Tại cuộc họp bàn về phương án phòng chống bão số 5 của TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định, bão số 5 là cơn bão mạnh, đường đi hết sức phức tạp.
Ông Quảng đề nghị thành phố phải xây dựng phương án bão sẽ đổ bộ trực tiếp Đà Nẵng từ đó chuẩn bị cấp độ cao nhất, để khi có tình huống xấu xảy ra thì có phương án xử lý.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đây là việc chưa có tiền lệ vì vừa phải chống bão vừa chống dịch, đây là chuyện khó.
“Chúng ta có kinh nghiệm chống bão nhưng không được chủ quan. Cái khó lần này là vừa chống bão nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để lây nhiễm dịch bệnh trong lúc chống bão. Việc tổ chức lực lượng và quá trình di dân là vấn đề lớn, tôi đề nghị các sở ngành, địa phương và các lực lượng chủ động trong việc triển khai các biện pháp phòng chống bão", ông Quảng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Quảng yêu cầu các sở ngành các địa phương, nhất là các địa phương có nguy cơ cao như Sơn Trà, Liên Chiểu, Hòa Vang… tập trung phương án chống ngập úng. Bên cạnh đó, phải có tình huống chi tiết cho việc xử lý tình huống sạt lở đất.
Đặc biệt, ông Quảng lưu ý tại các khu cách ly y tế tập trung ở các cơ sở và trường học, bệnh viện dã chiến tại khu ký túc xá phía tây…nơi đây trống nên khi có bão gió sẽ rất nguy hiểm, đề nghị các địa phương có cơ sở cách ly tập trung và các sở ngành phụ trách lĩnh vực liên quan có trách nhiệm xây dựng phương án chống bão cụ thể.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị mở Âu thuyền Thọ Quang để đưa tàu thuyền vào tránh trú bão, mặc dù thời điểm này đang đóng và rất lo ngại về tình hình dịch nhưng vì sự an toàn của người dân lên trên nên phải mở âu thuyền. Xây dựng ngay phương án về đảm bảo an toàn chống dịch.
Cụ thể, khi tàu cá và ngư dân vào Bộ đội biên phòng phải kiểm soát, người ra vào phải xét nghiệm Covid-19. Trước mắt yêu cầu người dân ở trên tàu không cho xuống tàu, nhưng phải chuẩn bị phương án bố trí người dân lên bờ khi bão vào. Quận Sơn Trà phải có địa điểm để đưa ngư dân lên bờ để cách ly tập trung. Chúng ta phải xử lý như khi thực hiện việc cách ly y tế tập trung. Phải đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy khi neo đậu tàu...
"Các địa phương xây dựng chi tiết phương án, xác định rõ những nơi an toàn bố trí nhiều địa điểm để di dời dân, khi di dời phải thực hiện như phương án giãn dân trong vùng đỏ.
Tôi đề nghị xây dựng kịch bản chi tiết trong việc này trong bối cảnh phải đảm bảo về việc giãn cách trong quá trình di dời dân và các địa điểm bố trí dân ở. Nguyên tắc mỗi hộ gia đình phải được bố trí 1 phòng", ông Quảng đề nghị.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, quan điểm của TP là bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết. Chủ động triển khai hạn chế thiệt hại thấp nhất nếu có, thông tin phải kịp thời đến với người dân, sớm khắc phục, ổn định đời sống nhân dân…
Sở Y tế rà soát các khu phong tỏa, các khu cách ly để đảm bảo các điều kiện về phòng chống lụt bão. Khi bão vào, các hoạt động cơ bản phải dừng lại thì phải đảm bảo ăn uống hàng ngày tại các khu này, đảm bảo việc xét nghiệm người dân sơ tán.
Bên cạnh đó, tiến hành thu hoạch mùa vụ, chống sạt lở, kiểm tra hồ đập, hạn chế thấp nhất đuối nước xảy ra. Mỗi xã phường thành lập đội xung kích cơ động mà lực lượng ở đây là công an, quân đội, biên phòng, thanh niên… hỗ trợ cho những hộ gặp khó khăn, thiếu người, đi cách ly hoặc những khu phong tỏa.
Tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân trong vấn đề phòng chống lụt bão như giấy đi đường, mở các cửa hàng điện nước…