Tuy nhiên, giáo dục STEM với học sinh nữ vẫn còn khá mới mẻ, vì vậy cần có sự quan tâm hơn nữa về phương pháp giảng dạy cũng như sự đầu tư về cơ sở vật chất.
Kích thích sự năng động, sáng tạo
Giáo dục STEM vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giúp học sinh phát triển toàn diện bản thân. Quá trình giáo dục sẽ khuyến khích học sinh tìm tòi khám phá, dựa trên sự sáng tạo của cá nhân và sự phối hợp làm việc nhóm. Thông qua cách tiếp cận giáo dục STEM, học sinh nhận thức được sự giao thoa giữa các ngành khoa học và toán học, thấy được sự cần thiết của các kiến thức chuyên ngành để có thể giải quyết một vấn đề hay tạo nên một sản phẩm. Đồng thời, nhờ được tạo cơ hội khuyến khích sáng tạo dựa trên sở thích riêng của bản thân, nên các em học sinh tự tin hơn trong quá trình học tập và làm việc nhóm.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT mới chỉ triển khai dạy thí điểm STEM cho một số trường trong cả nước như: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, Vĩnh phúc, Quảng Ninh... Từ chương trình giáo dục STEM học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động sáng tạo và được tự tay lắp ráp các thiết bị và đồ chơi khoa học. Tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM hiện có 14 trường được triển khai thí điểm giáo dục STEM, khoảng 1.000 HS theo học. Đặc biệt ở Hà Nội một số trường đang thí điểm giáo dục STEM như: THCS Lê Lợi, THPT Chúc Đông, THPT Tạ Quang Bửu, THPT Olympia… Việc đưa giáo dục STEM đã giúp cho học sinh tạo ra những sản phẩm khoa học, nhiều học sinh đam mê nghiên cứu khoa học và có sản phẩm sáng tạo khoa học.
Từ năm 2011, mô hình “Phòng lab tích hợp STEM bằng tiếng Anh”, một trong những nội dung của giáo dục đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội. Kết quả đạt được đã mở ra một hướng phát triển về giáo dục tích hợp STEM cho cấp học phổ thông. Từ ứng dụng của giáo dục STEM, 2 môn học mới là CNTT và Robotics đã được triển khai tại Hà Nội. Trong đó, với chương trình Robotics, học sinh được trang bị các kiến thức về khoa học tự nhiên, các nguyên lý cơ bản của các loại hình robot trong thực tế, từ đó giúp các em học sinh hiểu và đam mê với các thiết bị thông minh trong thời đại công nghệ ngày nay.
Tại Vĩnh Phúc, cuối năm 2016, Sở GD&ĐT triển khai dự án Trung tâm giáo dục STEM và CLB Nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông. Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Tường) và Trường THPT Phạm Công Bình (Yên Lạc) là hai đơn vị được chọn thí điểm mô hình bao gồm nuôi cá - trồng cây, dự báo thời tiết, năng lượng sạch, xử lý nước thải.
Mô hình nhằm giúp học sinh, giáo viên trải nghiệm các hoạt động thực tiễn và tạo ra nguồn thực phẩm sạch bằng cách áp dụng những phương pháp tiên tiến trên thế giới cùng phương thức dạy học đảo ngược, dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn để các em có cơ hội ứng dụng khoa học vào đời sống. Để triển khai mô hình, mỗi nhà trường được đầu tư một nhà kính với trang thiết bị hiện đại cùng các hệ thống chức năng bên ngoài gồm dự báo thời tiết, năng lượng mặt trời, xử lý nước thải. Chất thải từ nuôi cá được vi khuẩn chuyển hóa thành dạng phân bón cho cây sử dụng, đồng thời cá sẽ nhận được nước sạch từ bể trồng cây, đây được coi là sự kết hợp hoàn hảo.
Ở Quảng Ninh, Trường THPT Hòn Gai là trường THPT đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh áp dụng mô hình STEM vào giảng dạy và đang từng bước giúp các em học sinh chủ động tiếp nhận kĩ năng và kiến thức theo chuẩn toàn cầu. Từ năm 2014, Trường THPT Hòn Gai đã bắt đầu thực hiện phương pháp giáo dục này.
Vẫn còn những bất cập
Là người rất quan tâm và nghiên cứu về chương trình giáo dục STEM, Thạc sỹ Đặng Danh Hướng, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) chỉ ra sự ưu việt của chương trình này đối với trẻ em gái: Những học sinh nữ được học theo cách tiếp cận giáo dục STEM sẽ có những ưu thế nổi bật như: Kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, tư duy logic, hiệu suất học tập và làm việc vượt trội, có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn trong khi không hề gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh. Giáo dục STEM sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.
Giáo dục STEM hình thành và phát triển một số phẩm chất đặc trưng của HS nữ thông qua thực hiện các hoạt động học tập. Sự tự tin, tự chủ, linh hoạt, năng động và tinh thần vượt khó của HS được phát triển thông qua hoạt động giải quyết những nhiệm vụ học tập được giao về nhà, trên lớp của GV và nhóm... Lòng nhân ái của HS cũng được hình thành qua sự thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau khi các em nhận ra những sai lầm và sửa chữa thông qua hoạt động nhận xét phần trả lời, báo cáo kết quả học tập của cá nhân, của nhóm. Đặc biệt, tính cẩn thận, trung thực, chính xác trong học tập được thể hiện qua thao tác thí nghiệm, đọc kết quả, ghi số liệu và báo cáo kết quả thí nghiệm.
Tuy nhiên trên thực tế, giáo dục STEM dành cho trẻ em gái vẫn còn nhiều hạn chế. Để nâng cao hiệu quả của giáo dục STEM đặc biệt là đối với trẻ em gái, GS.TS Nguyễn Đức Chính, Trường ĐH Giáo dục đã đưa ra những giải pháp tích cực, đó là: Các Sở GD&ĐT, các nhà trường cần đưa nội dung giáo dục, sinh hoạt STEM vào nội dung kế hoạch năm học, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các cuộc thi khoa học kĩ thuật... và thường xuyên đánh giá việc triển khai, đo lường hiệu quả và đề xuất các hiểu chỉnh để đạt hiệu quả cao hơn; Phát huy hiệu quả giáo dục tích hợp và lồng ghép với các chương trình giáo dục khác như: Tích hợp liên môn, đào tạo nghề, các cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật thanh thiếu niên; Đồng thời tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh, phụ huynh và làm cho việc giáo dục STEM thu hút hơn.
Song song với đó các nhà trường và ngành Giáo dục nên có nhiều hoạt động, hình thức khuyến khích động viên cho học sinh nữ như: Khen thưởng, giải thưởng, học bổng để khích lệ tinh thần học tập của các em.