Để không còn nỗi đau

GD&TĐ - Hè đến, những câu chuyện đau lòng về học sinh đuối nước khiến chúng ta không khỏi xót xa. Các em ra đi khi còn cả chặng đường dài phía trước. Những người ở lại - cha mẹ, thầy cô và bạn bè chết lặng trong nỗi đau thương. 

Trường THCS Vĩnh Ninh - nơi cùng lúc có 4 học sinh đuối nước thương tâm. Ảnh: T.G
Trường THCS Vĩnh Ninh - nơi cùng lúc có 4 học sinh đuối nước thương tâm. Ảnh: T.G

Buổi chiều định mệnh

Những ngày qua, tin về HS bị đuối nước liên tục được cập nhật trên phương tiện thông tin đại chúng. Đó là những buổi chiều định mệnh, do được nghỉ học nên các em rủ nhau đi tắm sông. Chẳng ai ngờ đó cũng là buổi học cuối cùng của một số em trong khi bài vở còn dang dở.

Sau vụ 8 HS đuối nước ở Hòa Bình, thầy trò Trường THCS Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) lặng đi khi nhận hung tin 4 HS lớp 7B đuối nước trên dòng sông Mã.

Cô giáo Vũ Thị Yến - chủ nhiệm lớp 7B, cho biết: “Chuyện xảy ra quá bất ngờ và đau lòng. Chỉ trong chốc lát, lớp học mất đi bốn học trò, trong đó 3 nữ và 1 nam. Học trò của tôi ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và rất lễ phép. Cả bốn em đều có hoàn cảnh khó khăn, éo le lắm. Mỗi khi lên lớp, nhìn vào chỗ ngồi của bốn học sinh, tôi lại khóc”.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Ninh Ngô Thị Toán, nhà trường thường xuyên đề nghị phụ huynh động viên cho con em mình học bơi ở các câu lạc bộ, thế nhưng một thực tế là nhiều gia đình vẫn còn khó khăn trong cuộc sống, nên không đủ điều kiện và kinh phí cho con em mình học bơi. “Năm học 2017 - 2018, nhà trường cũng đã tổ chức cho học sinh đăng ký học bơi vào những tháng hè, tuy nhiên số lượng các em tham gia rất ít vì điều kiện cuộc sống gia đình và nhận thức của phụ huynh học sinh cũng chưa cao” - bà Toán nói.

Làm gì để giảm đuối nước?

Ông Cao Văn Bình - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), cho biết: Hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện đều tổ chức kiểm tra tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Qua kiểm tra, cho thấy 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đều thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên về việc phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh.

Cũng theo ông Bình, dự kiến khi kết thúc năm học 2018 - 2019, Phòng GD&ĐT huyện sẽ tổ chức Hội thảo về phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước cho học sinh. Theo đó, Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên, Phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa Thể thao, Công an huyện và mời các doanh nghiệp có bể bơi trên địa bàn huyện tham dự. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo phòng chức năng mở lớp tập huấn cho giáo viên các trường học trên địa bàn (ít nhất mỗi trường 1 giáo viên tham gia) và mời vận động viên bơi lội về giảng dạy cho giáo viên...

Sở GD&ĐT Thanh Hóa có văn bản về việc: “Tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước HSSV dịp hè 2019”. Theo đó, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các sở, ban, ngành cần tập trung chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ em; xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn cho trẻ em”. Tăng cường quản lý các công trình văn hoá, thể dục, thể thao, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, nhất là phối hợp tổ chức dạy bơi cho trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ văn hoá, thể thao và du lịch về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về bơi cho đội ngũ giáo viên thể dục tại các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh; khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao trên địa bàn, trong đó có các bể bơi, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh được học bơi; đồng thời khuyến khích, vận động cha mẹ học sinh cho con em tham dự các lớp học bơi trong dịp hè. Rà soát, cảnh báo nguy hiểm tại những công trình giao thông xuống cấp, hệ thống cầu, cống bắc qua sông, suối ở các vùng khó khăn. Rà soát cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em, đặc biệt về điều kiện hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội.

Đặc biệt, đối với các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường chỉ đạo các nhà trường thực hiện duy trì việc hàng ngày dành từ 3 - 5 phút các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo học sinh trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà, thời gian được nghỉ học, nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; tuyệt đối không rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng; khuyến khích các nhà trường huy động các nguồn lực để mở các lớp dạy bơi cho học sinh.

Chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ hè. Kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, bão, lũ..., nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Ở Thanh Hóa, mỗi năm trong kỳ nghỉ hè, đều xảy ra tình trạng học sinh đuối nước rất thương tâm. Trong khi đó, năm nào người đứng đầu ngành Giáo dục của tỉnh cũng ký ban hành văn bản gửi về các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố và các cơ sở giáo dục về việc “Tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh, sinh viên trong dịp hè”. Tuy nhiên, tình trạng đuối nước xảy ra ở lứa tuổi học sinh, sinh viên vẫn chưa có chiều hướng giảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.