Nâng cao kỹ năng lao động góp phần phục hồi kinh tế

GD&TĐ - Việc ưu tiên nguồn lực cho đào tạo nghề có vai trò quan trọng, góp phần tạo nguồn cung lao động chất lượng cao, có kỹ năng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Cần chuyển đổi số mạnh mẽ và thay đổi phương thức đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư. Ảnh minh họa
Cần chuyển đổi số mạnh mẽ và thay đổi phương thức đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư. Ảnh minh họa

Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, thị trường lao động và việc làm bị tác động và phân hóa mạnh mẽ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, trong 5 năm tới trên 80% doanh nghiệp gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc. Tỷ lệ tự động hóa lên tới 50%, và 1 tỷ lệ tương ứng người lao động cần được đào tạo lại, bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc.

Chính vì vậy, ông Trương Anh Dũng cho rằng, việc ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19 là việc hết sức cần thiết.

Bởi theo ông Dũng, 79% doanh nghiệp hiện nay không có khả năng ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5 - 2%.

Thậm chí nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế coi kỹ năng lao động là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ 21. Bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo ông Trương Anh Dũng, bốn đợt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vừa qua đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, quý III/2021 cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch khiến họ bị mất việc làm, giảm thu nhập.

Cũng trong quý này, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Từ tháng 7 đến giữa tháng 9 vừa qua có tới 1,3 triệu người rời khỏi các thành phố lớn về quê.

Trước thực trạng trên, đã có nhiều dự báo khác nhau về phục hồi kinh tế. Các kịch bản phục hồi và số liệu dự báo có thể khác nhau, nhưng chắc chắn khi nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì nhu cầu lao động có kỹ năng cao sẽ tăng. Trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề sẽ hiện hữu nếu như chậm tiến độ bao phủ vắc-xin. Cùng với đó là các cơ sở đào tạo chưa được mở cửa trở lại.

Ông Trương Anh Dũng cho rằng, trước mắt cần kéo dài ít nhất thêm 1 năm việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động. Nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây là nơi mà các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia không bao phủ.

Bởi thực tế vừa qua, nhiều lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông, kỹ năng chưa đáp ứng được sản xuất đã bị đào thải. Do đó, rất nhiều người đã mất việc, thất nghiệp và phải đào tạo kỹ năng phù hợp để chuyển đổi việc làm.

Theo ông Dũng, chính sách này sẽ thu hút được lượng lớn lao động đã về quê do mất việc, thất nghiệp… và đào tạo họ để họ quay lại các khu công nghiệp, các thành phố lớn đang thiếu hụt nhân lực trong thời gian ngắn nhất.

Chính sách này nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề lại ngày tăng cao khi đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam. Từ đó, doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng mới...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.