Con lười học – Bố mẹ stress
Đã bước vào học kỳ 1 của năm học mới một thời gian dài Quang - con trai chị Huyền luôn khó khăn khi phải ngồi vào bàn học. Mỗi buổi ngồi học ôn bài tại nhà vào buổi tối dù chỉ trong vòng 30 phút đến 1h đồng hồ nhưng Quang luôn diễn theo môtíp quen thuộc: 10 - 15 phút lại kêu đau đầu, gục mặt xuống bàn nghỉ.
Hết đau đầu Quang lại kêu đau bụng đòi đi vệ sinh. Khi bé ngồi học mà bố mẹ không để mắt tới là lại ngồi gọt tất cả số bút chì trong hộp bút cho dù bút không bị gẫy.Với nhiều chiêu áp dụng chống lại việc học nên mỗi buổi học ở nhà vào buổi tối của bé gần như không có kết quả mà bố mẹ lại cảm thấy bực mình, stress vì luôn phải nhắc nhở, theo sát kèm cặp.
Bé Linh (Ba Đình – Hà Nội), một học sinh lớp 3 khá nhanh nhẹn hoạt bát trong vui chơi và các hoạt động hàng ngày. Thế nhưng chuyện học bài thường xuyên rơi vào tình trạng “đánh vật”. Linh thường xuyên viết thiếu bài ở lớp, bài kiểm tra cũng không làm hết mà tự ý bỏ dở.
Ngày nào đi học về bố mẹ cũng phải kiểm tra vở và thông báo trên lớp của Linh để nắm bắt tình hình. Mẹ bé cũng phải thường xuyên mượn vở của các bạn trong lớp để phô tô lại giúp con theo kịp. Cô giáo đã nhiều lần nhắc nhở, uốn nắn Linh nhưng sự chậm chạp vẫn không được khắc phục.
Hễ cô giáo đứng cạnh thì em học, quay sang bạn khác thì bé lại dừng bút. Bố mẹ Linh tâm sự, đến đón con là rơi vào tình trạng ngượng với cô giáo và thực sư mệt mỏi mỗi khi đến giờ kèm con học buổi tối. Giữa chơi và học bé là một đứa trẻ khác hoàn toàn.
Muôn kiểu lười học, sợ học đó là những phàn nàn thường thấy trên các diễn đàn làm cha mẹ cho dù năm học mới chỉ bắt đầu. Một phụ huynh chia sẻ: ngay cả khi kỳ thi học kỳ cận kề mà con chị vẫn không muốn ôn tập.
Lần lữa, hứa hẹn mỗi khi mẹ nhắc học nhưng sau đó chỉ thích chơi, học hành qua loa đối phó. Thậm chí, nhiều bé rơi vào tình trạng dù đi học đầy đủ ở lớp nhưng vở chỉ chép được vài dòng, bài vở ở lớp chẳng khi nào làm đủ.
Ngồi vào bàn học, lại ngồi thừ người ra, nhắc nhở hay nhẹ nhàng hay dọa nạt đều không mấy tiến bộ. Chả nhẽ ngày nào cũng mắng rồi nín nhịn nịnh nọt. Đôi khi cảm thấy bất lực vì con không chịu học…
Hiện tượng trẻ lười học, ngại học, sợ học… có đáng quan ngại không? Các nhà tâm lý học đã chỉ ra: Khi trẻ bắt đầu đến trường học thường chưa hiểu hết ý nghĩa và mục đích của việc học. Do đó chúng cảm thấy học rất khó, làm bài tập về nhà, bài kiểm tra một cách chiếu lệ.
Những trẻ lười học và các em chỉ muốn vui chơi, xem tivi, nghịch ngợm cùng bạn bè. Còn đa số các phụ huynh đều uốn con mình theo hướng học hành từ rất sớm, đích cao nhất mà cha mẹ thường hướng con tới đó là phải vào được đại học.
Quan điểm này đã lỗi thời bởi trong xã hội ngày nay có rất nhiều người mặc dù học vấn không cao nhưng vẫn thành đạt. Và thực tế các thiên tài đã ghi dấu trong lịch sử, văn học, nghệ thuật, khoa học của thế giới cũng có một thời lười học.
