Để là thầy chứ không phải “thợ dạy”

GD&TĐ - Truyền thống tôn sư trọng đạo đã trở thành nét đẹp văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Cô và bé Trường MN chất lượng cao 20/10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hứng thú với hoạt động trải nghiệm.
Cô và bé Trường MN chất lượng cao 20/10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hứng thú với hoạt động trải nghiệm.

Trong quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước, vai trò, vị thế của người thầy một lần nữa lại được khẳng định trong Nghị quyết của Trung ương cũng như Luật Giáo dục. 

Nghị quyết số 29/NQ–TW đã xác định: Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT của Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ GV và cán bộ quản lý là khâu then chốt; “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Luật Giáo dục năm 2019 cũng đã quy định rõ: “Nhà giáo có vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh”. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá rất cao vai trò, vị trí của nhà giáo trong mối quan hệ đối với xã hội và sự nghiệp giáo dục.

Với sứ mệnh “trồng người”, nhà giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền bá kiến thức, kỹ năng, mà còn góp phần hình thành và phát triển nhân cách người học. Thông qua việc dạy học người thầy đã “gieo mầm” những phẩm chất tốt đẹp, tạo dựng cho người học thái độ và năng lực nghề nghiệp cần thiết để trở thành người có ích cho xã hội. Bởi vậy, hình ảnh người thầy không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn thể hiện lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực.

Đóng góp công sức nhiều nhất vào những thành quả giáo dục nước nhà luôn có dấu ấn của những người thầy. Mỗi nhà giáo bằng những cách khác nhau đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Trong đó nhiều thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những thầy cô đang là giảng viên tại các trường đại học hàng đầu hay tại các trường dành cho trẻ khuyết tật.

Dạy và học trong thời kỳ bị tác động của những mặt trái kinh tế thị trường và cả những áp lực xã hội lên giáo dục nhưng hầu hết đội ngũ CBQL, GV đều giữ được phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Đội ngũ CBQL giáo dục đã tham mưu tích cực, hiệu quả cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng các chính sách cán bộ, GV, HS phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội địa phương.

TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Nhà giáo quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục”

Nhà giáo là một trong hai chủ thể quan trọng của hoạt động dạy - học, GD-ĐT và là chủ thể quan trọng nhất, quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục. Vì vậy, nhà giáo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 29 của BCH T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Để nhà giáo thực hiện được vai trò, sứ mệnh trong quá trình mang tri thức đến cho học trò, đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước thì đầu tiên đội ngũ nhà giáo phải được đào tạo tốt. Bắt đầu từ việc tuyển đầu vào trường sư phạm phải bảo đảm nguồn thí sinh có chất lượng, tiếp đến là quá trình đào tạo trong trường sư phạm cũng phải kịp thời đổi mới, không chỉ là dạy giáo sinh kiến thức mà là dạy phương pháp làm chủ tri thức của nhân loại để sau này các thầy cô giáo có thể tự tiếp tục hoàn thiện, bồi dưỡng nâng cao trình độ trong quá trình giảng dạy. SV sư phạm cần được đào tạo theo nhu cầu sử dụng của các địa phương, nhà trường, từng cấp học, môn học, ra trường cần được sử dụng tốt.

Điều kiện làm việc, chế độ lương gắn với thu nhập của GV phải thỏa đáng. Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII đã xác định lương của nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương của viên chức nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được. Đây là một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, vì ngành Giáo dục có đặc thù: Sản phẩm tạo ra là những chủ nhân tương lai của đất nước, trách nhiệm của GV rất nặng nề và nhiều áp lực. Họ cần được hưởng những đãi ngộ xứng đáng có thể yên tâm dốc toàn tâm, toàn sức cho sự nghiệp…

Về phía ngành Giáo dục, các nhà trường, các địa phương cũng cần đổi mới cách thức quản lý, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo môi trường giáo dục văn hóa, chuẩn mực để đội ngũ GV tâm huyết cống hiến, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ dạy học. Đứng trước yêu cầu đổi mới, bản thân các thầy cô giáo không thể chỉ tự làm hết trách nhiệm của mình mà cần sự cộng tác, phối hợp của các tổ chức, lực lượng khác trong xã hội, trong hệ thống chính trị…

GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: “Nhà giáo không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn dạy bằng nhân cách của mình”

Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều yêu cầu cao hơn về mục tiêu và yêu cầu cần đạt tất yếu đội ngũ GV phải có năng lực nghề nghiệp cao hơn mới bảo đảm chất lượng. Để có được đội ngũ đó phải có chế độ thu hút người giỏi vào sư phạm. Đồng thời với đó, chương trình đào tạo, phương thức đào tạo của trường sư phạm cũng phải đổi mới theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học. Chuyển từ việc dạy đơn lẻ từng nội dung, từng môn học sang dạy tích hợp các chuyên ngành khoa học với nhau.

