Để gắn bó với trò khiếm khuyết phải có tình yêu thương

GD&TĐ - "Ngày nhà giáo, món quà tặng cô là một bài hát múa, một bức tranh, một cái ôm…, hay một bó rau đã héo, có em đựng 2 bắp ngô trong túi nilon bị rách mất rồi... Dù không nhiều nhưng đó là tấm lòng của phụ huynh, của các em học sinh mà chúng tôi đang chỉ dạy từ những điều đơn giản nhất..." - chỉa sẻ của một cô giáo dạy trẻ khiếm thính.

Cô trò lớp học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An
Cô trò lớp học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An

Yêu thương như gia đình

Giờ học của lớp khiếm thính 3A (Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An) không im lặng như tôi hình dung, ở đó có gần 20 đứa trẻ đang tập phát âm. Việc phát âm một nguyên âm thật khó khăn, và mỗi em đang cố gắng làm thế nào cho đúng.

Cô Hồ Thị Hoa chủ nhiệm lớp chia sẻ: Ngoài ngôn ngữ ký hiệu, các em cần phải học để biết đọc, biết viết. Điều này là hết sức vất vả, nhưng học văn hóa là cơ sở để cho các em sau này có thể học nghề, tự tìm hiểu kiến thức.

Dạy những đứa trẻ khiếm khuyết, giáo viên cũng phải cố gắng, nhẫn nại rất nhiều. Và hơn hết đó là tình yêu thương, để có thể ở lại, gắn bó với các em. Trong lớp học này, có cả cháu ruột của cô Hoa. Cậu bé gương mặt khôi ngô, thông minh, nhưng không may lại bị khiếm thính. “Mình dạy các em, cũng như dạy con cháu mình. Các em đã sinh ra không may mắn, chịu số phận thiệt thòi so với các bạn bình thường, thì cô phải yêu thương, bù đắp nhiều hơn”, cô Hoa trải lòng.

Lớp dạy học may cơ bản
 Lớp dạy học may cơ bản

Tại lớp học nghề may cơ bản, hàng chục cái đầu của những đứa trẻ cao thấp đang chụm vào xem cô Phan Thị Ngọc hướng dẫn những đường may trong bài học cắt may áo sơ mi. Cô giáo vừa nói vừa dùng ngôn ngữ ký hiệu, đồng thời còn phải xử lý một vụ trêu chọc, nghịch phá của lũ trẻ đang tuổi hiếu động.

Cô cho biết: Nếu với người bình thường, học cắt may một cái áo như thế này chỉ mất khoảng 1 tuần, thì với các em phải mất 2 – 3 tháng. Nhưng chỉ cần các em có khả năng học được là cô mừng rồi.

Chăm chú bên chiếc máy may
 Chăm chú bên chiếc máy may

Ngoài dạy nghề, cô trò còn có nhiều hoạt động với nhau như tập văn nghệ, sinh hoạt nội trú. Có lần, cô Ngọc vừa hết phép sinh, con còn nhỏ nhưng phải lên trường tập văn nghệ, cô đưa cả bé lên theo. Các anh chị trên trường thay nhau bồng bế, âu yếu, nựng em bé. Bé lớn lên trong sự vất vả lo toan việc nhà, việc trường của mẹ, nhưng lại trở thành một em út trong gia đình các anh chị trên trung tâm.

“Giờ đây cháu vẫn chơi và “trò chuyện” được với các anh chị một cách bình thường, thân thiết, không có sự phân biệt, không e ngại gì cả. Với tôi và các thầy cô khác ở trung tâm cũng vậy, coi học sinh như là con cái của mình, để các em thấy được quan tâm, yêu thương mà yên tâm học văn hóa, học nghề”, cô Ngọc nói.

Hạnh phúc giản đơn của thầy cô dạy trẻ khuyết tật

Cô bé có đôi mắt sáng, nụ cười hồn nhiên, cầm theo bức tranh chạy tung tăng khắp trường, níu tay mọi người khoe: “Em vẽ tranh tặng cô Sa, cô Sa là cô giáo của em, cô đẹp, em rất yêu quý cô”. Bức vẽ nguệch ngoạc, lem nhem màu, nhưng là công sức miệt mài gần 1 ngày của em Lương Thị Yến Nhi (15 tuổi), lớp chậm phát triển, Trung tâm GD và Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An.

