Triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: Kinh nghiệm từ thực tiễn

GD&TĐ - Trong 90 phút diễn ra giao lưu, các vị chuyên gia, khách mời đã nhiệt tình chia sẻ các kinh nghiệm, giải đáp các thắc mắc về cơ chế, chính sách trong thực tiễn triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

Từ trái qua: Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam tặng hoa các vị khách mời: Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, TS Vũ Thị Tú Anh, PGS Phan Quang Thế
Từ trái qua: Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam tặng hoa các vị khách mời: Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, TS Vũ Thị Tú Anh, PGS Phan Quang Thế

Sáng nay (9/10), 3 vị khách mời đã có mặt tại tòa soạn báo Giáo dục và Thời đại, sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, giải đáp các thắc mắc về cơ chế, chính sách trong triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1400/QĐ  phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020".

Chính thức đến tháng 4/2011, bắt đầu có bộ phận quản lý chung triển khai các khâu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

Tính đến nay, Đề án triển khai được 2,5 năm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bước đầu đạt được những chuyển biến tích cực.

Nắm bắt được nhu cầu người dân mong muốn hiểu thêm về tiến độ thực hiện và những khó khăn, thuận lợi của Đề án; các cơ sở, giáo viên muốn được kịp thời giải đáp, chia sẻ các các kinh nghiệm thực tiễn, “gỡ rối” về chính sách trong triển khai Đề án từ chính các chuyên gia của Đề án, lãnh đạo các đơn vị “hạt nhân” đã đạt được những thành tựu trong quá trình thực hiện Đề án, giáo viên trực tiếp đứng lớp có những sáng kiến trong đổi mới dạy – học ngoại ngữ, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp cùng Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: Kinh nghiệm từ thực tiễn” với sự tham gia của 3 vị khách mời:

1. TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020;

2. PGS Phan Quang Thế - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên;

3. Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội).

Đúng 9h, chương trình giao lưu trực tuyến bắt đầu.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Nam - Tổng biên tập báo Giáo dục và Thời đại - tuyên bố lý do và cảm ơn các khách mời đã tham gia giao lưu cùng bạn đọc.

Chương trình giao lưu trực tuyến là cầu nối để bạn đọc và các vị khách mời  chia sẻ những kinh nghiệm, những đơn vị điển hình, từ đó có hình dung, mô tả, giới thiệu và nhân rộng điển hình, sáng kiến, hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo có thể liên kết, hỗ trợ nhau phát triển về mọi mặt nói chung và dạy - học ngoại ngữ nói riêng.

Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến
 Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến