Xin Giáo sư cho biết những hoạt động nổi bật của các trường đã và đang làm để góp phần thực hiện mục tiêu Đề án?
- Theo quan sát tại hai trường Đại học Hà Nội và ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, tôi vui mừng thấy rằng, hai trường đều đã tham gia đào tạo lại giáo viên để đạt chuẩn B2 theo yêu cầu của Đề án.
Đây là hai trường ĐH chuyên ngữ, có năng lực cao về đào tạo kể cả đội ngũ lẫn kinh nghiệm và công nghệ. Các giáo viên về học nâng chuẩn tại các trường này là một lợi điểm và họ đều nhận thấy lợi ích thiết thực của hoạt động này – nó phát huy tác dụng tức thì đối với quá trình giảng dạy của họ tại các đơn vị.
Hai trường này đã huấn luyện nghiệp vụ giảng dạy cho giáo viên của nhiều tỉnh theo yêu cầu của đề án. Những người tham gia huấn luyện đều là giáo viên đã được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm như TEFL hoặc TESOL, nên đảm bảo được hướng đi của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Đề án.
Bên cạnh đó, các trường đại học khác trong cả ba miền đều đã đóng góp chuyên gia, ý kiến tư vấn và thực hiện một số chủ chương của Đề án, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm tra đánh giá.
Theo GS, đâu là những lợi ích thiết thực, kết quả tốt đẹp mà Đề án mang lại cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh trong các nhà trường?
- Đề án tích cực quan hệ với các nhà xuất bản để tìm hướng đi của giáo trình cũng như huấn luyện giáo viên sử dụng giáo trình.
Làm được điều này, Đề án đã giúp chuyên gia Việt Nam cơ hội tiếp cận với xu hướng hiện đại trong dạy ngoại ngữ, ví dụ xu hướng huấn luyện giáo viên sử dụng tiếng Anh để dạy tiếng Anh (chuyên đề ELTeach) và quan điểm hiện đại về dạy ngữ pháp (phố hợp hài hòa giữa dạy giao tiếp và ngữ pháp)
Quan điểm của GS đối với sự học ngoại ngữ của lớp trẻ hiện nay?
- Hiện nay lứa trẻ học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng có thuận lợi là công nghệ phát triển, Internet luôn sẵn sàng phục vụ. Tuy nhiên điều này lại làm cho học sinh lạc hướng:
Có quá nhiều tài liệu, chọn tài liệu nào để học? Có quá nhiều lối học mang tính quảng cáo, ai là người giúp người học tránh rơi vào các ma trận quảng cáo thương mại? Học sinh của các trường vẫn học để đối phó với điểm và các kỳ thi, ai là người hướng dẫn học sinh phương pháp xây dựng các kỹ năng học tập?
Giới dạy tiếng Anh trên thế giới có một môn học Study Skills, tạm gọi là phương pháp học ngoại ngữ, nó bao gồm hướng dẫn người học xây dựng một quy trình học một cách khoa học: nghe, nói, đọc, viết, tra từ điển, khai thác thư viện, khai thác các hoạt động giao tiếp, xây dựng thói quen hàng ngày, tự đặt mục đích cho từng giai đoạn học tập, cách tự đánh giá,…
Nhưng rất tiếc, bộ môn này hiện vẫn đang vắng bóng trong các trường đại học và phổ thông của ta.
GS có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm để tổ chức dạy và học tốt ngoại ngữ trong trường Đại học.
- Việc tổ chức dạy-học tốt ngoại ngữ vẫn luôn luôn là những vấn đề kinh điển với sự tham gia cấu thành của nhiều yếu tố:
+ Giáo trình hiện đại và thích hợp với từng trình độ của học sinh;
+ Hệ thống dịch vụ giảng dạy (teaching services) đa dạng và có tính hỗ trợ tích cực;
+ Hệ thống kiểm tra đánh giá thường xuyên;
+ Chất lượng người thầy: vốn kiến thức ngoại ngữ và phương pháp dạy học;
+ Chất lượng người trò: phương pháp học, thường xuyên và kiên trì;
+ Điều mà tất cả chúng ta đều trăn trở: Làm thế nào để giảm tới mức tối thiểu những điều tiêu cực ở các khâu?
Chỉ khi kết hợp, thực hiện khoa học tất cả những thành tố trên thì việc dạy – học ngoại ngữ mới thực sự mang lại hiệu quả bền và vững.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.