Thời gian vừa qua có một số hiện tượng gây bức xúc cho dư luận xã hội. Có thể nói, ngành nào người xấu cũng gây bức xúc nhưng những ngành như Sư phạm, Y - những ngành giao tiếp với con người nhiều nhất, đòi hỏi người làm thầy phải là những người có tư cách phẩm chất đạo đức tốt thì khi có sự việc tiêu cực xảy ra thường tác động lớn đến dư luận xã hội. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo luôn có sự đòi hỏi cao nhất về nhân cách. Nhà giáo không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn dạy bằng nhân cách của mình. Vì yêu cầu cao của ngành như vậy cho nên những hiện tượng đó (thực ra không nhiều) khiến xã hội bức xúc hơn những ngành khác và trở thành hệ trọng. Môi trường sư phạm được coi là nơi xanh-sạch-đẹp, văn hóa, thanh lịch, mẫu mực mà lại có những sự việc như vậy xảy ra là điều khó chấp nhận. Do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để nhà trường phải là nơi “vô trùng” nhất.

Giải pháp có nhiều từ việc tuyển đầu vào như thế nào, đào tạo ra sao, rồi đến việc tuyển dụng, môi trường quản lý, điều kiện làm việc, cơ chế chính sách… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì việc mà ta cần “chữa” ngay là phải xây dựng được một tập thể sư phạm vững mạnh và đây phải là nhiệm vụ quan trọng nhất trong nội dung quản lý của hiệu trưởng. Phải tạo được một môi trường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, kiểm soát lẫn nhau. Có nghĩa là phải bắt đầu từ chính các cơ sở giáo dục, nơi các nhà giáo trực tiếp làm việc. Một môi trường sư phạm lành mạnh có sự tương tác lẫn nhau giữa GV với GV, giữa người quản lý và GV, GV với học sinh, GV với phụ huynh sẽ tạo nên được luồng thông tin nhiều chiều và có tác dụng tích cực trong xây dựng nhà trường; ngăn chặn được những sự việc liên quan đến đạo đức nhà giáo.

Việc thực hiện quy chế dân chủ trong các nhà trường cũng cần được quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc. Qua đó, tăng tính phản biện, giám sát của nhà giáo trước các hoạt động của nhà trường. Thực tế cho thấy, thực hiện tốt dân chủ trong nhà trường sẽ phát huy quyền được làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của hiệu trưởng, nhà giáo, người học, đội ngũ cán bộ, viên chức trong nhà trường theo luật định, góp phần xây dựng nền nếp, trật tự, kỷ cương trong mọi hoạt động của nhà trường, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực không đáng có xảy ra…

Phụ huynh và học sinh luôn gửi trọn niềm tin vào nhà giáo.
Phụ huynh và học sinh luôn gửi trọn niềm tin vào nhà giáo.

TS Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương: “Thầy giáo là người đồng hành tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS”

Người thầy giáo bao giờ cũng được xã hội tôn vinh. Trong mọi thời đại người thầy giáo là yếu tố quan trọng bậc nhất tạo ra những lớp người có ích cho xã hội. Trong điều kiện hiện nay, vị trí vai trò của người thầy cần xác định ở tầm quan trọng hơn nữa. Trước kia vai trò của người thầy là người truyền thụ kiến thức thì bây giờ người thầy là người đồng hành tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS. Người thầy ngày nay đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn sâu, nhân cách tốt, kỹ năng giỏi, có những hành vi ứng xử tốt để vừa có khả năng truyền thụ kiến thức vừa có khả năng cảm hóa xây dựng nên nhân cách cho người học theo mô hình nhân cách định hướng giá trị xã hội. Do đó, vai trò của người thầy luôn luôn rất quan trọng.

