Kiểu bài này thường chiếm 3 điểm trong đề thi mà thời lượng dạy trong chương trình không nhiều: lớp 9 khoảng 6 tiết, lớp 12 cũng khoảng thời lượng như vậy. Trong phạm vi bài viết này, xin được tổng hợp để giới thiệu đến quý thầy cô, các em học sinh một số kinh nghiệm hướng dẫn học sinh cách viết bài nghị luận xã hội thành công.
Xác định yêu cầu đề
Thiết nghĩ, khi làm bài nghị luận xã hội thì đây là một khâu quan trọng, có phần quyết định bài làm đạt yêu cầu hay không của học sinh. Bởi lẽ, nếu xác định yêu cầu sai, không đúng hoặc chưa toàn diện thì học sinh sẽ làm lạc đề, lệch hướng hoặc chưa toàn diện bài thi. Ví dụ: Trong đề thi tuyển sinh môn văn lớp 10 năm 2017-2018 ở TPHCM, câu nghị luận xã hội như sau:
Đa số học sinh khi đọc cụm từ “Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái” thì xác định luôn đó là yêu cầu đề và làm bài mà không quan tâm đến các cụm từ in đậm “từ một trong ba hình ảnh trên” và các từ gợi ý về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: Che chở, bao bọc, chia sẻ… Vì vậy, rất nhiều học sinh đã làm không đúng yêu cầu đề. Đó là một trong những nguyên nhân khiến điểm văn của học sinh ở TPHCM năm nay không cao.
Do đó, khi đọc đề thì yêu cầu các em: đọc hết đề- hiểu kĩ đề- xác định đúng yêu cầu đề. Muốn vậy, về tâm thái học sinh phải giữ: bình tĩnh, thoải mái, thận trọng khi đọc đề; về hành động học sinh phải: gạch dưới các từ ngữ in đậm, các từ ngữ quan trọng; về trí tuệ: học sinh phải nối kết được mạch logic trong đề (nếu đó là đề dài và phải nối kết các ý trong đề với nhau). Ví dụ với đề ở TPHCM ở trên, học sinh phải chọn 1 hình ảnh, hình ảnh được chọn sẽ gắn liền với 2 từ ngữ trong ngoặc đơn liên quan đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái…
Xác định các bước làm bài
Khi xác định được yêu cầu của đề thì học sinh cần xác định được các bước làm bài. Đương nhiên, một bài văn nghị luận xã hội cũng luôn bao gồm 3 phần mở bài, thân bài, kết bài.
Trong bài viết này, xin được tập trung tổng hợp những kinh nghiệm xác định các ý phần thân bài. Có nhiều cách khác nhau để phân chia ý cho thân bài. Lại cũng tùy thuộc dạng nghị luận xã hội về một vấn đề trong tác phẩm văn học hay nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống hoặc nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí mà chia ý cho thân bài.
Có thể chia ý cho thân bài theo cách đặt từ trọng tâm
Với nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí, học sinh có thể đi theo sườn bài với những từ ngữ trọng tâm: Giải - phân - bác - đánh - thân. Chính là: Giải thích tư tưởng đạo lí trong đề bài; phân tích tư tưởng đạo lí trong đề bài; bác bỏ những mặt chưa đúng của tư tưởng đạo lí trong đề; đánh giá tính phù hợp của tư tưởng đạo lí đó trong xã hội ngày nay; liên hệ bản thân xem đã làm được gì với tư tưởng đạo lí đó.
Với nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống: Giải-thực-nguyên-hậu-biện-thân. Chính là: Giải thích hiện tượng đời sống được đề cập trong đề bài; nêu lên thực trạng của hiện tượng đời sống; tìm ra nguyên nhân của hiện tượng đời sống (nguyên nhân chủ quan, khách quan); hậu quả mà hiện tượng đời sống đó đang để lại là gì; tìm biện phải giải quyết thực trạng đời sống; liên hệ với bản thân xem đã làm gì để góp phần với xã hội trong quá trình giải quyết thực trạng của hiện tượng đời sống…
Có thể chia ý cho thân bài theo cách đặt câu hỏi
Như vậy, mỗi câu hỏi sẽ là một ý của thân bài. Có thể sử dụng các câu hỏi để giải quyết yêu cầu của đề. Những câu hỏi như: là gì? biểu hiện như thế nào? những mặt đối lập của nó? bản thân đã làm gì?... là những câu hỏi phổ biến và học sinh nên sử dụng để tạo lập ý khi làm bài.
Với câu hỏi là gì? Học sinh sẽ giải quyết được vấn đề giải thích tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống trong đề bài. Ví dụ: yêu thương là gì? Môi trường là gì?
Với câu hỏi biểu hiện như thế nào? Học sinh sẽ giải quyết được các biểu hiện tích cực, tiêu cực của tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống trong đề bài. Ví dụ: Biểu hiện của yêu thương là như thế nào? biểu hiện của môi trường là như thế nào?
