Thế nhưng, chưa đến ngày khai giảng, nhiều trường học đã tổ chức giảng dạy từ rất sớm, khoảng giữa cuối tháng 8 hàng năm. Nguyên nhân là do chương trình học quá nhiều nên một số nhà trường phải tổ chức học trước để học sinh có thể theo kịp chương trình.
Việc triển khai dạy học của nhà trường đã đi vào nề nếp, ổn định, học sinh thì đã làm quen với trường lớp, bạn bè…rồi mới tổ chức khai giảng đã làm giảm đi ý nghĩa, học sinh thì giảm đi sự hào hứng, phấn khởi.
Do đó, có ý kiến cho rằng việc duy trì ngày khai giảng liệu có cần thiết hay không? Vì khai giảng chỉ còn là thủ tục, hình thức, gây ra khó khăn cho học sinh như phải tập văn nghệ để biểu diễn; vẫy cờ chào đón đại biểu hoặc phải ngồi nghe những bài phát biểu dài lê thê mà chưa chắc các em đã hiểu…
Theo tôi, ngày khai giảng là ngày thiêng liêng cần phải được duy trì và phát huy bản chất tốt đẹp của nó. Bởi vì, ngày 5/9 chính là ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường (5/9/1945). Nội dung bức thư có đoạn: “Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày mở trường ở khắp nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”.
Cuối thư, Bác chúc: “Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”. Chính vì lẽ đó, mà ngành Giáo dục chọn ngày 5/9 hàng năm là ngày khai giảng năm học, nhà trường phải có trách nhiệm tổ chức buổi khai giảng thật long trọng, ý nghĩa, tạo nên ấn tượng đẹp cho học sinh.
Vì vậy, để ngày khai giảng thật sự ý nghĩa, cần phải nghiên cứu cắt giảm chương trình học của học sinh, không nên bắt học sinh học trước ngày khai giảng. Đồng thời, nhà trường cần phải duy trì, tổ chức buổi khai giảng một cách gọn nhẹ, thực chất, giảm bớt các thủ tục phiền hà. Khai giảng xong là triển khai ngay việc học. Có như vậy, ngày khai giảng mới thực sự là ngày hội của học sinh.