Để học sinh chủ động trong giờ Địa lý

GD&TĐ - Đó là mục tiêu trong sáng kiến kinh nghiệm “Một vài biện pháp phát huy tính tích cực chủ động của HS trong giờ học Địa lí " ở trường phổ thông của giáo viên Chử Thị Thu Hường (Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội).

Để học sinh chủ động trong giờ Địa lý

Tại sáng kiến kinh nghiệm này, cô Thu Hường đã đưa ra một vài biện pháp phát huy tính tích cực chủ động của học sinh (HS) trong giờ học Địa lí. Cụ thể như sau:

Xây dựng tình huống có vấn đề

Tình huống có vấn đề xuất hiện khi một cá nhân đứng trước một mục đích muốn đạt tới, nhận biết một nhiệm vụ cần giải quyết nhưng chưa biết bằng cách nào, chưa đủ kiến thức để giải quyết.

Khi xây dựng tình huống có vấn đề, giáo viên (GV) cần lựa chọn:

Đặt vấn đề, hướng dẫn học sinh cách giải quyết. GV đánh giá kết quả làm việc của HS

Nêu vấn đề, gợi ý học sinh cách giải quyết. GV và HS cùng đánh giá kết quả làm việc.

GV cung cấp thông tin , tạo tình huống. HS phát hiện vấn đề nảy sinh cần giải quyết, tự đề xuất các giả thuyết và lựa chọn phương pháp giải quyết. GV và HS cùng đánh giá.

GV đưa tình huống thực để học sinh tự phát hiện vấn đề, lựa chọn vấn đề cần giải quyết, tự đưa ra phương pháp, lập kế hoạch giải quyết, tự đánh giá chất lượng và hiệu quả giải quyết vấn đề.

Tổ chức hoạt động nhóm

Hiện nay hoạt động nhóm có nhiều ưu điểm nổi bật, giúp học sinh phát huy tối đa tính chủ động, tích cực trong giờ học.

Thực tế ở các nước phát triển ta thấy hoạt động nhóm tổ chức tốt thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong giờ học, học tập có chất lượng, rèn được kĩ năng nói, viết cho HS .

Khi cho học sinh hoạt động theo nhóm, tùy theo bài mà GV có thể phân ra các nhóm nhỏ, lớn để thu hút HS giải quyết vấn đề có hiệu quả.

Các bước tiến hành như sau:

Bước 1, hình thành các nhóm làm việc: tổ chức nhóm, chỉ định chỗ làm việc của các nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm.

Bước 2, các nhóm thực hiện công việc: thảo luận , trao đổi ý kiến, đưa ra kết luận chung, cử đại diện trình bày kết quả của nhóm trước lớp.

Bước 3, tổng hợp kết quả của các nhóm: đại diện các nhóm trình bày, các nhóm khác nghe và nhận xét, bổ sung nếu thiếu.

Bước 4, GV tóm tắt ý kiến phản hồi của các nhóm sau đó cùng cả lớp chốt lại nội dung chủ yếu của bài học. GV nhận xét kết quả làm việc của từng nhóm và tổng kết lại kiến thức toàn bài.

Tổ chức trò chơi

Có thể tổ chức các trò chơi như: Xếp hình và ghép tên; Thi giải thích các hiện tượng địa lí trong bài; Mô tả các mối quan hệ địa lí theo cách của em...

Ví dụ, với trò xếp hình và ghép tên, với Địa lí 7, bài 12 Thực hành nhận biết đặc điểm của môi trường đới nóng; chuẩn bị 3 bức ảnh môi trường đới nóng, tên môi trường (in giấy), đặc điểm của các môi trường (in giấy).

Yêu cầu thi theo nhóm. Nhận biết đặc điểm 3 môi trường, dán tên 3 môi trường, dán đặc điểm các môi trường phù hợp với ảnh, thời gian 5 - 7 phút.

Trò chơi: Thi giải thích các hiện tượng địa lí trong bài. Ví dụ minh hoạ Địa lí 6

Bài 7: “Sự vận động tự quay quanh trục của trái đất và các hệ quả của nó”.

Yêu cầu thi theo tổ, thời gian 5 phút.

Câu hỏi: Trái đất quay từ Tây sang Đông, tại sao ta thấy mặt trời, mặt trăng và

các vì sao trên bầu trời chuyển động từ Đông sang Tây?...

Trò chơi: Mô tả các mối quan hệ địa lí theo cách của em.

Ví dụ minh hoạ Địa lí 6, bài 20 “Hơi nước trong không khí. Mưa”.

Yêu cầu thi theo tổ, cử đại diện trình bày trong thời gian ngắn nhất.

Câu hỏi: Mô tả quá trình bốc hơi nước,ngưng tụ thành mây mưa theo cách của em?...

Hình thức áp dụng

Tổ chức học tập qua các biện pháp đổi mới có thể áp dụng trong việc giảng dạy Địa lí dưới nhiều hình thức khác nhau:

Sử dụng “ Một vài biện pháp nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong giờ địa lí” qua kiểm tra và củng cố:

Giáo viên có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau trong kiểm tra và củng cố bài, tuỳ theo từng bài học để lựa chọn.

Bằng cách nêu các câu hỏi tình huống có vấn đề, sử dụng các dạng bài tập có sẵn trong SGK, SBT, hoặc GV tự nghĩ ra, bằng cách sử dụng bảng phụ có đề sẵn trò chơi, tận dụng bảng chữ cái tiếng Anh đa dụng, các thanh gắn nam châm hoặc các mảnh xốp mỏng, giấy A4 để tự tạo ra các trò chơi đơn giản nhằm phục vụ cho học tập đạt hiệu quả .

Qua đó giúp học sinh tự mình khái quát lại toàn bộ những kiến thức cần nắm vững sau bài học.

Sử dụng “ Một vài biện pháp nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học sinh ” trong hệ thống kiến thức bài học.

Đối với đa số bài giáo viên có đều có thể sử dụng các biện pháp đổi mới nhằm tạo sự liên kết giữa vốn hiểu biết của bản thân gắn kết với kiến thức cũ để từ đó rút ra đơn vị kiến thức cần nắm trong bài. Đặc biệt có thể sử dụng đạt hiệu quả cao trong các bài thực hành địa lí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.