Tránh cào bằng
Thảo luận về trực tuyến dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, liên quan đến chính sách tiền tệ, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hoà Bình) đề nghị, cần có chính sách điều tiết thu nhập của các tổ chức tín dụng, chia sẻ rủi ro trong giai đoạn nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn có lãi lớn, còn dư địa để giảm lãi suất cho vay.
Cũng liên quan đến vấn lãi suất cho vay, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) dẫn khoản 3 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết quy định: “… Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 đến 1% trong 2 năm”.
Đại biểu Chung đề nghị, không nên dùng từ "phấn đấu", vì đây là giải pháp chứ không phải là chủ trương nên cần phải quy định cụ thể để thực hiện, cũng không nên đặt ra vấn đề tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý.
“Tôi đề nghị, cần quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết là "chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 đến 1% trong 2 năm" để thể hiện rõ hơn chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp”- đại biểu Thái Thị An Chung nêu ý kiến.
Đi sâu hơn vào vấn đề hỗ trợ lãi suất, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, chính sách về hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cần rà soát, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng trong việc hỗ trợ lãi suất, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng thiết yếu như: Nông nghiệp, vận tải, du lịch…
“Trụ đỡ” của nền kinh tế cũng gặp khó khăn
Theo đại biểu So, năm 2021 ngành nông nghiệp đã phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành kinh tế.
Tuy nhiên, ngành này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề hàng loạt nông sản ách tắc tại các cửa khẩu trong thời gian qua. Do đó, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất để đảm bảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, gia tăng xuất khẩu chính ngạch.
Ngành nông nghiệp cần thiết phải nhận được tỷ trọng ưu đãi lãi suất cao hơn các nhóm ngành được hỗ trợ, tương xứng với vai trò là trụ đỡ của mình.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) đề xuất giải pháp điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư mua trái phiếu Chính phủ.
Để đạt được điều này, đại biểu Luận đề nghị, cần tính toán lãi suất của trái phiếu Chính phủ hợp lý, phù hợp với mặt bằng chung của lãi suất các ngân hàng, tránh trường hợp các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thấy lãi suất của trái phiếu Chính phủ hấp dẫn sẽ không chú trọng cho vay sản xuất, kinh doanh mà lại dành nguồn lực lớn đầu tư mua trái phiếu Chính phủ thì sẽ không đạt được hiệu quả của chính sách như kỳ vọng.