Bức tranh em Yến Nhi vẽ tặng cô giáo
 Bức tranh em Yến Nhi vẽ tặng cô giáo

Năm nào cũng vậy, cô bé này đều vẽ tranh, tràn đầy sự háo hức mang món quà tự tay mình làm được tặng cô nhân ngày 20/11. Với Yến Nhi và bạn học ở trung tâm, ngày Nhà giáo Việt Nam đơn giản là ngày các em thể hiện tình cảm với thầy, cô giáo ở trường, để thầy cô vui.

Có 7 năm gắn bó với trung tâm, cô Đinh Thị Sa đã có rất nhiều trải nghiệm với những học trò đặc biệt của mình. Nói về vất vả ở đây thì đã quen rồi, và tên trung tâm cũng đã nói lên điều đó. Nhưng như bao nhiêu người làm nghề giáo khác, cô cũng có những niềm vui, xúc động mà học trò đem lại.

Cô Đinh Thị Sa dạy lớp chậm phát triển
 Cô Đinh Thị Sa dạy lớp chậm phát triển

“Các em tình cảm lắm, có cái gì cũng khoe và kể với cô. Ngày nhà giáo ở đây thì không nhiều hoa và quà như những ngôi trường bình thường, học sinh bình thường khác. Nhưng có em thì vẽ tranh tặng cô, em thì hát một bài, hay lên ôm cô một cái. Chỉ vậy thôi là khiến chúng tôi ấm lòng rồi”.

Cô Phan Thị Ngọc cũng kể: Có năm, sau ngày 20/11, học sinh cất dành đến lớp tặng quà muộn cho cô một bó rau đã héo mất rồi, có em mang 2 bắp ngô đựng trong túi nilon đã bị rách, nhưng cô thấy rất vui và xúc động. Vì đó là tấm lòng chân thật của các em và phụ huynh. 

Thầy Thái Khắc Minh dạy học sinh quấn dây làm việc của quạt điện
Thầy Thái Khắc Minh dạy học sinh quấn dây làm việc của quạt điện 

Còn thầy Thái Khắc Minh (dạy nghề điện dân dụng) nhớ mãi lần đầu tiên sau khi về công tác ở trường sau 3 năm, được các em tặng 1 bó hoa. “Chẳng biết là bí mật góp tiền với nhau từ lúc nào, mỗi em mấy nghìn, mua hoa cho thầy. Những tình cảm đó khiến tôi trở nên gắn bó, thấy có trách nhiệm hơn với các em không chỉ dạy nghề mà trong các sinh hoạt khác ở trường”.

Ông Dương Công Chiến (Phó GĐ Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An) cho biết: Hướng đến kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và 40 năm ngày thành lập Trung tâm, chúng tôi đã có nhiều hoạt động sôi nổi, tạo hiệu ứng tích cực như: dự giờ thao giảng, tổ chức phong trào thi viết, vẽ tranh, văn nghệ. Vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh sạch đẹp, tổ chức lễ mitinh kỷ niệm. Qua đó tạo hiệu ứng tích cực và không khí sôi nổi, động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm trong công tác.

Cô giáo tập hát cho học sinh trong lớp học
 Cô giáo tập hát cho học sinh trong lớp học
Giáo viên của trường phải dạy "đa phương tiện": Viết, nói, và ký hiệu
 Giáo viên của trường phải dạy "đa phương tiện": Viết, nói, và ký hiệu
Học sinh lớp may nâng cao đã có thể sản xuất các đơn hàng theo yêu cầu
 Học sinh lớp may nâng cao đã có thể sản xuất các đơn hàng theo yêu cầu
Trung tâm có 150/255 học sinh ở nội trú
 Trung tâm có 150/255 học sinh ở nội trú
Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An năm 2018 có tất cả 255 học sinh, trong đó có 150 ở nội trú, bao gồm 9 lớp văn hóa và 13 lớp nghề với các nghề: May, thêu, điện dân dụng, mộc. Trung tâm nhận trẻ vào học văn hóa từ 6 tuổi, dạy bổ túc văn hóa và hướng nghiệp học nghề từ 12 tuổi. Trung tâm cũng liên kết với một số xí nghiệp trên địa bàn để giới hiệu học viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Có nhiều em sau đó đã được nhận vào làm với mức lương từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. Hoặc có em tự mở nhà may, tự thêu tranh hay mở xưởng sửa chữa điện để kiếm tiền, chủ động cuộc sống của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.