Chính quyền khó kiểm soát
Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, Hà Tĩnh là địa phương có nhiều lao động đi xuất khẩu lao động bằng con đường chính thức. Tuy nhiên còn một lượng người đi theo con đường không chính thức, thường từ người đi trước ở lại, sau đó đưa người nhà, người thân sang bằng con đường du lịch, thăm người thân… rồi tìm cách ở lại.
Theo đại biểu, đây là vấn đề rất khó kiểm soát vì những người này không phải đi từ Việt Nam, có thể họ đi từ những nước thứ ba nên địa phương không quản lý được thời gian họ đi.
Trước thông tin những người đi lao động xuất khẩu thường rơi vào gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, thực tế không như vậy. Nhiều người họ không khó khăn, trong số này, có những người đã sang lao động ở Pháp, Đức nên họ có thu nhập, do vậy kinh tế gia đình hiện tại cũng khá.
Đại biểu Gia thông tin thêm, nhiều người nói, những người sang Anh theo con đường bất hợp pháp chủ yếu làm việc phi pháp, thường phải sống chui lủi. Do đó, việc quản lý đối tượng này rất khó. Vì vậy nếu nói việc này là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương thì vô cùng khó.
Để hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra cho những người đi xuất khẩu lao động chui, đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh, chỉ có cách đẩy mạnh tuyên truyền. Tuyên truyền từ chính những người đã từng làm việc ở bên đó về thì người dân mới hiểu ra.
Đại biểu Trần Đình Gia, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh |
Không nên đánh đổi bằng tính mạng
Còn theo đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), mặc dù Việt Nam đã ký kết với 50 thị trường lao động nhưng vẫn còn nhiều người lao động vượt biên trái phép, điển hình là thời gian qua đã xảy ra sự việc đau lòng.
Thực tế có hiện tượng đi xuất khẩu lao động không chính ngạch, nôm na là lao động chui, nhập cảnh trái phép. Thực tế có yếu tố thị trường lao động tác động, khu vực nào trả thu nhập cao thì người lao động hướng tới đó. Tuy nhiên, hợp tác lao động chưa thực sự có nhiều luận lợi nên người dân mới phải tìm đến con đường phi chính ngạch để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Theo đại biểu, mặc dù trong thời gian vừa qua, nước ta có nhiều cố gắng, mở ra nhiều thị trường lao động và người lao động đã mang về cho nhà nước nhiều khoản ngoại tệ lớn; nhưng một số thị trường có số đông lao động, mức thu nhập không còn hấp dẫn như trước nữa, thậm chí chỉ xấp xỉ như trong nước.
Vì thế người lao động tìm đến thị trường được trả lương cao hơn, trong khi các hiệp định lao động của nước ta đối với thị trường ấy chưa được hoàn thiện.
Để khắc phục vấn đề này, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, một mặt các cơ quan chức năng của Nhà nước phải tăng cường đàm phán các ký kết hiệp định để người lao động đàng hoàng tham gia vào chính ngạch thị trường lao động đấy, có quản lý trật tự, an toàn hiệu quả; một mặt hệ thống các tổ chức dịch vụ đưa người lao động xuất khẩu cũng cần nắm bắt nhu cầu người lao động để mở ra thị trường mới, đưa những người có nhu cầu, có khả năng tiếp cận với thị trường có thu nhập cao.
Đối với người lao động phải cân nhắc, cẩn trọng, không mạo hiểm sinh mệnh của mình để đi xuất khẩu lao động chui, bất hợp pháp bởi thứ nhất là vi phạm pháp luật của người nước ngoài; thứ hai vi phạm luật pháp của Việt Nam.