ĐBQH băn khoăn lương chưa tăng giá cả đã tăng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng 27/10, nhiều ĐBQH đã đề cập đến vấn đề tiền lương và đời sống của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái nhận định, mức lương cơ sở tăng như phương án đề xuất là rất quý ở hiện tại.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái nhận định, mức lương cơ sở tăng như phương án đề xuất là rất quý ở hiện tại.

Lương chưa tăng, giá cả đã tăng

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng ngày 27/10, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận. Lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ.

Theo ông Thái, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng. Đại biểu cũng đặt vấn đề, lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không?

Nhiều ý kiến cho rằng, lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi. Thay vào đó, cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu đề nghị, nếu năm 2023 phát triển kinh tế - xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định bền vững không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như ba năm vừa qua, thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái nhận định, mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở hiện tại. Tuy nhiên, về thực chất, chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái khẳng định, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa. Qua đó, khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.

Khi thị trường kinh tế lao động phát triển, giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng đồng thời phải cạnh tranh phải giữ chân những người tài những người có năng lực, thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống thì cán bộ công chức viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng đề cập đến tình trạng “lương chưa tăng thì giá cả đã nhanh chân mà chạy trước”. Câu chuyện giá lương tiền cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện người lao động tha thiết quan tâm. Vì vậy, tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị đối với người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

Đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết, cử tri đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong năm nay. Đặc biệt là trong việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin, mở cửa trở lại nền kinh tế.

Về tăng lương và lộ trình cải cách tiền lương, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/1/2023, đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương. Đồng thời, cần tính toán việc tăng lương hưu cho các lao động đã về hưu.

Theo đại biểu Dương Minh Ánh, cần tính toán việc tăng lương hưu cho các lao động đã về hưu.

Theo đại biểu Dương Minh Ánh, cần tính toán việc tăng lương hưu cho các lao động đã về hưu.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần tính đến các cơ chế chính sách đảm bảo an sinh xã hội như nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, mở rộng hơn đối tượng được nhà nước chi trả bảo hiểm y tế. Đặc biệt là người dân có thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ lãi suất cho vay…

Đối với vấn đề thiếu giáo viên, đại biểu ghi nhận việc bổ sung chỉ tiêu giáo viên được Chính phủ thực hiện thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đại biểu cho rằng cần chủ động đào tạo lực lượng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình giáo dục mới. Đồng thời, cần nâng cao chế độ, chính sách tiền lương đối với lực lượng giáo viên.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét bổ sung thêm chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương. Đồng thời, cho phép các địa phương được tuyển dụng các giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn mới. Qua đó, để lực lượng này tự nâng cao năng lực bản thân, đạt tiêu chuẩn mới vào năm 2030.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội sớm xem xét xây dựng Luật Nhà giáo để có chính sách tổng thể trong phát triển và quản lí đội ngũ giáo viên phù hợp với chiến lược giáo dục. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế đặc thù hỗ trợ nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo yên tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.