc thầy của mình, các nghệ sĩ sáng tác lớn như Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản Dạ cổ Hoài Lang, tiền thân của bài ca vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương; soạn giả Yên Lang, soạn giả Trọng Nguyễn, Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển…với những tác phẩm làm say đắm lòng người, sống mãi với thời gian lại không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT? Trong khi những vở cải lương do các thầy soạn ra, các học trò của ông biểu diễn đã đoạt nhiều huy chương - điều kiện quan trọng làm cơ sở để được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT “ - vị ĐB đoàn Bạc Liêu nói.

Từ đó, ĐB kiến nghị giữ nguyên đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được các tiêu chí theo quy định, tránh chồng chéo, bất cập dẫn đến việc có sự so sánh, bất bình, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của văn nghệ sĩ.

“Giới nghệ sĩ của cả nước thiết tha kiến nghị Ban soạn thảo quan tâm xem xét, đại biểu Quốc hội ủng hộ về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ sáng tác có đủ điều kiện. Đề xuất này được bổ sung sẽ góp phần để Luật Thi đua Khen thưởng (sửa đổi) khi được thông qua sẽ tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ” - ĐB Thu Đông cho biết.

Không hợp lý khi quy định họa sĩ được xét tặng NSNN, NSƯT mà lại bỏ nhạc sĩ

ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, không nên bỏ nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSNN, NSƯT. Không nên đưa ra quan điểm nhạc sĩ đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước thì không còn là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Theo quan điểm của ĐB Nguyễn Anh Trí, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước là dành cho tác phẩm, còn danh hiệu NSND, NSƯT là danh hiệu cho sự nghiệp. Ban soạn thảo nên tách bạch vấn đề này.

Cùng quan điểm với ĐB Nguyễn Anh Trí, ĐB Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, không nên bỏ quy định nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT.

Nhạc sĩ là người sáng tác, tác phẩm của nghệ sĩ nếu đủ điều kiện sẽ được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Tương tự như vậy, họa sĩ cũng là người sáng tác tranh, tác phẩm của họa sĩ có giá trị, đủ các tiêu chuẩn cũng sẽ được xem xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.

"Dự thảo Luật quy định họa sĩ, trong khi đó lại bỏ nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT như vậy chưa đảm bảo sự thống nhất trong quá trình xây dựng luật" - ĐB Nguyễn Danh Tú nếu quan điểm.

Theo Điều 64 của dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), đối tượng được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Như vậy, so với quy định hiện hành, dự thảo luật trình Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với nhạc sĩ, phát thanh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