Tất cả họ đều có thời niên thiếu đầy biến cố, lạ lùng và hấp dẫn. Khi niết ra điều này không phải để khuyến khích sự nghịch ngợm lười biếng học tập cho các bé mà thông điệp ý nghĩa các nhà tâm lý học muốn chuyển đến cha mẹ đó là: để con trẻ hết lười học và có kết quả tốt hơn trong học tập thay vì cha mẹ quá lo lắng, tạo áp lực học tập hãy tìm ra những phương pháp giáo dục phù hợp. Chỉ có như vậy mới giúp trẻ tiến bộ và phát triển một cách toàn diện.
Cần phương pháp học tập phù hợp
Trẻ không muốn học luôn trở thành đề tài, vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ phiền lòng. Ham học và thích học chính là nguồn động lực để học tập có kết quả, đặc biệt đối với những bé ở bậc tiểu học. Chỉ khi muốn học, trẻ mới có thể học một cách chủ động và hiệu quả. Vậy làm sao để cháy lên niềm ham học hỏi ở trẻ luôn là bài toán khó giải đòi hỏi sự kiên nhẫn của người làm cha mẹ.
Lời khuyên từc các chuyên gia giáo dục rằng phụ huynh nên chỉ dẫn và khơi dậy niềm ham học hỏi của trẻ từ nhỏ. Cha mẹ cần chỉ dẫn và khơi dậy niềm ham học hỏi cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Trẻ từ 3-5 tuổi thường xuyên hỏi những câu như: Tại sao? Vì sao? Đây là cái gì?... Khi đứng trước hàng trăm câu hỏi của trẻ, cha mẹ không nên to tiếng, bực mình hay mất kiên nhẫn. Thực tế, những câu hỏi này là bằng chứng cho sự ham học hỏi điều mới của trẻ.
Đứng trước những câu hỏi này cha mẹ không còn cách nào khác mà hãy kiên nhẫn giải thích bằng ngôn từ dễ hiểu. Nếu trẻ không đặt câu hỏi thì cha mẹ cũng nên chủ động dạy trẻ về những điều đó, không nên cho rằng trẻ còn quá nhỏ, nghe không hiểu. Không nên coi nhẹ sự giáo dục trẻ khi còn nhỏ.
Việc dạy cho trẻ hiểu học tập là nghĩa vụ mà trẻ nên làm cũng cần thiết không kém. Cha mẹ có thể nêu một tấm gương cho trẻ, để các em hiểu rằng học tập là một nghĩa vụ của tất cả mọi người, chỉ cho trẻ hiểu rằng việc học tập bây giờ có liên quan đến tương lai sau này. Cũng có thể kể cho trẻ nghe về những kinh nghiệm của bản thân, như thế trẻ sẽ học một cách tự nguyện và ham thích hơn.
Cổ vũ, khích lệ trẻ cũng là việc cần thiết được cha mẹ phát huy một cách thường xuyên trong giáo dục. Khi trẻ làm tốt, bạn nên khen ngợi, nhưng khi không tốt, bạn cũng nên nhìn thấy tính sáng tạo của bé. Nên thường xuyên khích lệ bé, chứ không nên vì một lần thất bại mà phá vỡ hứng thú học hành của bé.
Việc giúp trẻ nắm được những phương pháp học hiệu quả và khoa học đồng thời sắp xếp phù hợp thời gian học, chơi của trẻ cũng nằm trong các bước để trẻ ham học bởi có những trẻ vì học quá vất vả mà dần trở nên không thích học…
Các nhà tâm lý giáo dục cũng nhấn mạnh việc giúp trẻ loại bỏ gánh nặng học tập cần giải quyết dứt điểm ngay từ khâu ý thức, tư tưởng. Cha mẹ cần hiểu rằng, nếu tạo nên một gánh nặng học tập thì trẻ sẽ dần ghét học. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý dành cho trẻ một sự tự do nhất định, tạo nên một môi trường thoải mái và thúc đẩy hứng thú học tập thay vì cưỡng ép, bắt buộc.