Phú Hiệp - Đăng Nam: Trời sinh một cặp nghệ nhân quan họ

GD&TĐ - Tôi may mắn được sở hữu DVD quan họ “Tôi là con giai sông Cầu” do cặp Nghệ nhân Ưu tú Phú Hiệp – Đăng Nam làng quan họ cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) thể hiện.

Cặp nghệ nhân Phú Hiệp (bên trái) - Đăng Nam. Ảnh: TG.
Cặp nghệ nhân Phú Hiệp (bên trái) - Đăng Nam. Ảnh: TG.

Mấy năm trước có cơ duyên được tham dự lễ ra mắt DVD và đích thân nghệ nhân Phú Hiệp tặng tôi với sự trân quý, thiện tình. Theo như nghệ nhân Phú Hiệp kể, DVD được phát hành với số lượng rất hạn chế nên nó càng khiến tôi tin rằng mình thật may mắn.

Cặp liền anh tài hoa

Ở một làng quê vốn dĩ người nông dân chỉ quen lam lũ với làng nghề bánh đa nem truyền thống này thì việc “ăn chơi” như các anh quả là một chuyện lạ đời. Nhiều người truyền tai nhau đại ý những câu chuyện như vậy.

Vì đam mê, tâm huyết với nghiệp hát mà hai nông dân chân đất quyết định gói ghém tiền của, tằn tiện chi tiêu trong thời gian dài để gom góp đủ số tiền cần thiết cho việc làm đĩa hát mang tên một dòng sông quê mình. Và những người hiểu, yêu dân ca quan họ cổ ví Phú Hiệp (SN 1962) - Đăng Nam (SN 1966) một cặp hát lạ, ăn ý, truyền cảm và trong vắt như dòng nước sông Cầu nơi đây.

Hơn thế, trong lúc sân chơi quan họ truyền thống đang ngày càng vắng bóng các liền anh, thì ở làng Thổ Hà liền anh lại chiếm ưu thế. Theo PGS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa - Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đây là một trong những làng quan họ có số lượng liền anh lớn nhất vùng Kinh Bắc.

Trong số những cặp hát liền anh tôi biết, Phú Hiệp - Đăng Nam được xem cặp đôi ăn ý và điêu luyện nhất vùng. Cặp đôi từng nổi tiếng với hàng trăm bài quan họ khó hát như: Tuấn Khanh, Giăng già, Trèo lên cây gạo chon von, Nam nhi, Cái hời cái ả, Xuôi ngược sông Cầu, Nguyệt gác mái đình, Đôi bên bác mẹ cùng già…

Hai chất giọng ấy bổ sung nhau, một giọng dày và sâu lắng; giọng kia mượt, vang, rền, nền, nảy khiến người nghe như được đắm mình trong nhiều cung bậc cảm xúc của những làn điệu quan họ vốn đã da diết, bịn rịn bâng khuâng.

Và điều đặc biệt ở hai nghệ nhân ấy chính là họ chỉ hát quan họ cổ và hát chay, nghĩa là không có nhạc đệm mà từng câu, từng chữ được nhả ra thật tròn trịa, gọn gàng, sâu lắng, thiết tha, thấm thía, lan tỏa. Thế mới hiểu câu ca của các cụ: Xưa kia nam nữ trẻ già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh/ Ngẫm xem các giọng cho tinh/ Ai mà ca được hiển vinh muôn đời.

Hát bằng cả trái tim

Nghệ nhân ưu tú Phú Hiệp- Đăng Nam trong chuyến lưu diễn tại Pháp.

Nghệ nhân ưu tú Phú Hiệp- Đăng Nam trong chuyến lưu diễn tại Pháp.
 

Chiếc ngõ nhỏ dẫn vào gia đình anh hai Hiệp (chủ nhiệm CLB quan họ Thổ Hà), chật kín những giàn phơi bánh tráng. Ngồi trên tấm phản gỗ, chủ nhà thủng thằng kể: Ngoài việc tham gia làm bánh đa nem giúp vợ, anh còn có thêm nghề cắt tóc ngoài cổng làng.

Anh còn là cộng tác viên dạy hát quan họ tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang. Mấy chục năm đi hát, trong nhà anh giờ xếp kín những tấm bằng khen, huy chương tại các cuộc thi, các kỳ hội diễn dân ca quan họ từ Trung ương đến địa phương.

Đầu năm 2012, Nghệ nhân Ưu tú Phú Hiệp và Đăng Nam là hai trong những đại diện của Việt Nam được mời biểu diễn nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) tổ chức tại Thủ đô Paris (Pháp).

Sinh ra tại vùng đất quan họ nên từ khi còn nhỏ Phú Hiệp, Đăng Nam đã rất mê hát. Ngày ấy mỗi khi làng có hát, hai anh lại tìm mọi cách để được xem những canh hát quan họ cổ do các bậc cha chú thể hiện nơi đình làng. Nhờ chút vốn liếng “học mót” mà các anh đã nhiều lần được đi diễn phục vụ nhân dân.