Đại đa số các thầy cô giáo đều rất tốt, bởi các thầy cô giáo mà không thực sự yêu nghề, yêu trẻ thì không có nền giáo dục của chúng ta như hiện nay. Tuy nhiên, trong số đó cũng còn một số ít GV chưa xứng đáng với phẩm chất, đạo đức của người thầy. Mặc dù chỉ là thiểu số nhưng sức tàn phá của người xấu lại rất ghê gớm và cùng với sự phát triển của truyền thông, những hình ảnh người thầy giáo không tốt sẽ lan rất nhanh và gây ra hiệu ứng xấu trong xã hội. Do đó, chúng ta cần phải tuyên truyền, tôn vinh nhiều tấm gương tốt để định hướng dư luận xã hội.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT: “Người thầy trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải có quyền uy và sự bao dung”

Chúng ta cần phải tạo ra được những nhà trường dạy học kiến tạo. Chúng ta chỉ có thể có được nhà nước kiến tạo khi trong lòng nó có một nền giáo dục kiến tạo. Cái lõi của Nhà nước kiến tạo là nền giáo dục kiến tạo. Nhưng muốn có nền giáo dục kiến tạo phải có nhà trường kiến tạo. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sau này cách mạng công nghiệp lần thứ 5, lần thứ 6… cũng vậy phải có dạy học kiến tạo.

Vậy, dạy học kiến tạo là gì? Trong dạy học kiến tạo thầy là người cố vấn, trò là người khám phá. Thầy chủ đạo, trò chủ động (tự phục vụ và tự học). Chúng ta hay nói sản phẩm của giáo dục là tạo ra khả năng bắt chước – khả năng tái hiện – khả năng tái tạo – khả năng sáng tạo. Đầu tiên là phải biết bắt chước, nhưng bên cạnh bắt chước thì phải có sự sáng tạo. Không phải học một cách máy móc. Nói như vậy còn phải nhấn mạnh “Tiên học lễ hậu học văn”. Học trò ngày nay rất khả úy, rất đáng nể trọng. Người thầy trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải có quyền uy và sự bao dung. Nếu người thầy quá ân thì học trò sẽ nhờn, nhưng nếu uy quá thì học trò sẽ bị “thui chột” khả năng sáng tạo, vì vậy người thầy phải có ân – uy hài hòa mới tạo ra được lớp HS sáng tạo. Người thầy nào cũng phải có sư đạo – sư đức và sư thuật. Lao động người thầy cho đúng với người thầy có đủ “Tam sư” như đã nói ở trên là vô cùng vất vả. Vì vậy, cơ chế chính sách cần phải thực sự tôn vinh được người thầy vì người thầy chịu sức ép rất lớn. Có sư đạo, sư đức nhưng không có sư thuật thì cũng không thể truyền lửa được cho học trò và ngược lại.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội): “Điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn mới theo hướng phát triển năng lực”

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực đòi hỏi GV cũng phải có năng lực vì vậy, các cơ sở đào tạo GV cần phải điều chỉnh chương trình đào tạo để có thể đáp ứng được chuẩn mới theo hướng phát triển năng lực, đặc biệt là tăng cường các kỹ năng.

Bên cạnh đó, để đào tạo HS đáp ứng được yêu cầu hội nhập đặc biệt là trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã quy định phải có 5 phẩm chất, 10 năng lực trong đó có 3 năng lực chung là năng lực tự học tự chủ, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực giao tiếp và hợp tác. Như vậy trong chương trình đào tạo GV cũng phải đổi mới phương pháp dạy học để SV sư phạm hình thành các kỹ năng, năng lực đó cũng như phải ứng dụng CNTT vào đào tạo đáp ứng được sự phát triển cũng như tiến bộ về công nghệ hiện nay.

Ngoài ra, phải có sự kết nối với các cơ sở sử dụng, ở đây chính là các trường phổ thông để cho SV ngay từ năm thứ 2 đã được thực hành nghề nghiệp, biết được công việc giảng dạy trong tương lai đòi hỏi những kỹ năng, yêu cầu gì, giúp các em có một trải nghiệm nghề nghiệp tốt nhất. Hiện nay các trường đều nhấn mạnh về đào tạo kỹ năng.

Phát triển chương trình GDPT theo định hướng phát triển năng lực tức là mong muốn HS giải quyết được các vấn đề thực tiễn, điều đó đòi hỏi SV sư phạm, những GV tương lai cũng phải hình thành năng lực để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Các năng lực giải quyết thực tiễn thường không sử dụng kiến thức riêng lẻ trong một môn học mà sẽ là các kiến thức liên môn. Như vậy chương trình đào tạo của các nhà trường cũng phải hướng tới việc đào tạo tích hợp liên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.