Với câu hỏi mặt đối lập của nó? Học sinh sẽ thể hiện được tư duy phản biện của mình. Ví dụ: đối ngược với yêu thương? những biểu hiện tưởng chừng không phải là yêu thương nhưng vẫn là biểu hiện của yêu thương…
Với câu hỏi bản thân đã làm gì? Học sinh sẽ giải quyết được vấn đề đặt bản thân trong chủ đề được đề cập đến ở đề bài. Từ đó nhìn nhận lại những suy nghĩ, hành động của thân từ trước đến nay để phát huy hoặc thay đổi ý thức, hành động…
Có thể chia ý theo đáp án ở từng Sở GD&ĐT
Sở GD&ĐT TPHCM thường phân thân bài của bài nghị luận xã hội là: Giải thích - nêu hiện tượng; Bàn luận; Bài học nhận thức và hành động.
Sở GD&ĐT Hà Nội thường phân thân bài nghị luận xã hội là: Hiểu vấn đề (giải thích); Bàn luận về vấn đề; Liên hệ và rút ra bài học.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng thường phân thân bài nghị luận xã hội là: Giải thích; Bàn luận, chứng minh; Mở rộng và liên hệ bản thân.
Nhìn vào dàn bài chung đó, chúng ta thấy các sở giáo dục đều cho ra một công thức ở bài nghị luận xã hội với 3 ý lớn. Trong đó ý 1 (giải thích), ý 3 (liên hệ và rút ra bài học) là quá rõ ràng. Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh là phải định hướng cụ thể cho ý 2 (bàn luận). Trong ý 2, khi viết bài, học sinh phải tìm ra những biểu hiện của vấn đề, những phản biện của bản thân cho vấn đề…
Xác định phạm vi dẫn chứng
Vấn đề xác định phạm vi dẫn chứng là một vấn đề cũng rất quan trọng, góp phần làm cho bài viết thêm sinh động, thuyết phục (kiểu nói có sách, mách có chứng). Vậy cần lấy nguồn dẫn chứng ở đâu, bao nhiêu là vừa đủ.
Nguồn dẫn chứng học sinh có thể tìm kiếm trên internet. Internet cung cấp một kho dẫn chứng vô cùng phong phú, đa dạng về đủ các vấn đề trong xã hội để học sinh sử dụng cho bài viết của mình. Tuy nhiên, không phải thích lấy dẫn chứng nào cũng được. Vì vậy, dẫn chứng cũng cần có yêu cầu của nó.
- Tính phù hợp: Dẫn chứng cần lấy phù hợp với yêu cầu của đề. Đề về yêu thương thì cần lấy dẫn chứng liên quan đến vấn đề yêu thương; về môi trường cần lấy dẫn chứng về môi trường.
- Tính thời sự: Khi làm bài, cần lấy dẫn chứng càng mới, càng gần thời điểm làm đề càng tốt. Những dẫn chứng đã quá quen thuộc, được sử dụng từ trước đến nay trong các bài văn thì học sinh không nên tiếp tục sử dụng. Muốn có dẫn chứng mang tính thời sự cần tích cực theo dõi báo, đài, truy cập nguồn mới nhất từ internet…
- Tính vừa đủ: Vì nguồn dẫn chứng rất phong phú, đa dạng, nên chúng ta cũng cần tiết chế khi sử dụng dẫn chứng. Không thể một bài văn viết khoảng 1 trang giấy thi mà học sinh lấy 4,5, thậm chí nhiều hơn nữa về dẫn chứng. Do đó, theo tôi, một bài nghị luận xã hội học sinh chỉ nên có 2 dẫn chứng, tối đa là 3 dẫn chứng cho vấn đề nghị luận. Mức đó là vừa phải, tròn trịa cho một bài nghị luận xã hội.
- Tính thuyết phục: Sẽ có rất nhiều dẫn chứng cho một vấn đề. Vậy thì, học sinh cần sử dụng dẫn chứng mà theo đánh giá của bản thân các em là hay nhất, tạo ấn tượng nhất cho mình và cho người chấm.
Một số lưu ý để được cộng thêm điểm hoặc không mất điểm khi làm bài
Vì đề thường sẽ là viết một bài nghị luận xã hội khoảng một trang giấy thi (với đề thi tuyển sinh) hoặc viết một đoạn văn khoảng 200 từ (với đề thi THPT Quốc gia) nên học sinh cần làm đúng yêu cầu về cấu trúc: Với bài thì sẽ bao gồm 3 phần (mở, thân, kết) và phải đảm bảo tính hoàn chỉnh (đúng bố cục, thân bài chia đoạn rõ ràng); với đoạn thì phải có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn và thân đoạn phải có các ý rõ ràng.
Khi làm bài nghị luận xã hội, hãy phát huy khả năng sáng tạo của bản thân: các đề bài trong đề thi tuyển sinh hay các đề thi THPT Quốc gia đều khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Sự sáng tạo có thể được thể hiện ở hình thức bài thi, nội dung một phần bài thi…Sự sáng tạo sẽ được đánh giá cao và khuyến khích cộng thêm điểm cho bài thi.
Cẩn trọng khi viết câu, sử dụng từ để không mắc lỗi diễn đạt, không mắc lỗi chính tả. Một bài văn đảm bảo đúng cấu trúc, không sai lỗi chính tả, không mắc lỗi diễn đạt, trình bày sạch đẹp sẽ tạo được cảm tình tốt với giám khảo, hứa hẹn về điểm số tốt.