Nghệ nhân Phú Hiệp hiện là Chủ tịch câu lạc bộ quan họ của làng Thổ Hà, gồm khoảng 30 thành viên. Anh cho biết: “Người quan họ gọi là chơi quan họ chứ không phải hát. Chơi thì thanh tao, khiêm nhường, hết lòng và đắm đuối lắm”.

Quan họ là thú chơi tao nhã nhưng lại rất đỗi cầu kỳ, lề lối, niêm luật và có những quy tắc ứng xử riêng. Không hiểu những quy tắc ấy, người hát khó có thể thực hành đúng, đủ. Việc chơi quan họ cũng vậy, thật không đơn giản chút nào.

Câu hát khi buông ra không phải là “trót lưỡi đầu môi”, càng không thể thoảng như gió bay mà cái cốt là phải chơi, phải hát bằng cả trái tim, những khắc khoải, chờ đợi và mọi tâm sự đều được trao gửi trong câu hát. Vì vậy theo các cụ xưa, người quan họ bao giờ cũng đề cao sự chân tình, đã mến nhau thì có thể chơi cho “chỉ nổi kim chìm”, cho lở đất long trời mới thôi.

Còn nghệ nhân Đăng Nam chia sẻ: Đã chơi quan họ phải “Tứ thời bát tiết”. Nghĩa là chơi quanh năm và thăm viếng nhau khi có việc vui buồn, khi làng có hội. Để hát được quan họ không khó, nhưng để biết cách chơi quan họ cần có một quá trình.

Người mới biết hát phải tập cách lấy hơi, hát không nhịp, không đàn, tập kỹ thuật luyến láy, ngân rồi khi hát được nhuyễn rồi mới tính đến kỹ thuật cao, hát vang, rền, nền, nảy đúng nhịp.

Các canh quan họ có lề lối quy định qua 3 chặng, phải ca đôi, đối giọng, đối thơ, đối điển tích đến các cuộc thi đua tài vang, rền, nền, nẩy đua tài các câu độc rất khoa học, chặt chẽ. Nên quả không ngoa khi nói “nghề chơi” rất công phu. Ngoài ra cần hiểu cách ứng xử, giao tiếp rất đỗi chân tình và tế nhị của người quan họ.

Người chơi phải hiểu các điệu hừ la, la rằng, la bạn... tập hát cả ba giọng: Giọng vặt, giọng kết, giọng giã, hát lề lối, hát đối, hát canh… Đã chơi quan họ là phải rất vô tư không tính toán, lòng hẹp hòi, tính ích kỷ không chơi quan họ được.

Nâng niu từng câu hát

Làng Thổ Hà không có ruộng, chủ yếu sống bằng nghề phụ, vất vả lắm nhưng cứ có việc cần đến anh hai quan họ là việc nhà đã có chị hai… “Xưa nay quan họ chỉ dùng hát tặng khi khách đến thăm nhà, hay tham gia các sự kiện trọng đại. Chứ không mấy ai mời được liền anh, liền chị Thổ Hà đi mua vui kiếm tiền được.

Chúng tôi cứ học truyền miệng trong dân gian như các cụ ngày xưa, đi đâu học mót được cái gì về là anh em lại rải chiếu ngồi tập. Hàng năm trời cứ rảnh việc là lại ngồi tập như thế. Nhiều người hiểu thì động viên. Cũng có khối kẻ bảo bọn tôi dở người, cứ trông thấy đâu là ối a…”, nghệ nhân Đăng Nam nói.

Khắp vùng Kinh Bắc, bất kể nghe nơi nào có thầy hát hay, hai anh lại bảo nhau khăn gói đến học như từng đến học cụ Xoan, cụ Tà (Yên Phong), cụ Đức, cụ Xôi (Bắc Ninh)... Thầy giáo dạy cũng bởi yêu thích, học trò cũng bởi yêu thích, chẳng ai màng tới chuyện tiền nong.

Hay những kỳ hội diễn, hội thi cũng thế, cứ có “lệnh” triệu tập là cả hai lại tất tả lên đường, bất kể ngày đêm mưa nắng. Không chỉ học, giao lưu, hát và dạy hát quan họ ở các làng hay thỉnh giảng tại Trường Văn hóa, Nghệ thuật Bắc Giang, anh Hiệp còn cùng anh Nam huy động mọi người học hát, rồi thành lập Câu lạc bộ quan họ Thổ Hà.

Và dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vẫn còn rất nhiều người yêu thích quan họ. Hiện 30 hội viên gồm nam phụ lão ấu của câu lạc bộ vẫn hoạt động thường xuyên vào thứ Bảy hằng tuần tại trường tiểu học của xã.

Với liền anh Phú Hiệp - Đăng Nam, hát quan họ là đam mê, niềm hạnh phúc khi được thỏa mãn với thú vui tao nhã, thanh cao ấy. Các anh vẫn giữ cái tâm trong sáng, giữ gìn và nâng niu từng câu quan họ tựa như máu thịt, thường xuyên đem lại cho đời những tiếng hát trong vắt và ngọt ngào bên dòng sông Cầu, góp phần giữ gìn những gì được coi là tinh hoa nhất của xứ Kinh Bắc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