Cách đánh giá chi phối, tác động đến toàn bộ quá trình dạy và học, quyết định chất lượng, hiệu quả dạy học Ngữ văn; vì thế không thể không đổi mới kiểm tra - đánh giá, nhất là khi đã thực hiện Chương trình GDPT 2018.
1. Một số ưu điểm trong việc ra đề kiểm tra - đánh giá
Giáo dục phổ thông trong 20 năm đầu thế kỉ 21, với việc đổi mới chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết số 40 của Quốc hội khóa 10 đã kéo theo các thay đổi lớn, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.
Khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, thực hiện đổi mới CT và SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa 13, Bộ GD&ĐT không chỉ xây dựng và ban hành Chương trình GDPT mới (2018), mà còn đẩy mạnh đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực và kiểm tra - đánh giá dựa trên chuẩn kiến thức - kĩ năng ngay với CT hiện hành.
Trong môn học Ngữ văn, nội dung, phương pháp, công cụ và cách thức kiểm tra, đánh giá đã đa dạng hơn. Nhìn một cách tổng quát, việc đổi mới trong việc ra đề kiểm tra ở môn Ngữ văn có các điểm đáng ghi nhận sau đây:
Một là, yêu cầu học sinh (HS) viết bài nghị luận xã hội (NLXH). Các đề kiểm tra NLXH đã đáp ứng được yêu cầu giáo dục tư tưởng, tình cảm, thái độ, nhân cách của HS.
Dù muốn hay không trước một hiện tượng đời sống hay một tư tưởng, đạo lí, HS đều phải suy nghĩ và trình bày suy nghĩ của mình. Không chỉ thế, các đề NLXH rất đa dạng, không có trong SGK; không thể học tủ, học thuộc và chép lại văn mẫu…
Vì thế, đề NLXH có thể đánh giá khá chính xác trình độ, năng lực của HS. Đây là một yêu cầu rất quan trọng trong việc đánh giá kết quả học Ngữ văn theo quan niệm: Cái đích đến cuối cùng của văn học chính là cuộc đời; kết quả học văn thể hiện rõ nhất ở những suy nghĩ, cách sống và hành vi ứng xử nhân văn. Các đề thi vào đại học của Trung Quốc nhiều năm gần đây rất chú ý hướng này.
Hai là, các dạng đề văn rất phong phú về cách hỏi và hình thức trình bày. Biểu hiện rõ nhất là đề ra theo hướng mở, khuyến khích được suy nghĩ sáng tạo, gợi ra nhiều hướng tiếp cận, lí giải; nêu lên được cách nhận xét, đánh giá khác nhau. Nhiều đề văn trình bày theo hướng kết hợp kênh hình và kênh chữ, (như một văn bản đa phương thức) yêu cầu người viết hình dung, tưởng tượng và đưa ra ý kiến của cá nhân. Đây cũng là hướng nên khuyến khích, ủng hộ để việc ra đề ngày càng hay hơn, phát huy được sự sáng tạo của cả người ra đề và người viết bài.
Ba là, cấu trúc nội dung và yêu cầu của các đề thi, kiểm tra đã khá toàn diện, đánh giá được các năng lực chính của môn học. Ngoài NLXH, có yêu cầu viết nghị luận văn học (NLVH); ngoài yêu cầu viết có yêu cầu đọc hiểu, thường là đọc hiểu một văn bản thông tin. Đọc hiểu và viết là hai yêu cầu có liên quan mật thiết với nhau nhưng không phải là một.
Bốn là, như một hệ quả của ba đổi mới trên, việc chấm bài và xác định kết quả viết của HS ngày một chính xác, đúng với mục tiêu đánh giá hơn. Ra đề khuyến khích HS phải suy nghĩ; không chép được văn mẫu, học thuộc không có tác dụng gì… sẽ đo được chính xác, khách quan hơn năng lực thực của người học; giáo viên (GV) dễ chấm bài; khác với việc ra theo kiểu chỉ kiểm tra trí nhớ, học thuộc tài liệu...
2. Những hạn chế, bất cập cần khắc phục
Phần trên đã nêu lên bốn ưu điểm chính của việc đổi mới ra đề kiểm tra - đánh giá ở môn Ngữ văn những năm gần đây. Tuy nhiên cần phải thấy, trong cả bốn ưu điểm trên vẫn còn những hạn chế cần điều chỉnh, khắc phục.
Chẳng hạn, nhiều đề văn đề cập những vấn đề chưa phù hợp, thể hiện thị hiếu thấp, nêu lên các hiện tượng chưa tiêu biểu; nhiều đề mở đến “vô bờ bến” mà đáp án lại “đóng”. Các câu hỏi đọc hiểu còn vụn vặt, nhàm chán; quá nhiều câu hỏi trong một thời gian ngắn; khó đánh giá được tư duy tổng hợp; một số đề lạm dụng và dùng kênh hình không phù hợp…
Ngoài các hạn chế vừa nêu, cần chỉ ra một hạn chế rất lớn của đề thi, kiểm tra Ngữ văn trong suốt mấy chục năm qua. Đó là yêu cầu viết NLVH. Phần lớn đề thi NLVH chỉ chú trọng việc học thuộc, tạo điều kiện để HS chép văn mẫu do đề ra chỉ tập trung vào một số văn bản (tính trên đầu ngón tay) trong SGK Ngữ văn.
