Để Luật thi đua, khen thưởng trở thành động lực cho các tập thể, cá nhân

GD&TĐ - Thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đa số các ý kiến hội nhất trí sự cần thiết ban hành và sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng của xã hội

Các ý kiến nhận thấy, dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cơ quan soạn thảo đã tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật.

Cơ bản nhất trí với dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn thành phố Hà Nội) đồng thời kiến nghị, cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng của xã hội, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp tư nhân, rồi công nhân xuất sắc, công nhân tiêu biểu để các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội mới có cơ hội được thi đua.

Các phong trào thi đua còn mang tính hành chính hóa, cộng dồn các thành tích thi đua. Chúng ta chưa có cơ chế khuyến khích thi đua với người dân lao động, trẻ em, người dân tộc thiểu số với trình độ dân trí có hạn.

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tiêu cực trong thi đua khen thưởng, đề nghị tra cứu các thành tích thi đua qua cổng thông tin điện tử quốc gia, vì thực tế cho thấy thủ tục rất nhiều.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 2
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 2

Cùng với đó, cần rà soát lại các danh hiệu thi đua của các bộ, ngành, tỉnh thành nên cần luật hóa các danh hiệu thi đua này, cùng với các quyền lợi ngoài danh hiệu thi đua này. Ví dụ: như tăng lương, đăng tên bảng vàng, hoặc mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục xét tặng danh hiệu khen thưởng gắn với trách nhiệm của cấp đề nghị và chịu trách nhiệm về thành tích này. Cơ quan đề xuất phải có trách nhiệm lập thành tích thay vì cá nhân phải tự báo cáo thành tích của mình. Đồng thời, bỏ việc đăng ký thi đua trước khi xét tặng, vì nhiều đơn vị có thành tích tốt nhưng chưa đăng ký thi đua từ đầu năm nên không được xét tăng.

Cần sự đột phá để khích lệ 

Liên quan việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận. Đại biểu Nguyễn Hải Hưng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, việc trao tặng cho lực lượng này danh hiệu là cần thiết bởi những đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong rất quan trọng.

“Trước đây, chúng ta huy động lực lượng này để đảm bảo các nhiệm vụ trên chiến trường trong tình hình khó khăn, gian khổ. Họ luôn cố gắng, thậm chí hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” - Đại biểu Nguyễn Hải Hưng nêu rõ.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đến vấn đề này và có chính sách cụ thể. Theo đại biểu Nguyễn Hải Hưng, lực lượng thanh niên xung phong đã được nhân rộng như hiện nay chính là đội ngũ thanh niên tình nguyện. Đại biểu đồng tình cao với Bộ Nội vụ khi có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhiều mặt, trong đó liên quan đến nguồn ngân sách thực hiện vấn đề này.

Về các tập thể, cá nhân có cống hiến cho sự nhiệp bảo vệ Tổ quốc như anh hùng có công, đại biểu Nguyễn Hải Hưng đề nghị rà soát, bổ sung vào các văn bản luật…, cần bao phủ phần lớn các đối tượng được tôn vinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng
Đại biểu Nguyễn Hải Hưng

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình khi Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi nhấn mạnh đến việc quan tâm đến người lao động có thể có danh hiệu, song thực tế đây vẫn là vấn đề khó khăn.

Nếu không có sự đột phá để khích lệ những doanh nghiệp, người lao động trực tiếp thì rất khó có thể được danh hiệu thi đua khen thưởng. Hiện nay, các tiêu chí, tiêu chuẩn vẫn chung chung, chủ yếu dành cho cán bộ, công chức khối cơ quan hành chính nhà nước.

Vì thế, việc sửa đổi cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cần cụ thể, hạn chế chung chung. Cụ thể, với doanh nghiệp tư nhân, người lao động nộp thuế bao nhiêu có thể được.

Để Luật thi đua, khen thưởng trở thành động lực để các đối tượng được khen thưởng tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội. Việc thi đua cần gắn với thành tích, đóng góp của cá nhân.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, quy trình thủ tục thi đua hiện nay do các cơ quan thi đua khen thưởng thực hiện, song với khối doanh nghiệp tư nhân, người lao động sản xuất trực tiếp lại không có người đảm nhận việc này, có thể bỏ sót những tập thể, cá nhân cần được khen thưởng.

Hiện, các cơ quan nhà nước có quỹ khen thưởng dùng ngân sách nhà nước, vậy các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước không có quỹ này thì cần phải tính đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.