Thực trạng đáng lo ngại
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 54,6 triệu lao động, tuy nhiên số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, qua đào tạo, có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 21% tổng lực lượng lao động. Tương quan về lao động có trình độ đại học trở lên so với cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề là 1 - 0,35 - 0,56 - 0,38. Chỉ số này cho thấy nguy cơ thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc cao, trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn từ cuộc CMCN 4.0.
Thúc đẩy nâng cao chất lượng công tác kết nối cung cầu việc làm, đào tạo gắn với thị trường lao động, TS Lê Kim Dung đã đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách, thể chế thị trường lao động; đẩy mạnh phát triển công tác dự báo thị trường; Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường; Nâng cao năng lực hệ thống dịch vụ việc làm và tăng cường công tác hướng nghiệp, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng lao động của Việt Nam cũng đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế. Thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ, các kỹ năng mềm như: Làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động… Chất lượng và cơ cấu chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng người lao động có chuyên môn kĩ thuật làm việc không đúng với trình độ, phải làm những công việc giản đơn hoặc thất nghiệp.
Theo kết quả điều tra lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê năm 2016, có tới hơn 2 triệu người có chuyên môn kĩ thuật phải làm các công việc yêu cầu trình độ kỹ năng thấp hơn so với trình độ đào tạo. Lao động Việt Nam chủ yếu vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức và năng suất thấp.
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là sự thiếu gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường; đào tạo chưa sát với yêu cầu thực tế một phần do còn thiếu thông tin về thị trường lao động. Vì vậy, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, đào tạo với việc làm chính là một giải pháp quan trọng.
Chuyển đổi trước hết từ chính sách dạy nghề
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian qua, thực hiện các chính sách kết nối lao động - việc làm, ngành đã tập trung triển khai các hoạt động thu thập thông tin, điều tra, khảo sát, cập nhật cung cầu lao động, xây dựng các báo cáo xu hướng lao động, xã hội; kế hoạch đào tạo, tuyển sinh phù hợp. Hình thành và phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc để kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm gắn với cung ứng và tuyển dụng…
Ngoài những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách, giải pháp vẫn chưa khắc phục triệt để những hạn chế trong công tác đào tạo nghề, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, chưa theo kịp sự chuyển dịch của mô hình và cơ cấu kinh tế. Hệ thống thông tin thị trường lao động còn mới nên độ phủ chưa rộng, thông tin chưa đa dạng. Mạng lưới Trung tâm giới thiệu việc làm còn mỏng nên việc cung cấp thông tin cho người lao động còn khó khăn.
Để tăng cường công tác hướng nghiệp và đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, TS Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng: Bên cạnh việc phối hợp thực hiện phân luồng, hướng nghiệp cho HSSV. Cần tiếp tục đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm quốc gia; ngành, nghề tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành. Phối hợp triển khai mô hình đào tạo mở và linh hoạt, gắn kết việc làm với đào tạo nghề.