Mà tất cả các văn bản - tác phẩm này đã được giải sẵn, có sẵn trên mạng cũng như tràn lan trong nhiều cuốn sách tham khảo. Tất cả yêu cầu cảm thụ, cảm nghĩ, phân tích… một câu, một khổ, một đoạn hay cả bài thơ/văn đều đã được “mổ xẻ” rất kĩ. Và tất cả đều có thể chép vào bài văn để nộp… Các thầy cô giám khảo chỉ việc chấm lại văn của chính mình và tác giả các bài văn mẫu.
Cần nhấn mạnh rằng, cách hiểu “thi đúng CT là bắt buộc phải ra đề trong mấy tác phẩm đã học trong SGK” là cứng nhắc, chưa đúng. CT và chuẩn CT 2006 đã chủ trương dạy cách đọc, thông qua một số tác phẩm tiêu biểu để hình thành cho HS: Biết đọc các văn bản theo đặc điểm thể loại (xem chuẩn CT Ngữ văn 2006, từ trang 126 - 128, NXB GD 2006).
Hệ quả là việc thi, kiểm tra hạn chế sự sáng tạo của cá nhân, khuyến khích việc học thuộc, chỉ chép lại văn mẫu, thiếu công bằng trong đánh giá; đặc biệt hạn chế việc đổi mới phương pháp dạy học; làm HS chán học; GV giỏi chán dạy, tạo điều kiện cho các lớp luyện thi và bán sách văn mẫu… Thử hỏi có bao nhiêu HS thực sự nêu được cảm nhận và ý kiến của riêng mình? Lỗi không phải do các bài văn mẫu. Có cầu thì sẽ có cung.
3. Để thay đổi việc ra đề thi, kiểm tra đánh giá
Đã 6 - 7 năm qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực. Bài kiểm tra Ngữ văn chủ yếu là dạng đọc hiểu và viết; tức là xem HS đọc có hiểu không, có biết viết 1 kiểu văn bản nào đó; chứ không tập trung vào việc nhớ nhiều, thuộc nhiều và chép được nhiều...
Do mục tiêu nêu trên, nhất là với CT 2018 có nhiều bộ sách Ngữ văn, nên kiểm tra, thi cử không thể dựa vào nội dung cụ thể của 1 bộ sách để ra đề. Đề kiểm tra cần dựa vào yêu cầu cần đạt của CT. Ngay đối với CT 2006 cũng hoàn toàn có thể vận dụng giải pháp của CT 2018. Việc ra đề thi yêu cầu HS viết về một tác phẩm chưa học trong SGK đã từng được thực hiện nhiều trong các kì thi cách đây nửa thế kỉ và được coi là rất bình thường, không ai thắc mắc cả.
Chỉ vài ba năm nữa thôi, năm học 2024 - 2025, HS cả nước sẽ thi hết lớp 9 và lớp 12 theo CT 2018. Vì thế cần coi giai đoạn này là lúc chuyển giao, cần bật “xi-nhan” để mọi người biết, trước khi cỗ xe chuyển hẳn sang hướng kiểm tra - đánh giá mới.
Trước hết cần khắc phục những hạn chế còn tồn tại đã nêu, từ cách ra đề NLXH đến các câu hỏi đọc hiểu, đề mở và đề theo dạng đa phương thức. Đặc biệt cần mạnh dạn thay đổi cách kiểm tra viết bài NLVH. Như đã nêu, CT 2006 đã cho phép thực hiện việc kiểm tra - đánh giá như yêu cầu của CT 2018:
“Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, độ khó...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của HS, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học” (CT Ngữ văn 2018, trang 86).
Cần có nghiên cứu, trao đổi giữa các chuyên gia với cơ quan chỉ đạo dạy học và khảo thí để có một cấu trúc đề thi hợp lí. Chẳng hạn với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, do thời gian làm bài có hạn, nên đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản văn học cần tích hợp với yêu cầu viết bài NLVH; đánh giá năng lực đọc hiểu các loại văn bản khác tích hợp với viết NLXH. Về yêu cầu viết, nên cho HS tự chọn: Viết NLVH hoặc NLXH.
Trong đó, bài NLVH yêu cầu HS hoặc phải vận dụng tổng hợp kiến thức văn học để giải quyết vấn đề hoặc yêu cầu phân tích, cảm nhận 1 bài/ đoạn thơ, văn chưa được học… Cần hiểu ngữ liệu mới là các văn bản tương đương (thể loại, đề tài, chủ đề, độ khó…) chứ không phải là 1 văn bản hoàn toàn xa lạ với HS.
Để thực hiện thay đổi này, ngay từ đầu năm học này (tháng 9/2021), Bộ GD&ĐT cần thông báo ngay về việc thay đổi cách kiểm tra đánh giá với môn Ngữ văn trên nhiều phương tiện thông tin, ít nhất là trong thông báo triển khai năm học mới và những điểm thay đổi về thi cử, tuyển sinh đối với HS các cấp, đặc biệt lớp 9 và 12.
GV toàn quốc cần biết việc thay đổi này và cần làm cho xã hội, nhất là các bậc phụ huynh HS hiểu. Thay đổi như thế không gây thiệt thòi cho HS mà trái lại hết sức công bằng: Đánh giá đúng được năng lực của những HS khá giỏi. Thay đổi ấy sẽ triệt tiêu và hạn chế được nạn chép lại văn mẫu, tổ chức học thêm, dạy tủ, đoán mò…